Khốn khổ vì 10 năm mang "án oan" HIV

ANTĐ - Câu chuyện của chị Đỗ Thị An (39 tuổi ở thôn Tiên Xá 2, xã Cẩm Xá, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) đúng là hy hữu. Gần 10 năm trời chị phải chịu điều tiếng là người nhiễm HIV mà chính chị lại không hề hay biết. Vì cái “án oan” ấy mà cuộc sống của chị hoàn toàn đảo lộn, hạnh phúc gia đình tan vỡ, hàng xóm láng giềng kỳ thị và không biết bao nhiêu hệ lụy phía sau.

Khốn khổ vì 10 năm mang "án oan" HIV ảnh 1
Chồng bỏ vì “nhiễm HIV”

Vài ngày gần đây, căn nhà nhỏ nơi mẹ con, bà cháu chị An ở mới trở lại không khí đông vui, hàng xóm đã đôi người dám đến nhà chị, dám ngồi cạnh chị, nói chuyện với mẹ con chị. Chứ 10 năm nay mẹ con chị thui thủi trong sự xa lánh đến khó hiểu của xóm làng, nhìn thấy ai từ xa là chị đã phải biết điều mà tránh, nếu không thì người ta cũng tìm cách lảng đi chỗ khác, nói gì bước vào nhà chơi. Cho đến tận bây giờ, chị mới có thể lý giải cho sự xa lánh, kỳ thị ấy, nhưng chị lại vẫn chưa có được câu trả lời tại sao bỗng dưng mình lại bị đổ lên đầu cái “án” kinh khủng đến vậy.

Chị An kể, mọi chuyện bắt đầu vào khoảng tháng 3-2006, khi đó chị đang thoát ly đi làm kinh tế. Do lao động nặng nhọc, chị bị lao lực và phải điều trị 6 tháng trời tại Bệnh viện Lao phổi Hưng Yên. Thế rồi không hiểu tại sao, sau khi điều trị bệnh lao xong, cái tên Đỗ Thị An lại có trong danh sách quản lý người nhiễm HIV/AIDS của tỉnh Hưng Yên, danh sách này được gửi về y tế huyện, y tế xã và ngay lập tức thông tin chị nhiễm HIV lan khắp làng trên xóm dưới.

Dù vậy, chính chị chưa bao giờ nhận được thông báo mình bị nhiễm HIV, cũng không hề hay biết về những lời đồn đại bủa vây mình suốt gần 10 năm qua, chỉ thấy bỗng dưng mình bị kỳ thị, xa lánh một cách khó hiểu. Sau khi điều trị xong bệnh, chị vào Vũng Tàu làm công nhân, tại đây chị gặp và xây dựng gia đình với một người đàn ông địa phương. Đến năm 2008 thì chị sinh con, khi con được vài tháng chị đưa chồng con về thăm gia đình ngoài Bắc và không ngờ chuyến đi đã khiến hạnh phúc gia đình chị tan vỡ.

“Về quê được vài ngày thì anh ấy đùng đùng bảo mẹ con tôi thu xếp hành lý về lại Vũng Tàu để tiếp tục làm ăn. Dù bất ngờ nhưng tôi vẫn khăn gói bế con theo chồng, nhưng vừa vào đến nơi thì anh ấy đã trở mặt quay ra chửi bới, đánh đập rồi đuổi tôi ra khỏi nhà. Cả gia đình nhà chồng cũng xúm vào nhiếc móc mà tôi không hiểu tại sao. Tôi có gặng hỏi chồng là tôi đã làm gì sai, tại sao anh ta lại đối xử với mẹ con tôi như thế, trong khi con anh ta mới được vài tháng tuổi, tôi chấp nhận ra đi nhưng phải nói cho tôi biết lý do. Anh ta không nói, chỉ bảo thích thì đánh chứ chả cần lý do gì”.

Cuối cùng, không chịu được sự sỉ nhục và những trận đòn của chồng, chị khóc mếu, lếch thếch bế con ra khỏi nhà chồng trong túi không có một xu, phải nhờ đến người chị gái mua giúp vé để về quê. Hóa ra trong những ngày về quê, anh ta có sang hàng xóm láng giềng và nghe được thông tin chị nhiễm HIV nên mới trở mặt như vậy. Gần 10 năm qua, người chồng này không một lần hỏi han đến con, con chị cũng chưa từng biết mặt bố, còn chị cứ ôm mãi nỗi ấm ức mà giờ mới có câu trả lời.

