Không bột sao gột nên hồ

ANTĐ - Các đội tuyển Việt Nam thường tiến vào sân chơi quốc tế với tâm lý “chiếu dưới”, không chỉ trước các đội mạnh châu Á mà ngay cả trước các đối thủ cùng khu vực cũng vậy. Và vòng loại U23 châu Á khởi tranh ngày 27-3 tới tại Malaysia cũng không ngoại lệ.

Không bột sao gột nên hồ ảnh 1Tấm vé World Cup U20 mà U19 Myanmar (áo sẫm) vừa giành được đáng để các nhà quản lý bóng đá Việt Nam suy ngẫm. Ảnh: BẢO LÂM

Run run chỉ tiêu “lọt vòng chung kết”

HLV Miura khi nói về vòng loại châu Á đã đặt chỉ tiêu vượt qua vòng bảng. Có điều, tuyên bố trên thiên về lên giây cót tinh thần, hơn là tự tin vào thực lực đội tuyển. Giới phân tích cho rằng ở bảng I, Nhật Bản coi như chắc suất đầu bảng, Macau (Trung Quốc) bị đánh giá yếu nhất nên để hoàn thành chỉ tiêu, thầy trò HLV Miura buộc phải thắng chủ nhà Malaysia càng đậm càng tốt và hạn chế bàn thua trước Nhật Bản mới mong có cơ hội vào nhóm 5 trong 10 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất để giành vé vớt. 

Một mục tiêu quá khó cho U23 Việt Nam nếu so về thực lực giữa 2 nền bóng đá, chưa kể Malaysia có lợi thế chủ nhà và sự tiếp lửa của gần 10 vạn khán giả trên sân Shah Alam ở những trận đấu tới. So sánh cục diện ở 9 bảng đấu còn lại, cơ hội của Việt Nam khá nhỏ, nhỏ hơn cả các đội cùng khu vực. Bởi trong khi chúng ta phải cạnh tranh vé vớt với Malaysia thì Indonesia chỉ phải vượt qua Đông Timo, Brunei; Thái Lan cùng bảng với Campuchia, Philippines, còn  Singapore chỉ phải cạnh tranh với Lào, Mông Cổ.

Yếu từ “móng” đến “nóc”

Ở giải đấu giao hữu quốc tế vừa qua tại Trung Quốc, sau trận thua 0-2 trước U15 Malaysia, HLV trưởng U15 Việt Nam - Lưu Danh Minh thừa nhận: “Đối thủ hơn hẳn chúng ta về thể lực, sức mạnh lẫn sự già dơ”. Tìm hiểu thì biết, Malaysia có “mạng lưới” đào tạo trẻ rộng khắp cả nước. Nhiều CLB sẵn sàng chi tiền thuê thầy ngoại về huấn luyện trẻ, đầu tư cho đi tập huấn, giao hữu quốc tế - điều rất hiếm thấy ở bóng đá trẻ Việt Nam. Thể lực cầu thủ được bóng đá Malaysia chú trọng ngay từ khi mới 11, 13 tuổi, rồi được bồi đắp qua từng giai đoạn với tần suất cọ xát, tích lũy tăng dần. Thế nên thắng lợi của U15 nước này trước U15 Việt Nam là kết quả tất yếu và sự áp đảo này không dừng ở cấp độ trẻ.

Thành quả mà bóng đá Malaysia đã và đang thụ hưởng (vô địch SEA Games 2009, 2011, vô địch AFF Cup 2010) đến từ cuộc cách mạng toàn diện sau thất bại ê chề tại vòng chung kết Asian Cup 2007. Sau thất bại đó, Bộ trưởng thể thao nước này công khai xin lỗi toàn dân, nhiều quan chức LĐBĐ nước này tự nguyện từ chức, mở đầu cho cuộc dỡ ra làm lại nền bóng đá, bắt đầu từ đào tạo trẻ. 

Giống như Malaysia, bóng đá Myanmar cũng đang khởi sắc thấy rõ nhờ đào tạo trẻ bài bản. Bắt đầu từ năm 2005, Chủ tịch LĐBĐ Myanmar đồng thời là tỷ phú nước này - ông Zaw Zaw, chi mỗi năm 2 triệu USD để hệ thống lại giải VĐQG song song với việc xây dựng cơ sở vật chất, mở 4 học viện bóng đá liên kết với các CLB uy tín thế giới (trong khi đến nay Việt Nam mới có duy nhất 1 mô hình là HAGL Arsenal JMG). Và tấm vé dự World Cup U20 mà U19 Myanmar vừa giành được (U19 Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng) là quả ngọt đầu tiên, khẳng định bước đi đúng đắn của LĐBĐ nước này.

Trong khi một số quốc gia láng giềng như Malaysia, bóng đá Myanmar hay Thái Lan đã và đang tận hưởng thành quả thì bóng đá Việt Nam vẫn trong cảnh chấp chới. Nói như chuyên gia Nguyễn Văn Vinh thì bóng đá Việt Nam như một cây mà người chăm bón chỉ mải bón thúc phần ngọn mà lơ là chăm chút phần gốc, rễ. Có “bột” mới “gột nên hồ” và chừng nào bóng đá Việt Nam còn chưa chú trọng việc tạo “bột” thì khó mà vươn ra khỏi “ao làng” được.