Khôn ngoan và quyết liệt để Hà Nội trở thành điểm đến hàng đầu thế giới

ANTD.VN - Sở Du lịch Hà Nội vừa có buổi làm việc với Hãng hàng không Qatar Airways nhằm nâng cao lượng khách trao đổi giữa Hà Nội, Việt Nam với Qatar cũng như các thị trường hàng không Qatar có điểm hạ cánh. Trước đó, Sở Du lịch Hà Nội cũng đã làm việc với đại diện Hãng hàng không Emirates của Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất… Đây được xem như một hướng đi mới cho du lịch Hà Nội nhằm đẩy mạnh quảng bá xúc tiến tại chỗ.

Phố đi bộ hồ Gươm thu hút một lượng lớn du khách tới tham quan, vui chơi

Mở cửa thị trường tiềm năng

Ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhận định, Qatar là một trong trong những thị trường quan trọng và nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, việc trao đổi khách lâu nay vẫn còn rất hạn chế. Chính vì thế, trong lần đặt vấn đề hợp tác này, Sở Du lịch Hà Nội mong muốn Hãng hàng không Qatar (Qatar Airways) tuyên truyền, quảng bá điểm đến du lịch Hà Nội trên các ấn phẩm, video clip do Qatar Airways sản xuất phục vụ khách trên các chuyến bay của hãng; Phối hợp quảng bá ấn phẩm của du lịch Hà Nội tại các sự kiện du lịch - hàng không do Hàng không Qatar tổ chức như: Trình chiếu video clip giới thiệu du lịch Hà Nội do Kênh CNN sản xuất trên các chuyến bay của Qatar Airways, phối hợp tổ chức các đoàn khảo sát thị trường, đồng thời có chính sách hỗ trợ vé cho các doanh nghiệp sử dụng hàng không Qatar tới các thị trường Trung Đông… 

“Năm 2020, Qatar sẽ đăng cai tổ chức World Cup và hiện Qatar đã bắt đầu mở cửa đón khách du lịch nên có nhiều chính sách ưu đãi cho du khách về visa. Đặc biệt, ngày 2-11 tới đây, Qatar  Airways sẽ khai trương đường bay thẳng Doha - Hà Nội”.

Bà Jeanie Jin (Trưởng đại diện thương mại Hãng hàng không Qatar Airways tại Hà Nội) 

Thực tế, du khách Qatar đến Việt Nam rất ít, họ thường đi du lịch châu Âu, còn châu Á chủ yếu là Bangkok - Thái Lan. Chính vì thế, thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp tổ chức đón các đoàn khảo sát thị trường gồm báo chí, doanh nghiệp lữ hành của Qatar đến khảo sát du lịch, dịch vụ của Hà Nội và ngược lại, tổ chức đoàn của Hà Nội đến khảo sát Qatar.

Không chỉ vậy, Sở còn tham mưu với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về tạo cơ chế chính sách thông thoáng, đặc biệt là thủ tục visa để thu hút du khách; tuyên truyền, quảng bá du lịch Qatar tại các sự kiện do Sở Du lịch Hà Nội chủ trì và trên các ấn phẩm của Sở Du lịch; xây dựng chương trình tour có các điểm mua sắm, vui chơi giải trí đáp ứng nhu cầu của du khách; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu đón khách đến Hà Nội từ khu vực Trung Đông (các quốc gia nói tiếng Ả-rập).

Trước đó, đầu tháng 9-2017, Sở Du lịch Hà Nội cũng đã đón Đoàn khảo sát du lịch của Thụy Điển cùng đại diện Hãng hàng không Emirates của Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất tới thăm nhằm xúc tiến hợp tác phát triển du lịch Hà Nội. 

Theo thông tin từ các hãng lữ hành, yếu tố quan trọng nhất để cấu thành nên giá tour là giá vé máy bay, bởi lẽ, vé máy bay chiếm 50% giá tour quốc tế và 30% giá tour nội địa. Chính vì thế, trong thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục có các cuộc làm việc với các hãng hàng không lớn trên thế giới để xúc tiến du lịch Hà Nội.

Bên cạnh công tác tổ chức khảo sát thị trường, tạo điều kiện về thủ tục thông thoáng, ngành du lịch Hà Nội còn đặt trọng tâm vào xây dựng chương trình tour có các điểm mua sắm, vui chơi giải trí, ăn uống đáp ứng nhu cầu của du khách; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu đón khách đến Hà Nội từ khu vực Trung Đông cũng như các thị trường trọng điểm khác.