Khổ nhục vì bị kỳ thị

Ấy vậy nhưng cuộc đời chị An vẫn chưa hết khổ. Về quê nương tựa mẹ già chị lại bỗng dưng bị tất cả mọi người xa lánh. Chị đến đâu người ta cũng lảng ra, chẳng ai dám bước chân vào căn nhà của chị, chị đi xin việc thì tất cả đều lắc đầu. Chị kể: “Ba mẹ con, bà cháu chỉ trông vào mấy sào ruộng, mình có sức đấy nhưng không hiểu sao xin việc khắp nơi mà không ai nhận. Hỏi lý do thì người ta cũng chẳng nói làm sao. Thương hoàn cảnh em, chị dâu chị An phải nói khó thì chị mới được nhận vào một xưởng tái chế chì.

 “Đầu tiên người ta đồng ý bảo chị tôi dẫn người xuống, nhưng xuống đến nơi, nhìn thấy mặt tôi là người ta từ chối ngay. Chị tôi phải nói khó mãi họ mới nhận mà trả lương thấp. Cũng đi làm chì, độc hại như thế như thế, người khác được mấy trăm nghìn mỗi ngày, còn tôi chỉ được ba bốn chục, sau này thấy tôi làm việc chăm chỉ họ mới trả 70 nghìn đồng mỗi ngày. Các công nhân được ăn cơm nhà xưởng, còn tôi thì phải tự mang cặp lồng cơm đi, đến trưa ra một góc mà ăn, ngủ cũng phải riêng một xó. Tôi hỏi chủ xưởng tại sao các công nhân khác được ăn cơm mà mình không được ăn, chủ chỉ nói thôi em thông cảm, chứ không nói lý do. Thôi thì có công việc đã tốt rồi, tôi cũng đành cố gắng mà làm để đỡ đần cho mẹ tôi”.

Khổ nhất là khi con chị là cháu Bùi Đài Trang khi đến tuổi đi học. Nhắc đến con, chị rơm rớm nước mắt: “Đi học con mình cứ lủi thủi một mình, đến lớp phải ngồi riêng một bàn, giờ ra chơi các bạn chơi cùng nhau còn nó thì ngồi một góc nhìn các bạn. Cả lớp được uống nước ở bình chung, riêng con mình phải mang riêng một bình nước để uống. Mỗi lần lên lớp nhìn thấy con mà rơi nước mắt. Tôi chỉ biết động viên cháu cứ cố gắng học hành chứ chẳng biết làm sao. Về đến nhà cũng không có đứa trẻ nào dám bén mảng sang chơi cùng”.

Sự tắc trách của cơ quan y tế

Có lẽ may mắn nhất cuộc đời chị An là gặp được người chồng hiện tại, người đã cứu chị thoát khỏi “án tử” của dư luận, và nhờ có anh mà chị mới lý giải được câu chuyện của mình suốt bao năm qua. Anh Phạm Văn Hoạch là người cùng xã, cũng có hoàn cảnh neo đơn, vợ mất sớm vì căn bệnh ung thư, anh phải một mình nuôi con. Anh Hoạch kể anh gặp chị An năm 2014, mới đầu chỉ là tình thương vì thấy hoàn cảnh chị quá khổ, lại nghe khắp nơi đồn đại chị bị nhiễm HIV. Nhưng càng gần gũi, tìm hiểu, trò chuyện anh càng thấy nhiều điểm vô lý, càng ngày anh càng có niềm tin chị bị HIV là oan, chắc chắn là có sự nhầm lẫn gì.

Nghĩ vậy anh quyết tâm tìm ra sự thật để giúp người phụ nữ này. “Thực sự là chính tôi cũng không dám hỏi thẳng cô ấy, cuối cùng tôi phải tìm cách động viên cô ấy đi khám. Khi nghe tôi bảo đi khám sức khỏe thì cô ấy cứ chối, bảo người khỏe mạnh thế này sao tự nhiên bắt đi khám, mà cũng chả có tiền mà đi. Tôi bảo: Em làm cái nghề này độc hại, mà thấy em càng ngày càng gầy gò thế này, cứ thử đi khám xem sao, nếu có bệnh biết sớm còn chữa được, chứ muộn thì lại giống vợ anh rồi khổ. Em không có tiền thì anh sẽ giúp. Nói mãi cô ấy mới chịu đi. Mới đầu xét nghiệm máu ở một phòng khám tư, kết quả âm tính với HIV. Tôi gặng hỏi bác sĩ ở đây là kết quả có đáng tin không thì họ nói chính xác đến 97%. Chưa tin, tôi đã đưa cô ấy đi đến cả các bệnh viện lớn trên Hà Nội để xét nghiệm lại, tất cả đều cho kết quả âm tính”.

