Khốn đốn vì “chạy”… chính sách

ANTĐ - Nghe những lời ngon ngọt, bà Đà hớt hải đi vay mượn khắp lượt làng trên xóm dưới được gần 20  triệu đồng, chuyển cho Cúc với hy vọng không lâu nữa sẽ có thêm một khoản trợ cấp quý giá. Nhưng rồi tất cả chỉ là “bong bóng xà phòng”…

Trần Văn Cúc (bên trái) cùng đồng phạm tại tòa

Hôm qua (26-9), bà Nguyễn Thị Đà (SN 1953, trú ở xã Cẩm Đình, Phúc Thọ, Hà Nội)  tìm đến trụ sở TAND TP Hà Nội với hy vọng bị cáo sẽ hoàn trả cho bà khoản tiền 18 triệu đồng. Đây là khối tài sản lớn đối với gia đình người đàn bà này và đến khi phiên tòa kết thúc, bà Đà mới nhận ra điều đó rất khó trở thành hiện thực. Cùng với hàng chục bị hại khác rồng rắn rời khỏi tòa trong cay đắng, bà Đà chỉ còn biết “ném” ánh mắt căm hờn về phía bị cáo.

Trước đó, trình bày với tòa, bà Đà chua chát: “Nghe ông ta nói, không chỉ tôi mà ai cũng có thể tin việc trợ cấp của Nhà nước chỉ trong nay, mai thôi. Thế nhưng sự thực chúng tôi đã bị ông ta lừa đảo”. Cũng theo lời bị hại này, trước ngày giao 18 triệu đồng cho Trần Văn Cúc (SN 1952, trú ở xóm 5, xã Phú Châu, Ba Vì, Hà Nội) không lâu (cuối năm 2009), qua người giới thiệu, bà Đà nhờ đối tượng này giúp đỡ để người chồng ốm đau, bệnh tật của mình được xếp vào danh sách đối tượng được hưởng chế độ nhiễm chất độc da cam và cá nhân bà cũng sớm được hưởng chính sách vợ thương binh nhận trợ cấp hàng tháng.

Nhưng sau khi giao tiền cho Cúc, bà Đà chờ mãi mà chẳng thấy hồi âm. Khi biết sẽ chẳng bao giờ nhận được chính sách nhân đạo của Nhà nước như lời Cúc cam kết, bà Đà đã “năm lần bảy lượt” tìm đến nhà kẻ bịp bợm đòi lại tiền nhưng đều không kết quả. Cực chẳng đã, bà Đà buộc phải làm đơn tố cáo ra cơ quan công an. Oái oăm thay, không chỉ người đàn bà nghèo khổ ở Phúc Thọ bị “dính bẫy” của Cúc mà còn có hàng chục người dân nghèo khổ ở nhiều địa phương khác nhau cũng rơi vào cảnh ngộ tương tự.

Với việc sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng của hàng chục bị hại, Trần Văn Cúc đã bị VKSND TP Hà Nội truy tố ra trước tòa án cùng cấp về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”. Đồng phạm ở tội danh thứ hai với Cúc còn có Phùng Công Tuân (SN 1983), trú ở thôn Hưng Đạo, thị trấn Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội. Quá trình điều tra, cơ quan công an đã chứng minh, dù không có chức năng và khả năng xin được chế độ trợ cấp của Nhà nước cho người bị nhiễm chất độc da cam, xin được chế độ thương bệnh binh, nghỉ hưu mất sức và thi tuyển vào công chức Nhà nước, nhưng Cúc không ngừng rêu rao đối tượng có thể “chạy” cho bất kỳ người nào có nhu cầu. Đổi lại, những ai mong muốn nhận được trợ cấp hàng tháng của Nhà nước thì phải chi cho đối tượng một khoản tiền nhất định.

Từ sự ngã giá ấy, sau mỗi lần nhận tiền và hồ sơ xin hưởng trợ cấp, Cúc lại đến cửa hàng quảng cáo và photocopy của Phùng Văn Tuân (ở thị trấn Tây Đằng, Ba Vì) nhờ “chế” ra các quyết định hoặc văn bản tương thích với mong muốn, mục đích của bị hại. Và chỉ với thủ đoạn đơn giản đó, Tuân đã “chế tác” cho Cúc 9 văn bản, quyết định về hưởng chế độ chính sách của cơ quan có thẩm quyền, tương ứng với ngần ấy cá nhân nhờ “chạy chọt”. Thế nhưng do tất cả các văn bản, quyết định được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước chỉ là “hàng giả” nên tất thảy những người nhận văn bản đều phải “ngậm đắng nuốt cay”.

Tại tòa, Cúc khai nhận từ tháng 4-2009 đến tháng 1-2010, đối tượng đã nhận tiền và hồ sơ “chạy” chế độ chính sách của gần 40 người và đã chiếm đoạt của họ hơn 1 tỷ đồng. Trong số ấy, hầu hết đều là những người dân nghèo và gia đình họ có người bị nhiễm chất độc da cam hoặc bị thương tích với nhiều lý do khác nhau. Sự việc còn nghiêm trọng hơn khi nhiều người tưởng Cúc có khả năng nên đã đứng ra làm “đầu mối” nhận tiền và hồ sơ của nhiều người nhằm hưởng tiền chênh lệch.

Tuy nhiên quá trình điều tra, cơ quan công an xét thấy tất cả những người đứng ra nhận tiền, rồi chuyển cho Cúc chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên không đề cập xử lý. Sau cùng, tòa xét thấy tố cáo của các bị hại phù hợp với lời khai của các bị cáo và hậu quả vụ án đã phần nào được khắc phục, do đó HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội quyết định tuyên phạt Trần Văn Cúc 17 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 3 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”. Tổng hợp cả với bản án 9 năm tù cũng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của TAND huyện Phúc Thọ mới đây, đối tượng phải chấp hành chung là 26 năm tù giam. Với tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, Phùng Công Tuân cũng phải lĩnh 3 năm tù giam.