"Không bi quan nhưng cũng đừng quá ảo tưởng thành tích ở Olympic"

ANTĐ - Đó là chia sẻ của ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic 2016, trong cuộc trao đổi với phóng viên ANTĐ chiều 30-6, một ngày sau khi chốt danh sách 50 thành viên sang Brazil dự Thế vận hội.

Trong số 10 đội tuyển chỉ có cử tạ với mũi nhọn Thạch Kim Tuấn là “sáng cửa” giành huy chương Olympic 2016

- PV: Lần đầu tiên trong lịch sử, thể thao Việt Nam có tới 23 VĐV góp mặt tại Olympic, trong đó 22 người có vé bằng “cửa chính”. Ông đánh giá thế nào về con số ấn tượng này?

- Trưởng đoàn Trần Đức Phấn: Chỉ tiêu mà ngành thể thao đặt ra ban đầu là giành từ 15-20 suất tham dự, dù có thời điểm xuất hiện những ý kiến bày tỏ lo lắng song cuối cùng, chỉ tiêu này không những hoàn thành mà còn vượt. Thành quả này trước tiên là nhờ công sức, cố gắng của VĐV cùng chính sách đầu tư trọng điểm của ngành thể thao.

- Theo danh sách đoàn thể thao Việt Nam sang Brazil dự Thế vận hội vừa được công bố, 2 đội tuyển judo và cầu lông không có lãnh đội hay HLV đi theo kèm VĐV như 8 đội tuyển còn lại. Vì sao lại có điều này, thưa ông?

- Với 23 VĐV, BTC Olympic chỉ cho phép đoàn Việt Nam cử 16 HLV theo kèm, không được phép quá. Bộ môn nào cũng muốn có người đi theo nhưng buộc phải lựa chọn, ưu tiên cho các môn có nhiều VĐV tham dự như đội tuyển cử tạ (4 VĐV), kiếm (4 VĐV)… Còn ở cầu lông, Tiến Minh và Vũ Thị Trang đã quen thi đấu chuyên nghiệp mà không có HLV theo kèm. Tuy vậy, lãnh đạo đoàn đã phân công các cán bộ đi cùng có nhiệm vụ hỗ trợ, chăm sóc VĐV ở 2 đội tuyển này.

- Việc chuẩn bị cho các VĐV ở giai đoạn nước rút sẽ như thế nào?

- Chủ trương của Bộ VH-TT&DL cũng như Tổng cục TDTT là phải lo tốt nhất cho các VĐV, đặc biệt là các VĐV đang trong quá trình hồi phục chấn thương. Theo báo cáo của bộ phận y tế, trong số 23 VĐV có Nguyễn Thị Huyền (điền kinh) gặp vấn đề về sức khỏe. Tôi đã gọi điện trực tiếp cho Huyền và VĐV này cho biết đang hồi phục tốt, đủ sức thi đấu giải. Trong khả năng của mình, ngành thể thao sẽ làm hết sức để VĐV có sự chuẩn bị tốt nhất.

- Công tác tiền trạm, lo nơi ăn chỗ ở cho VĐV đã được thực hiện tới đâu, thưa ông?

- Toàn bộ VĐV dự giải được BTC bố trí ở trong làng VĐV Olympic. Ngày 24-7 sẽ mở cổng làng và trước đó 1 ngày, cán bộ đoàn sẽ sang Brazil tiền trạm, kiểm tra mọi vấn đề liên quan đến ăn, ở, đi lại cho VĐV Việt Nam. Căn cứ lịch thi đấu cụ thể, các đội tuyển của chúng ta sẽ lần lượt sang Brazil. Cánh quân đầu tiên sẽ xuất phát ngày 25-7, khoảng 2 tuần trước khi bước vào thi đấu chính thức để còn làm quen điều kiện thời tiết, đặc biệt là múi giờ, vì bên đó chênh Việt Nam gần nửa ngày.

- Chuyện tài trợ, thưởng “nóng” cho VĐV ở Olympic 2016 cũng rất được quan tâm…

- Các bộ phận liên quan đang tích cực chuẩn bị và sẽ công bố trước giờ xuất quân của đoàn. Đã có nhà tài trợ toàn bộ trang phục đồng bộ cho đoàn. Cùng với đó, ngành thể thao cũng đã đề xuất treo thưởng tương ứng HCV, HCB, HCĐ để khích lệ tinh thần VĐV.

 - Số lượng VĐV tham dự vượt chỉ tiêu đăng ký, vậy chỉ tiêu về thành tích có nâng lên không, thưa ông?

- Cần phải thẳng thắn rằng Olympic là sân chơi ở đẳng cấp vượt xa so với hầu hết các VĐV Việt Nam. Chỉ tiêu thành tích vẫn sẽ giữ nguyên, đó là phấn đấu có huy chương. Cử tạ và bắn súng vẫn là 2 đội tuyển gánh trọng trách này. Chúng ta không bi quan nhưng cũng không quá ảo tưởng thành tích ở Olympic. Để gặt hái thành công ở sân chơi này cần thời gian, sự đầu tư dài hơi, nỗ lực của VĐV và cả sự chung tay của nhiều cấp, ngành, địa phương.

- Xin cảm ơn ông và chúc đoàn Thể thao Việt Nam thành công!

Theo danh sách vừa được Bộ VH-TT&DL thông qua, đoàn Thể thao Việt Nam do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn làm Trưởng đoàn sẽ tham dự Olympic Rio 2016 với 50 thành viên, trong đó có 23 VĐV (thuộc 10 môn), 16 HLV chuyên gia và 11 cán bộ phụ trách, y bác sỹ. Trước đó, VĐV bơi Hoàng Quý Phước là người cuối cùng giành vé tới Brazil nhờ suất đặc cách dành cho các quốc gia có nền thể thao đang phát triển.

Môn rowing có thay đổi nhân sự vào phút chót khi VĐV Phạm Thị Thảo bị chấn thương nên được thay thế bằng VĐV Hồ Thị Lý. Lễ xuất quân đoàn Thể thao Việt Nam dự Olympic sẽ được tổ chức ngày 20-7 tại Hà Nội. Olympic 2016 chính thức khởi tranh ngày 5-8 và bế mạc ngày 21-8, quy tụ hơn 10.500 VĐV đến từ 206 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, tranh tài ở 306 nội dung thuộc 28 môn thể thao.