Nhiếp ảnh gia Na Sơn trần tình về scandal khi tác nghiệp chụp ảnh lễ Quốc tang

Không bận lòng với mấy "nhà đạo đức bàn phím"

ANTĐ - Được giới nhiếp ảnh trong và ngoài nước đánh giá là một tay máy “cứng”, ít ai biết rằng, Na Sơn tốt nghiệp trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhưng anh đã bỏ công việc ở ngành dầu khí để cầm máy, rong ruổi khắp nơi. Na Sơn vừa có triển lãm ảnh rất lạ “Cuộc đời tôi, giấc mơ tôi”. Tay máy này cũng vướng phải nhiều điều tiếng vì những scandal trong quá trình tác nghiệp. ANTĐ Cuối tuần đã có buổi trò chuyện với anh về những bức ảnh và cả những scandal vừa qua…

Chụp lễ tang Đại tướng bằng cảm xúc mất mát

- Lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh đã có rất nhiều bức ảnh được đăng trên các trang báo trong và ngoài nước. Xin được hỏi cảm xúc của anh trong lần tác nghiệp đặc biệt này như thế nào?

- Đại tướng ra đi là một sự kiện lịch sử. Và với một người phóng viên ảnh, trách nhiệm của anh ta là phải ghi nhận lại sự kiện ấy, kể cả khi không có toà soạn nào yêu cầu thì với trách nhiệm nghề nghiệp đặc thù của mình, anh ta vẫn nên cầm máy đi chụp. Về mặt tình cảm cá nhân, Đại tướng là người Anh hùng dân tộc mà tôi vẫn luôn hằng ngưỡng mộ, kính yêu thế nên sự ra đi của Người cũng là một sự mất mát với tôi. Điều đó thôi thúc tôi chụp rất nhiều, sáng trưa chiều tối suốt hơn 1 tuần lễ và như bạn thấy những hình ảnh ấy xuất hiện rất nhiều trên các tờ báo, tạp chí trên Thế giới, trong nước, đặc biệt là trên mạng vì tôi thực sự muốn chia sẻ với cộng đồng.

- Được biết anh viết thư cho Biên tập viên hãng AP để đăng ảnh Đại tướng do anh chụp?

 - Chính buổi tối 4-10 khi báo chí đưa tin ông mất, tôi biết trong kho tư liệu ảnh của hãng AP có rất nhiều hình ảnh chụp ông từ trước tới giờ nhưng tôi vẫn chủ động viết thư cho biên tập ngỏ ý muốn đóng góp 1 tấm ảnh tôi chụp ông năm 2008, một trong những bức chân dung ưng ý nhất tôi từng chụp. Trong ảnh đại tướng ngồi trầm ngâm trong phòng, phía sau lưng là bức tranh vẽ ông và Chủ tịch Hồ Chí Minh đang bàn luận và còn một bức thư pháp chữ “Tâm” rất đẹp. Tôi viết cho biên tập rằng: “Đây là bức ảnh tôi tâm đắc khi chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tất cả sự kính yêu tôi dành cho ông. Tôi muốn chia sẻ một góc nhìn và không có chuyện tiền nong ở đây. Tôi đơn giản chỉ muốn một hình ảnh đẹp của ông được mọi người biết đến”. Và tấm ảnh đó cùng những ảnh tư liệu khác của hãng đã xuất hiện trên khắp thế giới ngày hôm sau. Đấy là cách tôi tỏ lòng tôn kính với Đại tướng.

- Quá trình tác nghiệp trong Lễ Quốc tang, có chuyện ồn ào rằng anh vướng phải một scandal để chụp ảnh theo ý đồ của mình?

- Chuyện xảy ra chả có gì. Chỉ là sự hiểu lầm của cộng đồng mạng khi họ nhìn vào một tấm ảnh chụp ác ý từ góc khác. Tôi nghĩ kể cả người đàn ông bị tôi kéo ra khỏi hiện trường chắc cũng thông cảm với hành động hơi bột phát lúc đang chụp “say đòn” của tôi vì quả thực tôi cũng không làm gì quá đáng vượt qua đạo đức nghề nghiệp cả. Có dịp mà gặp lại bác ta thì có lẽ tôi mời bác ấy uống bia vì dù tôi có làm mất sự hứng thú chụp ảnh của bác ấy cũng như bác ta làm mất “khoảnh khắc vàng” của tôi (cười) thì cũng chỉ vì có cùng sự yêu kính Đại tướng của tất cả chúng ta mà thôi... Tôi nghĩ chỉ có thế thôi, việc gì phải tranh luận nhiều. Tôi cũng không bận lòng với mấy “nhà đạo đức bàn phím”. 

