Không bỏ qua cơ hội giúp đỡ người nghèo

ANTD.VN - Lộc Vân Anh, ở xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An là con gái một ông chủ sản xuất phụ tùng xe gắn máy ở TP.HCM, nhưng công ty gia đình phá sản, nợ nần chồng chất, chị đã phải bỏ học giữa chừng khi vừa lên lớp 9 để bươn chải kiếm tiền phụ giúp gia đình. Thế nhưng, trong những năm tháng gian nan ấy, chị có thời gian theo chân các đoàn từ thiện đến với người nghèo khó khăn. Đến nay, khi vượt qua khó khăn, chị vẫn không ngừng làm công tác thiện nguyện và ước có thật nhiều tiền để giúp đỡ người nghèo miền sông nước.  

Từ người công nhân nghèo khổ

Nếu nói rằng chị Lộc Vân Anh là người ham mê làm từ thiện cũng không ngoa, bởi lẽ chị sẵn sàng bỏ thời gian, tiền bạc và không bao giờ bỏ qua bất kỳ một cơ hội nào dù nhỏ nhất để giúp đỡ những người nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Trong lúc chuyện trò, khi chúng tôi chủ động gợi ý với chị về trường hợp một người phụ nữ ở Hóc Môn, TP.HCM có hoàn cảnh đặc biệt thương tâm khi có chồng bị tai nạn qua đời từ khi đứa con của hai vợ chồng vừa tròn 2 tuổi. Đến nay đứa trẻ đã 8 tuổi nhưng người vợ lại mắc phải căn bệnh ung thư quái ác. Qua hai lần phẫu thuật không những căn bệnh không khỏi mà ngày càng trầm trọng thêm.

Cuộc sống của người phụ nữ này bây giờ chỉ tính bằng ngày... Vừa nghe đến đó, chị Vân Anh lập tức ngưng cuộc chuyện về mình mà thúc giục chúng tôi cung cấp số điện thoại, địa chỉ để ngay hôm sau chị sẽ đến tìm hiểu và chia sẻ với người phụ trong câu chuyện trên ít nhiều. Chia sẻ về công việc âm thầm của mình, chị Vân Anh cho biết: “Trong cuộc sống quanh ta còn rất nhiều cảnh đời thương tâm, bất hạnh. Mình là người may mắn hơn nên phải biết san sẻ cùng những người không được hạnh phúc như mình”.

Trong quá khứ, hoàn cảnh gia đình từng lâm vào nghịch cảnh khiến chị Vân Anh hiểu và đồng cảm hơn với những cảnh nghèo. Chị Vân Anh tâm sự, trước đây nhà chị vốn khá giả, bởi bố chị có cả một công ty sản xuất phụ kiện xe gắn máy. Thế nhưng, năm chị học lớp 9, vì một biến cố, bố chị làm ăn thua lỗ nên công ty phá sản nên chị đành phải nghỉ học đi làm công nhân.

Đang sống trong cảnh đầy đủ bỗng nhiên phải đi làm công nhân, làm thuê ở bất kỳ nơi nào nhận với số tiền kiếm được mỗi tháng ít ỏi đã khiến chị, một cô gái mới lớn hẫng hụt. “Cuộc sống mà, làm sao biết trước được ngày mai, hôm nay nhung lụa ngày mai khốn cùng. Vượt qua rồi tôi nghiệm lại đó là chuyện thường tình, mình lâm vào cảnh nào thì phải chịu cảnh đó. Đang nhà cao cửa rộng ở TP.HCM, tôi phải bỏ xuống thuê trọ ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An làm công nhân bươn trải kiếm sống”, chị Vân Anh nhớ lại.

Cuộc sống công nhân trăm bề khốn khó, thế nhưng chị đành ngậm ngùi làm việc quần quật từ sớm cho đến khuya, đôi tay vốn chỉ biết cầm sách bút trở nên chai lì, thô ráp. Với suy nghĩ nay có mai không, thế nên, làm được đồng lương nào, chị gom góp rồi cùng nhóm bạn lập đoàn đi làm từ thiện. “Đồng lương của công nhân không được bao nhiêu nên chúng tôi góp công, góp sức là chủ yếu. Dẫu vậy, sau những chuyến từ thiện, tôi thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn và lại tiếp tục cuộc sống công nhân để đến tháng có tiền làm từ thiện”, chị Vân Anh cho biết.

Cứ thế, tháng này qua năm khác, nghiệp từ thiện hình thành trong tâm thức chị Vân Anh từ khi còn rất trẻ. Mỗi khi rảnh rỗi là chị lại tham gia cùng đoàn đi khắp nơi làm từ thiện. Không những vậy, nếu những bạn bè đồng trang lứa hay đồng nghiệp ai gặp khó khăn, chị lại dành khoản tiền mình có giúp đỡ họ. Bởi theo chị, nhìn những cảnh đời lầm lũi, khốn khó chị không cầm lòng được và hễ giúp được ai là chị luôn sẵn lòng theo khả năng của chị có.