Lúc này thì anh Hoạch mới chắc chắn điều mình nghĩ là đúng, chị không hề bị nhiễm HIV mà là có sự nhầm lẫn nào đó. Thương chị, anh đã quyết định gắn bó với người phụ nữ này. Khi tình cảm đã gần gũi hơn, anh mới dám hỏi chị là không hiểu sao dân làng lại đồn chị nhiễm HIV suốt cả chục năm nay. Lúc này chị mới ngã ngửa ra, chị vẫn không tin, chị trách anh sao lại đổ tiếng ác cho chị.

“Khi nghe anh ấy nói thế, tôi và gia đình đã rất sốc, tất cả đều trách anh ấy, tôi khóc lóc mấy ngày trời, bảo hay anh chán tôi, muốn bỏ tôi nên mới nói vậy. Anh giải thích mãi nhưng tôi vẫn không tin. Cuối cùng anh phải đưa tôi lên trạm y tế xã thì tôi mới biết hóa ra 10 năm nay tên tôi có trong danh sách quản lý người nhiễm HIV mà không hề hay biết” - chị An kể.

 Khi anh chị đưa các kết quả xét nghiệm cho Trạm y tế xã Cẩm Xá thì xã nói phải lên huyện, anh chị lại dắt nhau lên Trung tâm Y tế huyện Mỹ Hào, huyện lại chỉ lên tỉnh. Lên tỉnh thì người ta cũng hứa hẹn sẽ giải quyết, nhưng chờ đợi mãi từ đó đến nay mà không thấy có thông tin phản hồi gì. Tưởng rằng với những kết quả xét nghiệm âm tính, và với lời hứa của các cơ quan y tế thì cuộc sống gia đình chị An sẽ trở lại yên ấm. Nhưng đến khi anh chị lập gia đình và chị mang bầu đứa con thứ 2 thì dư luận khắp làng xã lại lần nữa rầm rộ lên.

 “Kết quả xét nghiệm là thế, nhưng các cơ quan cho trách nhiệm chẳng một ai xin lỗi, chẳng có một cái thông báo đến người dân” - chị An cay đắng. Anh Hoạch tiếp lời vợ: “Khi vợ tôi mang bầu, dân làng bắt đầu xôn xao, bảo vợ tôi nhiễm HIV thì chắc chắn tôi và con tôi cũng nhiễm, thế là người ta bắt đầu sợ, xa lánh vợ chồng tôi. Đến thằng con trai tôi nó cũng khóc lóc bảo mẹ nó đã như thế, giờ bố lấy vợ mới, tưởng hạnh phúc thì lại lấy người nhiễm HIV để mang bệnh vào người. Nó còn ở riêng, không dám cho con đến gần ông nội, không cho ông bế cháu vì sợ lây, giải thích thế nào cũng không nghe”.

Bực quá, anh Hoạch lại dắt vợ đi xét nghiệm máu khắp 4-5 bệnh viện từ địa phương đến Trung ương, kết quả vẫn là âm tính. Vợ chồng anh lại tiếp tục liên hệ với các cơ quan chức năng yêu cầu “minh oan” cho chị An. Với sự kiên quyết của mình, sau hơn 1 năm sự việc rơi vào im lặng gia đình chị mới nhận được phản hồi của các cơ quan. Ông Nguyễn Khắc Toàn, Chủ tịch UBND xã Cẩm Xá, huyện Mỹ Hào cho biết, xã sẽ tiến hành thông báo trên đài truyền thanh xã việc chị Đỗ Thị An, 39 tuổi, ở thôn Cẩm Quan không bị nhiễm HIV để toàn thể nhân dân được biết.

Trung tâm Y tế huyện Mỹ Hào cũng đã làm việc với chính quyền địa phương, thông báo kết luận của Sở Y tế Hưng Yên đưa chị An ra khỏi danh sách người nhiễm HIV có xét nghiệm lại âm tính. Trước đó, ngày 15-7, Giám đốc Sở Y tế Hưng Yên Nguyễn Văn Đông đã ký văn bản gửi Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hưng Yên và Trung tâm Y tế huyện Mỹ Hào yêu cầu xóa tên chị An khỏi danh sách quản lý người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn.

Ngày 20-7, chị và gia đình cũng đã được đưa đến trụ sở của Sở Y tế Hưng Yên để gặp mặt, xin lỗi và bồi thường một phần thiệt hai nhưng gia đình chị vẫn chưa chấp nhận. Chị An cho biết, chị buồn nhất là những cán bộ y tế địa phương làm không hết trách nhiệm và thiếu lương tâm, nếu chẳng may chị có nhiễm HIV thật, thì trách nhiệm của họ là phải giữ bí mật thông tin cho chị, đằng này chính chị còn chưa biết mà thông tin đã lọt ra ngoài khiến gần 10 năm qua chị và gia đình đã phải chịu sự kỳ thị khủng khiếp.