Không bao giờ chấp nhận lệnh cấm phi lý của Trung Quốc

ANTĐ - Một chính quyền cấp tỉnh của Trung Quốc, tỉnh Hải Nam đã ra lệnh cấm tất cả các tàu đánh cá của các nước đi vào Biển Đông nếu không được phép của nhà cầm quyền Trung Quốc từ ngày 1-1-2014. Và để thể hiện các quyền lực tự phong đó, ngày mùng 2 và mùng 3-1-2014, tàu kiểm ngư Trung Quốc đã uy hiếp, phá hủy tàu cá của ngư dân huyện đảo Lý Sơn ở gần khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sự việc này đã khiến tình hình Biển Đông thêm phức tạp.
Không bao giờ chấp nhận lệnh cấm phi lý của Trung Quốc ảnh 1
Máy móc, thiết bị trên tàu QNg 95739 bị  phá hỏng


Âm mưu hợp lý hóa chủ quyền Biển Đông

Ngày 29-11-2013, chính quyền tỉnh Hải Nam đã lặng lẽ công bố một lệnh cấm biển cực kỳ vô lý và vi phạm tất cả mọi quy định luật pháp quốc tế.  Theo đó, lệnh cấm tàu cá ngoại quốc bao trùm khu vực lên đến hơn 2 triệu km2 của Biển Đông, có hiệu lực từ ngày 1-1-2014. Nếu tàu nước ngoài không được nhà cầm quyền Trung Quốc cấp phép, sẽ bị bắt giữ, tịch thu tài sản và phạt nặng. 

Khác với những lần công bố lệnh cấm đánh cá, tạm cấm tàu thuyền đi vào khu vực tập trận trước đây của Chính phủ Trung Quốc, lệnh cấm trên được nhà cầm quyền tỉnh đảo Hải Nam lặng lẽ đưa ra, được truyền thông địa phương loan báo ngày 3-12-2013 trong thông tin về các quyết định của nhà cầm quyền thực thi luật lệ ngư nghiệp. 

Theo ý kiến ông John Tkacik, một cựu viên chức Bộ Ngoại Giao Mỹ, nói trên Washington Free Beacon, việc cấm “nước ngoài” đánh cá trên 2/3 Biển Đông có vẻ như chủ trương mỗi ngày mỗi lấn tới trong kế hoạch Bắc Kinh củng cố thêm cho lời tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Báo chí Trung Quốc từng đưa ra nhận định Bắc Kinh không tuyên bố vùng cấm bay trên Biển Đông vì muốn tránh phản ứng bất lợi của các nước phía Nam. Nhưng cái lệnh cấm nước ngoài đánh cá ở cả những vùng biển của người ta, nhiều phần sẽ dẫn đến những căng thẳng mới. “Bắc Kinh nhấn thêm một bước nữa ra bên ngoài cái vạch 9 đoạn mơ hồ khi truyền bá cái “quyết định địa phương để xem phản ứng của các nước là gì”, ông Tkacik nói.

Bất chấp yêu sách “đường 9 đoạn” (đường lưỡi bò) về chủ quyền mà Trung Quốc áp đặt trên Biển Đông luôn bị quốc tế cho là mù mờ và vô căn cứ, không được công nhận, họ vẫn tự cho mình có cái quyền “quản lý” một khu vực bao phủ trên 1,5 triệu dặm vuông (gần 4 triệu km2), chiếm 2/3 diện tích Biển Đông, lấn sang cả các vùng biển thuộc chủ quyền lãnh thổ của nhiều nước láng giềng. Lệnh cấm tàu thuyền đánh cả ở biển Đông là một bước tiến mới nhằm hợp lý hóa chủ quyền trên Biển Đông. Đây là hành động leo thang mới nhất bởi Trung Quốc biết rõ Việt Nam và các nước khu vực không bao giờ chấp nhận cái lệnh cấm phi lý này.

Liên tiếp uy hiếp ngư dân 

Sau ngày ra lệnh cấm tàu nước ngoài đánh cá trên Biển Đông, liên tiếp các tàu cá Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc tấn công uy hiếp ngư dân, chiếm giữ tài sản trên tàu, phá hủy tàu nhằm “cụ thế hóa” cái lệnh đã ban bố của cấp chính quyền tỉnh Hải Nam.

Ngày 3-1-2013, tàu đánh cá Việt Nam mang số hiệu QNg 95739 khi đang đánh bắt ở khu vực Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa chừng 18 hải lý đã bị tàu Trung Quốc thả canô màu đỏ viền đen mang số hiệu 306, chở theo nhiều người, cập vào tàu QNg 95739, cầm dùi cui điện khống chế và huy hiếp 12 ngư dân, dồn về phía trước mũi tàu. Sau đó, bắt các ngư dân dỡ hầm hốt hết 5 tấn cá chuyển sang tàu Trung Quốc. Không chỉ dừng ở đó, bọn họ còn đập phá đồ đạc, lấy đi cả trang thiết bị trên tàu, vứt xuống biển. Trước đó một ngày khoảng 10 giờ 30 sáng ngày 2-1-2014, tàu Trung Quốc cũng đã bắt giữ, đánh đập ngư dân và tịch thu thủy sản và trang bị đánh cá viễn duyên của tàu đánh cá Việt Nam mang số hiệu QNg 96679 khi đang khai thác thủy sản gần đảo An Ten (quần đảo Hoàng Sa). Ước tính tổng giá trị thiệt hại khoảng trên 500 triệu đồng. 

Chính vì vậy chúng ta cần tăng cường bảo vệ ngư dân, đáp trả với những hành vi uy hiếp của tàu Trung Quốc. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam. Các Nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hoà bình, liên tục ít nhất là từ thế kỷ 17, 18. Đây là ngư trường đánh bắt truyền thống của ngư dân Việt Nam từ bao đời nay. Hành động của các lực lượng chấp pháp Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế. Nếu Trung Quốc tiếp tục lấn tới cần tính đến việc đưa vấn đề này ra cơ quan tài phán quốc tế.