Không bỏ hình phạt tử hình đối với tội cướp tài sản trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

ANTĐ - Trong Bộ luật Hình sự năm 1999, tội cướp tài sản được quy định tại Điều 133.

Không bỏ hình phạt tử hình đối với tội cướp tài sản trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi) ảnh 1Đối tượng và tang vật trong một vụ cướp tài sản

Khoản 4 Điều này quy định: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.

Trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), tội cướp tài sản được quy định tại Điều 168. Khoản 4 Điều này quy định: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm, tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 1 người mà tỷ lệ tổn thương từ 61% trở lên hoặc gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe từ 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% trở lên;

c) Làm chết người;

d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh”.

Chúng tôi không đồng tình với việc bỏ hình phạt tử hình đối với người phạm tội cướp tài sản trong những trường hợp được quy định tại khoản 4 Điều 168 dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), bởi những lý do, sau đây:

Thứ nhất, khách thể của tội cướp tài sản là quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân và quyền bất khả xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người. Tội cướp tài sản cùng một lúc xâm hại 2 khách thể, nhưng khách thể bị xâm hại trước hết là quyền nhân thân, thông qua xâm hại quyền nhân thân mà xâm hại đến quyền sở hữu tài sản. Do tội cướp tài sản cùng một lúc xâm hại 2 khách thể, nên trong cùng một vụ án, có thể có 1 người bị hại, nhưng cũng có thể có nhiều người bị hại; có người bị hại chỉ bị xâm hại đến tài sản, có người bị hại bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, có người bị hại bị xâm hại cả tài sản, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.

Thứ hai, tội cướp tài sản không những gây thiệt hại về vật chất, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người mà còn gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự trên địa bàn, làm người dân hoang mang, bỏ kinh doanh, sản xuất và các hoạt động bình thường khác.

Thứ ba, từ năm 2010 đến nay, cả nước xảy ra 12 nghìn vụ cướp tài sản, trong đó 53% số vụ cướp tài sản do các băng, nhóm cướp chuyên nghiệp gây ra (băng tội phạm do Huỳnh Văn Tím và Lê Anh Kiệt cầm đầu đã gây ra 8 vụ cướp tiệm vàng ở TP.HCM và các tỉnh lân cận); 61% số vụ cướp, đối tượng sử dụng vũ khí, hung khí và các phương tiện gây án nguy hiểm khác (đối tượng Lê Thanh Vân sử dụng chất độc cyanua để đầu độc nạn nhân trong 16 vụ cướp tài sản); số đối tượng chủ mưu, cầm đầu trong các vụ cướp có tổ chức đều có nhiều tiền án, tiền sự, hoạt động trên địa bàn liên tuyến, liên tỉnh; tính chất, thủ đoạn phạm tội cướp tài sản ngày càng manh động, nguy hiểm và liều lĩnh hơn, đối tượng sẵn sàng chống trả quyết liệt người bị hại và cơ quan chức năng khi bị phát hiện, truy bắt.

Do vậy, chúng tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 168 dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) về tội cướp tài sản, như sau: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 1 người mà tỷ lệ tổn thương từ 61% trở lên hoặc gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe từ 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% trở lên;

c) Lợi dụng tình trạng khẩn cấp, chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh; 

d) Làm chết người”.