Phim truyền hình “Khi đàn chim trở về”:

Không “ăn xổi” làm vội

ANTĐ - Mất tới 3 năm để hoàn thiện kịch bản và gần 2 năm lặng lẽ thực hiện nên không quá khi nói rằng “Khi đàn chim trở về” (phần 3) là một trong những bộ phim truyền hình được Hãng phim truyền hình Việt Nam “om” lâu và giấu kỹ nhất. Phim sẽ lên sóng vào “giờ Vàng” VTV1 vào tối thứ 4, 5, 6 hàng tuần, bắt đầu từ ngày 28-5. 

Tác giả viết kịch bản trên giường bệnh

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Hãng phim truyền hình Việt Nam (VFC) chia sẻ, cũng như các bộ phim thuộc dòng chính luận mà VFC sản xuất thì “không vội vàng” là tiêu chí đầu tiên. Sự không vội ấy phải được thực hiện ngay từ khâu lên kịch bản, càng trau chuốt kỹ lưỡng bao nhiêu thì phim càng hay và càng có giá trị bấy nhiêu.

Riêng với “Khi đàn chim trở về - phần 3”, thời gian chuẩn bị có lâu hơn bởi riêng kịch bản đã kéo dài tới 3 năm. Sở dĩ vậy cũng bởi kịch bản của bộ phim này được tác giả - nhà báo Nguyễn Ngọc Đức viết trong những ngày cuối cùng trước khi ông qua đời. Thời gian đó, nhà báo Nguyễn Ngọc Đức đang xạ trị căn bệnh ung thư giai đoạn cuối nhưng vẫn nỗ lực nằm trên giường bệnh để đọc cho con gái chép lại. Khi đọc xong những trang bản thảo cuối cùng cũng là lúc ông từ giã cuộc đời.

Tác giả Nguyễn Ngọc Đức vốn là nhà báo theo dõi mảng lâm nghiệp ở vùng quê xứ Nghệ, rất hiểu, rất tâm huyết với cuộc đấu tranh chống lại nạn lâm tặc để bảo vệ rừng nên việc ông qua đời khi mới chỉ kịp hoàn thành bản thảo kịch bản đã để lại khoảng trống không nhỏ đối với những người thực hiện bộ phim này. Tập bản thảo sau đó được VFC giao cho hai nhà biên kịch sửa và hoàn thiện nhưng cũng phải mất tới 2 năm mới xong.

Không “ăn xổi” làm vội ảnh 1

Phim được tiết lộ sẽ  có những cảnh quay vô cùng lãng mạn 

Chạm đến một đề tài ít được khai thác là cuộc chiến bảo vệ màu xanh của rừng, dù từng làm đến 2 phần song khi bắt tay vào sản xuất phần 3, đạo diễn Đỗ Thanh Hải và cả êkip vẫn thấy áp lực rất lớn. Trong đó, việc chọn bối cảnh để quay cũng phải vắt óc nghĩ và mướt mải đi tìm. Bởi lẽ nhiều địa phương lúc đầu đồng ý tạo điều kiện hỗ trợ đoàn làm phim nhưng lại ngại lên phim mọi người hiểu nhầm địa phương mình tiêu cực quá nên chần chừ. Vì thế mà đoàn phim đã phải lấy bối cảnh quay ở nhiều vùng miền và vùng rừng khác nhau, từ Vĩnh Phú đến Thanh Hóa, Nghệ An, Lào Cai… Không chỉ vậy, người thực hiện bộ phim này - đạo diễn Nguyễn Danh Dũng còn quyết tìm bằng được những cánh rừng bị tàn phá nên việc chọn bối cảnh cũng ngốn không ít thời gian.

Chặt cây thật chứ không dùng kỹ xảo

Trong phim, người xem sẽ thấy có nhiều cảnh diễn viên vào vai lâm tặc cầm cưa máy chặt hàng chục cây cổ thụ cao hàng mét và sau đó thì những cây này đổ rạp xuống trong khu rừng xung quanh trơ trọi toàn gốc cây to. Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng tiết lộ đây là những cảnh quay hoàn toàn có thật chứ không hề dùng hình ảnh tư liệu hay kỹ xảo.

 Để có được những cảnh quay ứa nhựa cây này, đoàn làm phim đã phải kỳ công thuyết phục đơn vị quản lý lâm nghiệp trên địa bàn, Cục Kiểm lâm và cả chính quyền địa phương để được phép cưa chặt 4-5 cây già cỗi, đã chết. Sở dĩ phải kỳ công đến thế, theo chia sẻ của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng bởi ông muốn phim lột tả được mặt trái khủng khiếp và tàn bạo của nạn lâm tặc. Nhớ lại cảnh quay này, nam diễn viên Việt Anh đảm nhận vai chính trong phim cũng như các bạn diễn đã cảm thấy vô cùng áp lực. Có cảnh cây thân to cao tới chục mét đổ sát người các thành viên trong đoàn làm phim khiến mọi người đều rất sợ hãi và căng thẳng. Song mọi người đều động viên nhau cố gắng vượt qua để có được những thước phim chân thực và sống động nhất. 

Ngủ trong túi, sống như người dân tộc

Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng cùng đoàn làm phim lên tới điểm quay chính tại Y Tý, Lào Cai vào một tối mùa đông cuối năm 2013, nhiệt độ đêm xuống tới dưới 0oC. Ngay khi lên đến nơi, đoàn làm phim khoảng 60 người được bố trí ngủ trên một nhà sàn rộng chừng 60m2, mỗi người một cái túi ngủ đã chuẩn bị sẵn, mọi sinh hoạt còn lại bao gồm một nhà vệ sinh và một vòi nước chảy thẳng từ núi xuống ở phía dưới nhà sàn này.

Khi ấy mọi người nhìn nhau và bảo không biết có trụ lại được để quay không, cuối cùng thì đoàn làm phim cũng ở đây suốt một tháng đến tận giáp Tết Nguyên đán mới về. Bà con dân tộc sống nơi đây cũng ngạc nhiên về sự chịu đựng này, còn thắc mắc không hiểu đoàn phim làm gì mà đi từ khi mình chưa ngủ dậy đến lúc mình ngủ rồi vẫn chưa thấy họ về. Khi chia tay dân bản để ra về, ai nấy đều quyến luyến, những khó nhọc vất vả hay cuộc sống thiếu thốn nơi đây trở thành kỷ niệm đẹp của hơn 60 người trong đoàn.