Không “bỏ quên” 32,7 triệu lao động

ANTĐ - Hôm qua, 5-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Việc làm. Đây là dự luật có tác động sâu rộng tới hàng chục triệu lao động đang làm việc trong nền kinh tế.

Dự luật điều chỉnh quan hệ lao động của hàng triệu người chưa đạt yêu cầu

Theo Tờ trình của Chính phủ, phải ban hành Luật Việc làm bởi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về việc làm hiện nay chủ yếu điều chỉnh quan hệ xã hội của nhóm đối tượng có quan hệ lao động (thông qua hợp đồng lao động). Trong khi đó, số lượng lao động không có quan hệ lao động ở nước ta lại rất lớn, nhưng chưa có luật điều chỉnh, quản lý. Thống nhất cơ bản về quan điểm và sự cần thiết phải ban hành Luật Việc làm, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, chính sách việc làm phải hướng đến mục tiêu việc làm bền vững cho người lao động và tạo cơ hội bình đẳng về việc làm cho mọi người trong xã hội. Luật cần thể hiện tinh thần khuyến khích sự tham gia của xã hội trong chính sách làm việc, đặc biệt là cần có cơ chế, chính sách để doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển…

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho biết, còn có 2 nhóm ý kiến khác nhau về vấn đề bảo hiểm việc làm. Có ý kiến cho rằng, chính sách bảo hiểm việc làm là sự phát triển của bảo hiểm thất nghiệp hiện hành, do đó, chỉ cần bổ sung thêm chính sách hỗ trợ duy trì việc làm trong Luật Bảo hiểm xã hội. Nhóm ý kiến thứ hai đồng ý với việc quy định chính sách bảo hiểm việc làm thay cho bảo hiểm thất nghiệp với mục tiêu mở rộng hơn chính sách bảo hiểm thất nghiệp, thể hiện sự tiến bộ, ưu việt hơn so với chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện hành và quy định trong Luật Việc làm để tạo sự kết nối trong mục tiêu và quá trình hướng tới việc làm bền vững.

Góp ý về dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý lưu ý, quy định về Quỹ Việc làm trong luật này “vừa rối vừa mâu thuẫn với Bộ luật Lao động vừa được Quốc hội thông qua”. Về bảo hiểm việc làm, cơ bản không thấy khác gì bảo hiểm thất nghiệp, nên không cần phải quy định thêm. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng, nhóm lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài và người lao động làm việc ở Việt Nam đã có các văn bản luật khác điều chỉnh, không nên đưa vào đối tượng điều chỉnh của luật này. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị không đưa vào luật này nhiều vấn đề đã được quy định trong các văn bản luật khác. Về bảo hiểm việc làm, bà Ngân cho rằng, nên mở rộng đối tượng được bảo hiểm và quy định trong Luật Việc làm để tạo sự kết nối trong mục tiêu và quá trình hướng tới việc làm bền vững. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị đánh giá tác động của việc thi hành luật đối với cân đối thu - chi ngân sách cũng như tính khả thi của Luật. Có cần thiết thành lập Quỹ Việc làm khi nhiệm vụ đó đang được các ngân hàng chính sách đảm nhiệm? Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng, quy định trong dự thảo Luật về cấp chứng chỉ kỹ năng nghề là khó khả thi. Ông nói: “Chưa có chính sách cụ thể nào trong dự luật này, tất cả còn rất chung chung. Trình ra Quốc hội, dự thảo này chắc sẽ bị phê bình”. 

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, tiếp thu góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ sẽ rà soát, đối chiếu các nội dung có liên quan với Bộ luật Lao động và các văn bản pháp quy khác để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. 

Người lao động “làm công ăn lương” hiện chiếm khoảng 33,8% tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế. Trong khi đó, có tới 32,7 triệu lao động,  chiếm 67,2% tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế không có quan hệ lao động.