- Anh có thể nói rõ hơn về việc đẩy người đàn ông lớn tuổi? Và giải thích gì về điều này?

- Khi tôi cùng một vài phóng viên khác đang tác nghiệp thì đột nhiên bác ấy cứ lao ra với cái máy ảnh du lịch trên tay. Tôi nhớ bọn tôi nhắc bác ta gần chục lần nhưng bác ta vẫn đứng đó, lom khom chụp, cách hàng rào phải gần 2m, ra hẳn phía đường. Tôi chạy lại nắm cánh tay bác ta kéo về phía hàng người và nói “Chỗ của bác trong này, sao bác cứ nhảy tận ra đó thì ai còn làm được nữa” và tôi trở lại ngay, tất cả chỉ diễn ra trong vòng độ 5s và tôi chụp tiếp. Chuyện có vậy thôi. Còn giải thích ư, thật dễ hiểu. Tất cả đều vì lòng kính yêu Đại tướng, cả bác lớn tuổi và cả cánh phóng viên ảnh chúng tôi.

- Còn  tranh luận về tôn trọng sự thật khi chụp ảnh báo chí?

- Tấm ảnh tôi chụp được AP chọn là ảnh trong ngày. Nó được chụp trước khi người bác lớn tuổi ấy lao ra. Đấy là một cảnh chân thực. Người phóng viên hiện trường phải có niềm tin vào sự thực anh ta nhìn thấy và chuyển tải nó theo cách tốt nhất. Phóng viên viết hay phóng viên ảnh, phóng viên quay phim cũng đều như vậy thôi. Chắc chắn có quan điểm trái chiều muốn tôn trọng tuyệt đối thực tế diễn ra nhưng tôi vẫn bảo lưu quan điểm đấy là cảnh thực tế chứ chưa phải sự thật vì đôi khi những thứ chúng ta nhìn thấy không phản ánh bản chất bên trong. Thế thì người ta mới cần đến phóng viên ra ngoài đường chứ không cứ đặt mỗi ngã tư 1 cái camera đặt chế độ chụp tự động là đủ rồi.

Cuộc triển lãm ảnh chưa từng có ở Việt Nam

- Anh lại đang được nhắc đến nhiều qua cuộc triển lãm “Cuộc đời tôi, giấc mơ tôi”. Vai trò của anh trong cuộc triển lãm này như thế nào?

- Dự án ảnh “Cuộc đời tôi - Ước mơ tôi” được các tổ chức phi Chính phủ trong lẫn ngoài nước là CSAGA và PLAN khởi xướng. Tôi nhận làm curator - người giám tuyển, nôm na là đạo diễn nghệ thuật cho dự án và tôi cũng tham gia chụp và trưng bày 11 tấm ảnh bên cạnh 35 tấm ảnh khác do các cô gái trẻ (17-26 tuổi) đã và đang hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tình dục (chữ dùng của dự án), chúng ta hay gọi là gái mãi dâm là đối tượng đang chịu sự bóc lột tình dục hiện nay. Triển lãm cũng tổ chức đúng ngày 11-10 là Ngày Trẻ em gái của Thế giới. Chúng tôi phát máy ảnh cho họ, huấn luyện họ một số kỹ năng chụp ảnh, cách dùng máy ảnh để kể câu chuyện rất riêng của mình. Tôi trao đổi, gợi ý và cùng xây dựng ý tưởng với họ rồi khâu cuối cùng là tuyển chọn ảnh, biên tập và trình bày.

- Anh có thể kể chuyện “hậu trường” của những bức ảnh trong triển lãm?