Những thách thức cần giải quyết

Những năm qua, Hà Nội được nhiều tổ chức truyền thông đánh giá cao về giá trị điểm đến nổi trội so với các địa phương khác trong cả nước cũng như các thành phố trong khu vực. Năm 2016, Hà Nội đứng vị trí thứ 8 trong top 25 điểm đến hấp dẫn nhất trên thế giới; được du khách yêu thích bởi khu phố cổ nhộn nhịp, lịch sử lâu đời, nền văn hóa độc đáo và ẩm thực tuyệt vời (theo trang mạng TripAdvisor).

Thế nhưng, công bằng mà nói, du lịch Hà Nội cần phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế của mình. Chúng ta có một Thủ đô nghìn năm văn hiến; có Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám; có hồ Tây, sông Hồng thơ mộng; có những vùng đất ngoại ô tuyệt vời và đặc biệt là có phố cổ với những ngõ nhỏ, món ăn và nếp sinh hoạt đời thường đậm chất Á Đông.

Hà Nội có nhiều điểm đến hấp dẫn nhưng để liên kết tạo thành một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh nhằm giữ chân du khách ở lại với Hà Nội lâu hơn hay để du khách đến Hà Nội một lần là nhớ mãi và luôn muốn quay lại, đó vẫn là những điều mà những người làm du lịch Thủ đô đang cố gắng hướng tới.

Theo ông Trần Đức Hải, du lịch Hà Nội đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn đòi hỏi những giải pháp khôn ngoan và quyết liệt. Ví như, hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của du lịch. Sản phẩm du lịch chưa đồng bộ, khai thác chưa hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, xứng với tiềm năng; thiếu những khu du lịch, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm tầm cỡ và sản phẩm du lịch nổi trội để cạnh tranh với các địa phương trên cả nước và trong khu vực.

Chất lượng môi trường sống còn nhiều hạn chế, vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn giao thông cho du khách cần cải thiện tích cực hơn. Nguồn nhân lực du lịch còn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành, nhất là đội ngũ nhân lực quản trị doanh nghiệp, hướng dẫn viên du lịch... Những khó khăn hạn chế trên cũng là các thách thức mà ngành Du lịch Hà Nội cần giải quyết trong tiến trình phát triển.

Khôn ngoan và quyết liệt để Hà Nội trở thành điểm đến hàng đầu thế giới ảnh 2
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải: 5 giải pháp phát triển mạnh mẽ du lịch Thủ đô

Thứ nhất: Ưu tiên hàng đầu là nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về du lịch, hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện, hấp dẫn du khách. Phát huy vai trò của cộng đồng dân cư, xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch.

Tập trung tạo dựng các sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, có chất lượng cao, giàu sức hấp dẫn để kéo dài thời gian lưu trú của du khách ở Thủ đô. Thúc đẩy sớm hình thành các khu vui chơi giải trí, điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; hoàn thiện và duy trì hoạt động các tuyến phố văn hóa - du lịch như: không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, không gian ẩm thực và biểu diễn nghệ thuật đường phố Trịnh Công Sơn, tuyến phố ẩm thực Tống Duy Tân trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhân dân, du khách trong nước và quốc tế…

Thứ hai: Đổi mới công tác tuyên truyền, quảng bá, phát triển thị trường du lịch quốc tế trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo tính chuyên nghiệp và hiệu quả; phát triển hệ thống du lịch thông minh nhằm hội nhập và bắt kịp với xu hướng du lịch trên thế giới. Đồng thời phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, tạo đột phá trong hoạt động quảng bá du lịch.

Thứ ba: Chủ động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong nước; với Thủ đô, thành phố các nước và các tổ chức du lịch quốc tế như: TPO, CPTA. Tăng cường công tác liên kết ngành như phối hợp với các hãng hàng không, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam… nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách du lịch đến với Thủ đô Hà Nội.

Thứ tư: Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho 100% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch.

Thứ năm: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch bền vững ở Thủ đô, Hà Nội cũng đã tiến hành chuỗi những giải pháp tổng thể nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân, đồng thời tạo môi trường xanh - sạch - đẹp thu hút du khách trong nước và quốc tế như trồng thêm 1 triệu cây xanh trên toàn thành phố trong 5 năm tới; cơ giới hóa việc thu gom và vận chuyển rác thải, nâng cao chất lượng nguồn nước, hướng tới mục tiêu người dân được uống nước sạch từ vòi, kiểm soát chấn chỉnh lại vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; chủ động, tăng cường khả năng kiểm soát, phòng chống dịch bệnh… hướng tới mục tiêu mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch của Thủ đô.