Không ai muốn con mình thành tội phạm

ANTĐ - Phân tích các vụ án hình sự thời gian qua cho thấy, thủ phạm tuổi vị thành niên đang gia tăng ở mức đáng lo ngại. Trên thực tế, hầu hết các em đều thiếu sự kèm cặp, giáo dục của gia đình. Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho các em khi cha mẹ phó mặc việc giáo dục con cho nhà trường và tự nhiên. 
Không ai muốn con mình thành tội phạm ảnh 1

Ăn ngủ, sex và phạm tội tập thể

CAQ Hà Đông (Hà Nội) vừa ra lệnh bắt khẩn cấp 4 đối tượng có liên quan đến vụ ném đá đến chết người ở hồ Dền Khê. Nạn nhân và đối tượng phạm tội đều từ 16-18 tuổi. Theo cơ quan công an, các đối tượng bị tạm giữ hình sự đều là thanh thiếu niên hư, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, hay tụ tập, bỏ nhà đi bụi. Nạn nhân và các đối tượng liên quan trong vụ án đều quen biết, từng ăn ngủ cùng nhau, nhưng các em đã đang tâm “ném đá đến chết” người bạn của mình - hành động dã man chỉ có ở thời Trung cổ.  

Trước đó tại Đà Nẵng,  cơ quan công an cũng đã bắt quả tang một nhóm đối tượng sinh hoạt “bầy đàn” đưa nhau đi thuê nhà nghỉ để sử dụng ma túy, ăn nhậu, quan hệ tình dục tập thể. Các đối tượng gồm 9 nữ giới độ tuổi từ 15-18 và 2 nam giới (trên 20 tuổi). 8/11 đối tượng có kết quả xét nghiệm dương tính với ma túy (đá). Theo lời khai, hầu hết đối tượng đều chung hoàn cảnh: cha mẹ ly hôn, gia đình tan đàn xẻ nghé nên chán nản, bỏ nhà đi bụi đã rất lâu. Chỉ có 4 em làm nghề tiếp viên, cắt tóc gội đầu còn lại đều không có nghề nghiệp ổn định. Nhóm này thường thuê phòng nghỉ, “đập đá”, sau đó quan hệ tình dục bầy đàn, ai thích thì “chơi”. 

Ngày càng có nhiều vụ phạm tội tập thể của các nhóm thanh niên, vị thành niên. Trong những vụ đó, không ít cha mẹ khi con bị bắt mới “té ngửa” vì “về nhà con vẫn ngoan sao lại bị bắt”, nhưng cũng không ít bậc cha mẹ đã bỏ mặc việc quản lý, giáo dục con. Chị Vũ Bích An (ở Phúc Xá, Ba Đình) cho biết, hai vợ chồng chị đều chạy chợ, sinh được 3 con. Để kiếm được miếng ăn, anh chị phải đầu tắt mặt tối, việc giáo dục con đều “trăm sự nhờ cô giáo”. Chị An hoàn toàn không biết con học gì, chơi với ai. Khi con có thái độ hỗn láo, lười giúp đỡ bố mẹ, chị chỉ biết chửi bới, gào thét. Thấy con lì lợm, cãi lại, chị cũng không có biện pháp gì, đành tặc lưỡi “trăng đến rằm trăng tròn, chúng nó có lớn sẽ có khôn”. Nhưng con gái 17 tuổi bị nhà trường đuổi học vì đánh ghen “hội đồng” với bạn cùng lớp, còn lột áo bạn nữ rồi quay clip, tung lên mạng. Cùng lúc, con trai 15 tuổi cũng theo bạn đàn đúm, trộm cắp để lấy tiền chơi game, lúc bị bắt quả tang còn rút dao chém người, tiền đền không ít. Vợ chồng chị An chỉ biết kêu trời. 

Đừng giáo dục “vuốt đuôi” 

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết, không ít cha mẹ đều cho rằng chỉ cần yêu con, cung cấp cho con đầy đủ vật chất như chúng bạn là đủ. Nhiều người tâm niệm: Ngày xưa, ông bà có dạy dỗ gì đâu mà mình vẫn lớn khôn, biết nhìn trước ngó sau, cư xử đàng hoàng. Nhưng cha mẹ không biết rằng, 30-40 năm trước với bây giờ khác biệt hoàn toàn. Ngày nay, cuộc sống công nghiệp, hiện đại, cha mẹ không lường được sự “đột biến” về tính cách của con, nếu không theo sát, chia sẻ, gần gũi con thì sẽ không hiểu được con, không thể hướng dẫn cho con điều hay, lẽ phải. “Khi cha mẹ đã buông lỏng quản lý con quá lâu, đến lúc con hư hỏng thì các biện pháp giáo dục “vuốt đuôi” chẳng khác nào “nước đổ lá khoai” - ông Hòa nhấn mạnh.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ, hạnh phúc – Viện nghiên cứu Thanh niên), một biện pháp sai lầm nhất của cha mẹ là khi thấy con làm việc gì trái ý, không đúng như mong đợi của mình thì tìm cách trừng phạt. “Dân dã” thì chửi mắng, đánh đập, phạt trói, phạt quỳ, sỉ nhục, vùi dập lòng tự trọng của con. Còn “cao cấp” hơn thì cấm con ra khỏi nhà, cắt Internet, thu điện thoại hay gấp rút cho con tham gia các lớp “khổ luyện” như bộ đội “Vượt Trường Sơn” hay “Vào chùa” ăn chay, tụng kinh… “Hầu hết các em gọi đến đường dây tư vấn đều phàn nàn cha mẹ không hiểu mình, cấm đoán, sỉ nhục nặng nề khiến các em chán nản, hết muốn sống, càng không hy vọng vào tương lai. Việc vội vã áp dụng các biện pháp cực đoan sẽ chặt đứt sợi dây liên kết, chặn luôn kênh trò chuyện giữa cha mẹ và con cái. Lúc đó đứa con sẽ không hiểu được tấm lòng của cha mẹ mà chỉ thấy cha mẹ lạc hậu thậm chí độc ác.  Vì thất vọng, các em sẽ dễ có hành động nông nổi như bỏ nhà đi, tụ tập với bạn bè xấu, thử các hành động có hại như hút thuốc, uống rượu, dùng ma túy, yêu đương dễ dãi” - bà Túy cho biết.

Theo bà Túy, muốn dạy con thì không phải đợi lớn mới dạy mà cần uốn nắn, giáo dục con hàng ngày. Dù bận bịu, cha mẹ cần dành thời gian trò chuyện, chơi đùa với con, tạo thói quen chia sẻ, để hiểu sở thích, suy nghĩ của con. Khi phát hiện con có suy nghĩ, hành động lệch chuẩn thì cần uốn nắn ngay. Nếu đợi đến lúc gãy cành mới có biện pháp “cấp cứu” thì quá muộn.