- Có những đêm đã hơn 2 giờ, một cô gọi “em vừa đi làm về, anh có muốn đến chụp cho chân thực không”? Và thế là tôi lại vùng dậy tức tốc chạy đến ghi lại hình ảnh. Khi đặt hai góc nhìn ấy cạnh nhau trong triển lãm thì thực sự hiệu quả. Lần đầu tiên ở Việt Nam có một triển lãm như thế - nơi những cô gái hành nghề mại dâm tự chụp về chính cuộc sống của mình. Đọc hàng trăm dòng ghi cảm nghĩ tại triển lãm, chắc rằng các cô sẽ thấy vui và ấm lòng hơn khi hầu hết đều bày tỏ sự xúc động của người xem với sự cảm thông, chia sẻ với các cô. 

Phụ nữ Việt Nam là đẹp nhất

- Quan niệm về tình yêu, về hôn nhân của anh như thế nào?

- Không phải tôi không nghĩ tới hôn nhân, nhưng chỉ đơn giản tôi nghĩ rằng như vậy thì sẽ rất tội nghiệp cho người phụ nữ nào đồng ý kết hôn với tôi... Là phụ nữ, ai cũng mong 1 mái ấm gia đình bình yên. Mà tôi của thời điểm này chưa đáp ứng được điều đó. Tôi đột nhiên rời bỏ một công việc khá tốt tại dầu khí dành hết đam mê và thời gian cho nhiếp ảnh. Biết đâu một ngày nào đó... sẽ lại có một điều đặc biệt khiến tôi dừng nhiếp ảnh để dành hết đam mê và thời gian cho nó. Cũng có thể điều đặc biệt ấy là một cô gái đặc biệt... Khi ấy hôn nhân là điều tất yếu!

- Anh đã chụp nhiều người phụ nữ đẹp, anh ấn tượng với hình ảnh nào?

- Tiếp xúc với mỗi người đều mang cho tôi những cảm nhận khác nhau. Nên để nói ấn tượng nhất với tôi thì rất khó. Nhưng cũng có một vài gương mặt, hình ảnh khiến tôi có cảm tình. Tôi rất thích xem phim có sự diễn xuất của Đỗ Hải Yến. Vì gương mặt của Yến đẹp, mà đẹp quá thì lại khó diễn xuất, nhưng cô lại làm tôi bất ngờ vì hóa thân được vào mọi vai diễn khác nhau. Chị Thuỷ Hương nữa - nét đẹp hoàn hảo của người đàn bà Việt chính là chị ấy.

- Anh thấy vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam thế nào so với các nhan sắc khác trên thế giới?

- Tôi thấy phụ nữ Việt Nam là đẹp nhất. Không phải tôi nịnh đâu. Riêng khu vực châu Á, phụ nữ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc… tôi thấy họ chỉ đẹp trên màn ảnh thôi. Chỉ có phụ Việt Nam đẹp và bạn bè tôi ở nước ngoài cũng phải công nhận điều đó. Thực ra, phụ nữ các nước ở những khu vực khác cũng đẹp lắm. Nhưng tôi là người châu Á, nên tôi quen nhìn nét đẹp của châu Á rồi.

- Còn tiêu chuẩn chọn bạn gái của anh?

- Tôi thích những người phụ nữ mà tâm hồn người ta khiến tôi chia sẻ được. Tôi đặc biệt thích những phụ nữ… trong sáng. Trong sáng chứ không ngây thơ nhé! Gặp những người như vậy tôi dễ… liêu xiêu lắm.

- Thời gian tới anh có dự án gì không? 

- Kết thúc triển lãm “Cuộc đời tôi, giấc mơ tôi”, tôi lại bắt tay vào dự án “Bạo lực gia đình” tại 5 tỉnh thành. Sau đó là một cuộc triển lãm cá nhân về đề tài “Cuộc sống thường ngày ở Việt Nam” trưng bày trong Gala truyền hình châu Á - Thái Bình Dương, rồi tôi phải đi chụp một đề tài về những cựu chiến binh mang di chứng tinh thần của chiến tranh cho một tạp chí nước ngoài... Lại còn dự án ảnh dài hơi về Chợ vùng cao dang dở của tôi thực hiện từ đầu năm tới giờ... Chưa kể công việc báo chí thời sự hàng ngày của tôi... Với tôi cuộc đời là những chuyến đi không ngừng nghỉ cứ kéo tôi đi suốt. 

- Cảm ơn anh!