Không ban phát thủ tục

ANTĐ - Lần đầu tiên, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính được thành lập với chức năng kiểm soát, thanh lọc các thủ tục hành chính (TTHC) không cần thiết. Dù mới ra đời một năm, Cục đã chứng minh được tầm quan trọng của mình trong vai trò kiểm soát tình trạng lạm dụng quyền lực trong thủ tục hành chính.

Tính đến cuối năm 2011, các bộ, ngành đã đơn giản hóa được hơn 3.000 TTHC như Bộ Khoa học - Công nghệ đạt 96%, Bộ Giao thông - Vận tải đạt 85%, Bộ Thông tin - Truyền thông đạt 80%. Tuy nhiên, một số bộ còn thực hiện khá chậm như Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tư pháp…

Cụ thể có 91 văn bản quy phạm pháp luật và 110 quy định hành chính của bộ, ban, ngành đã được rà soát. Đối với 63 địa phương có 276 văn bản quy phạm pháp luật và 565 quy định hành chính được rà soát. Cùng với đó, các bộ, ngành cũng đã thực hiện tốt công tác đánh giá tác động với 666 TTHC, quy định tại 130 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về hành chính. Chỉ số hiệu quả hoạt động pháp luật kinh doanh mà cộng đồng doanh nghiệp “chấm điểm” cho các bộ được công bố vào ngày cuối năm ngoái cũng gợi lên nhiều điều đáng suy nghĩ. Điểm số “thường thường bậc trung” của các bộ, thấp nhất chỉ vượt qua điểm 5 và cao nhất chưa tới điểm 6 (trên thang điểm 10), không khiến dư luận ngạc nhiên, bởi đã quá quen tai với những điệp khúc “hành chính quan liêu”, “cơ chế xin - cho”.

Mặc dù đã được đánh giá là thực hiện vừa đủ các nghĩa vụ bắt buộc theo quy định pháp luật, song thực tế đã chỉ ra rằng, những công việc không đến nỗi quá khó lại chính là những lĩnh vực mà các bộ bị đánh giá thấp nhất. Đó là những việc hầu như không cần chuyên môn gì quá sâu như lấy ý kiến các doanh nghiệp, hiệp hội trong quá trình soạn thảo văn bản pháp luật, cho đến việc công khai và cung cấp thông tin pháp luật cho doanh nghiệp… đều không đáp ứng nhu cầu. Cuộc cải cách TTHC đến nay nhìn chung đã làm khá tốt, nhưng có thể rút ra một kết luận là, “việc khó không bỏ, việc dễ vẫn chưa làm”. Nhóm việc khó là những hoạt động giám sát phải thường xuyên hơn và phải được triển khai chặt chẽ hơn từ góc độ nhà nước cũng như xã hội. Nhóm việc dễ là những hoạt động ít được chú ý hơn, vì vậy đòi hỏi sự tự nguyện và thái độ tích cực hơn. Tuy thế, hiệu quả hoạt động của các bộ không thể trông chờ vào sự tự nguyện hay thiện chí. Ở mọi khía cạnh pháp luật, mọi khâu quản lý của nhà nước không phụ thuộc vào việc dễ hay khó thực hiện. Để chúng được thực hiện hiệu quả đều rất cần thiết chế giám sát chặt chẽ, định kỳ và phải có hình thức xử lý trách nhiệm.

Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC nhấn mạnh, trong năm 2012, cải cách thủ tục không chỉ là rà soát để cắt giảm hoặc sửa đổi, mà quan trọng hơn là triển khai thực hiện TTHC trong thực tế. Nó đòi hỏi cán bộ công chức phải có ý thức phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Thủ tục là để phục vụ tốt hơn chứ không phải ban phát. Quy định là để giúp doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tốt hơn. Kiểm soát TTHC là kiểm soát việc lạm dụng quyền lực của cán bộ công chức trong việc thực hiện TTHC.