Không biết NHNN sẽ huy động vàng trong dân bằng cách nào?

ANTĐ - Ngày 2-10 sau phiên giảm giá đột ngột hơn 40 USD/oz trên thị trường thế giới, giá vàng tại thị trường trong nước cũng sụt giảm xuống xung quanh mức giá 37 triệu VNĐ/lượng, cao hơn giá vàng thế giới tới 4,5 triệu VNĐ/lượng. Sự kiện này một lần nữa làm nóng lên những tranh luận về quản lý thị trường vàng.

Không thể phủ nhận những thành công của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong các chính sách đối với thị trường vàng  trong thời gian qua. Tình trạng vàng hóa trong thanh toán về cơ bản đã chấm dứt, ảnh hưởng của những biến động thị trường và giá vàng với nền kinh tế đã giảm thiểu. Quy định NHNN độc quyền nhập vàng cung cho thị trường đã đem lại cho ngân sách nhà nước trên 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vàng chưa bao giờ tạo ra sự yên tâm đối với các nhà quản lý cũng như các nhà nghiên cứu kinh tế. Cung vàng ra cho thị trường trong nước để có 6.000 tỷ đồng lãi nghĩa là chôn thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn vào thứ kim loại quý này để cất kho trong khi nền kinh tế vẫn đang cần vốn phát triển và chúng ta vẫn phải đi vay vốn từ mọi nguồn trên thế giới. Giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới càng đẩy mong ước huy động số vốn hàng chục tỷ USD nằm trong số vàng đang tồn trữ trong dân ước tính trên 600 tấn để phát triển kinh tế càng xa vời. Căn cứ vào mục tiêu đã được NHNN công bố, đến nay NHNN mới chỉ thực hiện được một nửa: quản lý thị trường, còn nửa huy động vàng trong dân cho thị trường vốn đầu tư phát triển thì chưa đụng đậy gì. 

Mới đây, trong cuộc trao đổi rộng rãi với báo chí trong nước, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN nhận định: “Huy động vàng trong dân là một nội dung rất lớn mà Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để triển khai trong thời gian tới. Vấn đề huy động, cho vay bằng vàng đã chấm dứt, quan hệ trên thị trường chuyển sang hoàn toàn là quan hệ mua - bán”. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tái khẳng định quan điểm chỉ huy động vàng trong dân theo quan hệ mua - bán, kiên quyết xóa sổ huy động vàng trong hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, những ý kiến này lại làm dấy lên những nỗi lo lắng mới. Làm sao để hạ giá vàng trong nước bằng hoặc thấp hơn giá thế giới để NHNN có thể mua vàng của dân, việc đẩy một khối lượng tiền lớn ra thị trường mà không nắm chắc đường đi của nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến điều hành vĩ mô và sẽ đẩy lạm phát lên đến đỉnh nào? Quan trọng hơn, liệu người dân có bán vàng không khi giá trị VNĐ vẫn không chắc chắn với tỷ lệ lạm phát vẫn cao?

Cũng trong cuộc trả lời báo chí, ông Nguyễn Quang Huy khẳng định: Việc huy động vàng trong dân để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng là vấn đề dài hạn và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như kinh tế vĩ mô cần được duy trì ổn định; giá trị của đồng Việt Nam cần được duy trì và được nâng cao; cơ hội sản xuất, kinh doanh và đầu tư cần được mở rộng. Khi đó, bản thân người dân sẽ tính toán lợi ích giữa việc giữ vàng hay bán vàng để đầu tư. Có nghĩa là việc huy động vàng trong dân chưa diễn ra và cũng sẽ không có một chính sách nào cho việc huy động vàng. Bản thân người giữ vàng sẽ tự cân nhắc để bán hay giữ lại. Như vậy chúng ta có thể chắc chắn, hàng trăm tấn vàng sẽ mãi mãi nằm trong các chai, lọ, hặc chôn dưới đất chứ không bao giờ tham gia thị trường vốn. Bởi câu trả lời của người dùng vàng để dự trữ, tiết kiệm…là không bao giờ bán.

Theo nhiều nhà nghiên cứu tài chính, chỉ có một cách để huy động được số lượng vàng vật chất trong dân để tham gia thị trường vốn là trả vàng lại cho thị trường, cho phép phát hành chứng chỉ vàng, huy động vốn bằng vàng. Nhưng tất cả những cách đó đều không nằm, hoặc trái với những chính sách của NHNN. Và một điều chắc chắn, không có nước nào tràn lan vàng vật chất như Việt Nam. Bởi vậy, nếu vẫn không chấp nhận giải pháp sàn vàng, thì không biết NHNN huy động vàng trong dân bằng cách nào?