Không ào ạt bơm tiền ra

ANTĐ - Chiều qua, 3-7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6-2012. Bộ trưởng cho rằng, kinh tế vĩ mô đang đi đúng hướng và tình hình đang tốt dần lên.

Ngân hàng có giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn. Ảnh: Phú khánh


Nhìn thẳng vào khó khăn để xử lý

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, qua 6 tháng đầu năm, Chính phủ dự báo, nếu không có gì đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay sẽ dừng ở mức khoảng 6%. Chính phủ tiếp tục kiên trì với định hướng giữ lạm phát ở một con số và duy trì mức tăng trưởng hợp lý. Đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh “đang tốt lên”, song Bộ trưởng cho rằng, để đạt được mức tăng trưởng GDP 6,0-6,5% đòi hỏi “một sự nỗ lực rất lớn”. Ông nói: “Chính phủ không hài lòng với kết quả đạt được, không tô hồng thực tế mà tinh thần là nhìn thẳng vào khó khăn trước mắt để có giải pháp xử lý. Đây là lúc để tái cơ cấu nền kinh tế mà trọng tâm là đầu tư công, hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là phải tái cơ cấu sản xuất”. 

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhìn nhận, các doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn, nhưng đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) tổ chức lại sản xuất kinh doanh của mình. Nhà nước sẽ có các biện pháp để hỗ trợ. Ông nói: “Khó khăn của DN là thiếu vốn, hàng tồn kho lớn. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước phải tập trung các giải pháp để tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN. Chính phủ sẽ chỉ đạo ngân hàng có giải pháp giải quyết nợ đọng cho DN, tháo gỡ khó khăn về vốn”. Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng xác nhận, Chính phủ sẽ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng tới. Tuy vậy, sẽ không có chuyện “ào ạt bơm tiền ra thị trường để đề phòng lạm phát quay trở lại”.

Cũng tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đã bàn việc sửa đổi Nghị định 132 về quản lý DN Nhà nước. Theo đó, đặt ra yêu cầu các DN Nhà nước phải tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính. Đặc biệt, sẽ quy định rõ hơn trách nhiệm quản lý đồng vốn, tài sản Nhà nước ở các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước của bộ chủ quản, bộ quản lý chuyên ngành. Về ý tưởng lập thêm bộ quản lý chuyên ngành đối với DN Nhà nước, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT nghiên cứu, lấy ý kiến các chuyên gia.

Tăng giá điện ít tác động sản xuất

Trả lời câu hỏi của báo chí về tác động của việc tăng giá điện đầu tháng 7 qua, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng, về lâu dài, giá điện phải đưa về cơ chế thị trường. Hiện nay, giá điện vẫn được bán dưới giá thành dẫn tới nhiều hệ lụy, nhiều ngành sản xuất công nghiệp rất tiêu tốn điện được hưởng lợi. Nếu hạch toán đầy đủ giá điện thì kết quả sản xuất, kinh doanh của các ngành hàng sẽ công bằng hơn. Ông phân tích: “Đương nhiên, việc đưa giá điện theo cơ chế thị trường cần có lộ trình. Quan điểm của Chính phủ là việc điều chỉnh giá phải bảo đảm 3 yêu cầu. Thứ nhất, phải công khai, minh bạch (giá thành, lỗ - lãi, lý do tăng - giảm). Thứ hai, điều chỉnh giá phải đúng các quy định của pháp luật và thứ ba, việc tăng giá không được làm ảnh hưởng tới người nghèo, người có thu nhập thấp. Trường hợp có tác động, phải có giải pháp để bù đắp cho các đối tượng này”. 

Bộ trưởng nói, Chính phủ chia sẻ với một bộ phận doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi tăng giá điện. Đồng thời, Chính phủ cũng kêu gọi DN, nhân dân cùng nhau nỗ lực vì các mục tiêu chung lớn hơn. Đặc biệt, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải rút kinh nghiệm. Khi tăng giá hàng hóa có tác động tới người dân, ngoài việc công khai, minh bạch, cần tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong xã hội. 

Cũng liên quan tới vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho biết, giá điện tăng 5% ảnh hưởng không nhiều tới các ngành sản xuất. Bà trấn an: “Ngay ở những ngành, đơn vị sử dụng nhiều điện nhất như hóa chất hay luyện kim thì chi phí tiền điện cũng chỉ chiếm 10% giá thành, tức là giá thành sẽ bị tăng 0,5%. Nếu DN điều chỉnh giờ sử dụng điện và áp dụng các biện pháp tiết kiệm thì tăng giá điện tác động rất nhỏ đến giá thành”.