Không bỏ qua cơ hội giúp đỡ người nghèo ảnh 2Chị Vân Anh chia gạo phát cho người nghèo 

Đến bà chủ tạp hóa “nghiện” làm từ thiện

Thời điểm mới về ấp Mới 1, xã Mỹ Hạnh Nam mở cửa hàng tạp hóa buôn bán, nhưng chị Vân Anh đã trở nên nổi tiếng ở khu ấp bởi sự mạnh dạn đầu tư mở cửa hàng tạp hóa khi tuổi đời còn khá trẻ. Không những vậy, cô gái 24 tuổi này còn nổi tiếng giàu lòng nhân ái ở địa phương vì mỗi khi ai cần khoản tiền phụ giúp người nghèo, giúp đỡ những hoàn cảnh neo đơn mà tìm đến chị sẽ không bao giờ phải nhận cái lắc đầu. “Từ chối làm sao được, khi mình có trong tay những thứ thiết yếu để sống mà người khác thì lại hoàn toàn không có gì.

Không những vậy, có người còn mang trong mình những bệnh tật hiểm nghèo, những phiền não bốn bề, nên với tôi, khi họ cần đến mình, tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ”, chị Vân Anh cho biết. Chị cũng cho biết thêm, dù còn trẻ, nhưng không phải ai nói gì chị cũng giúp, vì chị biết người ngay kẻ gian lẫn lộn. Có người lợi dụng lòng tốt vô độ của một số người làm từ thiện rồi lười lao động, không lo tu chí làm ăn, không chịu phấn đấu trong cuộc sống. Với chị, mỗi lần có người gợi ý hoàn cảnh này khó khăn, hoàn cảnh kia lang thang cơ nhỡ cần sự giúp đõ, chị đều đến tận nơi xem xét thực tế và nếu họ khó khăn thực sự, chị sẵn lòng giúp đỡ trong khả năng của chị.

“Người tôi quan tâm nhất vẫn là trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo vượt khó. Thời điểm mới về xã nên chưa làm được gì cho địa phương, chứ những năm trước khi còn ở xã Mỹ Hạnh Bắc, mỗi dịp tổng kết, được giới thiệu giúp đỡ các em học sinh nghèo vượt khó đạt học sinh giỏi, tôi sẵn lòng giúp các em suất học bổng bằng tiền và hiện vật như sách, vở và trang thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày. Món quà tuy khiêm tốn nhưng tôi thấy các em được nhận vui lắm. Nhìn các em tôi nhớ lại quá khứ của mình, khi gia đình phá sản, tôi cũng khủng hoảng và bơ vơ. Thế nên tôi cũng vui với niềm vui của các em” - chị Vân Anh tâm sự - “Hàng tháng tôi thường xuyên giúp gạo cho một cô nhi viện ở huyện Hóc Môn, TP.HCM để lo phần cơm cho các em. Cô nhi viện này nuôi dưỡng nhiều trẻ em mồ côi khiến tôi vô cùng cảm động. Nhìn các em nhỏ bơ vơ thiếu tình thương cha mẹ mà tôi không cầm được nước mắt. Mỗi lần đến cô nhi viện thăm các em, tôi hạnh phúc khi các em ở đây trìu mến gọi: “Mẹ Vân Anh”. Dù còn trẻ nhưng tôi đã có đến mấy chục đứa con ríu rít...”. 

Ngoài việc giúp các em nghèo vượt khó, các em trẻ mồ côi không nơi nương tựa, đều đặn mùng 1, ngày rằm hàng tháng, chị còn đến các ngôi chùa ở TP.HCM nấu nướng cho người già. Mỗi lần đi từ thiện như vậy, chị rủ thêm những người bạn thân.

Theo chị, họ chính là cánh tay nối dài giúp đỡ chị trong nhiều việc, từ kinh phí cho các bữa ăn, giúp vận chuyển cũng như các công tác chuẩn bị, triển khai... : “Mỗi khi đi làm từ thiện, người có nhiều tiền, người có ít nhưng bạn tôi luôn sẵn sàng mỗi khi tôi cần đến sự hỗ trợ giúp đỡ. Quan trọng nhất là tôi nhận thấy tấm chân tình vì họ có chung suy nghĩ và tấm lòng như tôi. Khi tôi liên hệ là họ ủng hộ nhiệt tình, chứ một mình đơn phương nhiều lúc muốn cũng không thực hiện nổi. Một lần làm từ thiện không phải đơn giản. Đơn cử như mình có tiền mua bún và đồ nấu cho một trung tâm nhân đạo nào đó ăn, nhưng mình phải có người phụ giúp chế biến, bưng bê, nấu nướng... Nói chung làm một mình là điều không thể, mình phải có đồng minh hậu thuẫn”, chị Vân Anh chia sẻ bí kíp làm từ thiện của mình.

Nói về chuyện tương lai, chị tâm sự rằng ngày trước, khi còn là công nhân, ở trọ cùng những bạn người dưới đó nghe họ kể ở quê nghèo khổ lắm. Vì thế, trước mắt chỉ cố gắng làm việc, tích lũy để có thật nhiều tiền để đi đến những tỉnh miền như Đồng Tháp, Bạc Liêu, Sóc Trăng... để giúp đỡ bà con vùng sông nước miền Tây nghèo khổ.