Khởi tranh "cuộc đua" nhà giá rẻ (2): Nhà nước vẫn phải là "bà đỡ"

ANTD.VN - Dù nguồn cung nhà giá rẻ thời gian tới được dự báo sẽ khởi sắc, tuy nhiên, làm sao để người mua nhà có thể tiếp cận được loại nhà này vẫn là câu hỏi lớn.

Việc các doanh nghiệp lớn tham gia thị trường nhà giá rẻ không chỉ được kỳ vọng mang lại nguồn cung nhà giá rẻ, chất lượng tốt hơn mà còn “san sẻ” bớt gánh nặng cho Nhà nước. Dù vậy, không phải cứ có nhiều nhà giá rẻ đã là tốt, bởi nếu không có chính sách kích cầu đối với người mua, đặc biệt là tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ thì các doanh nghiệp đầu tư nhà giá rẻ rất dễ bị “sa lầy”.

Khởi tranh "cuộc đua" nhà giá rẻ (2): Nhà nước vẫn phải là "bà đỡ" ảnh 1Nguồn vốn cho nhà giá rẻ vẫn rất khó khăn

Nhẹ gánh cho Nhà nước

Việc Tập đoàn VinGroup tuyên bố xây nhà ở 700 triệu đồng đã tạo cú hích trên thị trường. Cùng với đó, những doanh nghiệp lớn khác từng có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này như Tập đoàn Mường Thanh cũng khẳng định sẽ cung cấp nhiều căn hộ với giá rẻ hơn. Theo các chuyên gia, sự góp mặt của các doanh nghiệp có năng lực sẽ góp phần điều tiết thị trường nhà giá rẻ theo hướng “thị trường hóa”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, về lâu dài, vấn đề nhà giá rẻ nên để thị trường giải quyết sẽ tốt hơn nhiều so với cơ chế Nhà nước tạo ra để phát triển nhà ở xã hội. Vì nếu cố níu kéo chức năng này, Nhà nước sẽ phải lo lắng chuyện trợ giúp bằng vốn, lãi suất hay đất đai… 

Theo ông Đặng Hùng Võ, chính sách nhà ở xã hội chỉ nên coi là sự khuyến khích để thị trường quan tâm đến phân khúc giá rẻ, còn về lâu dài, Nhà nước sẽ đóng vai trò “kiến tạo” chính sách để giúp thị trường nhà giá rẻ phát triển tốt hơn. “Chúng ta phải dựa vào cơ chế thị trường để phát triển phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nếu muốn tìm kiếm lợi ích thì cần tìm kiếm từ thị trường, đừng tìm kiếm từ cơ chế Nhà nước cho” - ông Đặng Hùng Võ đánh giá.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội đánh giá cao các doanh nghiệp lớn tham gia phân khúc nhà giá rẻ. Ông Nguyễn Thế Điệp cho rằng, điều này thể hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp lớn và nhờ đó cơ hội tiếp cận nhà ở của người thu nhập thấp cũng cao hơn. 

“Xu hướng xã hội hóa để tăng nguồn cung - cầu nhà giá rẻ là rất quan trọng. Nhà nước cần có những chính sách đồng bộ để khuyến khích doanh nghiệp như cho vay lãi suất thấp, giao đất thuận lợi nhất, giảm tiền thuê đất... Cần có nghiên cứu và có chiến lược rõ ràng, tránh như hiện nay các chính sách không đồng bộ, ngành này thông thoáng nhưng ngành khác lại mắc” - ông Nguyễn Thế Điệp nói.

Nguồn vốn ưu đãi vẫn gặp khó

Một thực tế là đa phần người dân tìm đến nhà giá rẻ đều có nguồn tài chính hạn hẹp, nên dù là nhà ở xã hội hay nhà thương mại thì họ cũng rất quan tâm đến chính sách hỗ trợ về vốn của Nhà nước. Có thể thấy ngay tác động của vấn đề vốn ưu đãi đến phân khúc nhà giá rẻ khi cuối năm 2016, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng hết hạn đã khiến thị trường nhà giá rẻ Hà Nội bất ngờ chững lại.

Cụ thể như tại dự án The Golden An Khánh, theo đại diện đơn vị môi giới dự án này thì trong khi hai tòa 18T1, 18T2 mở bán trước đó tiêu thụ khá tốt thì tòa 32T hiện đang bán rất chậm, dù thời điểm cuối năm được coi là cao điểm của ngành bất động sản. Nguyên nhân chủ yếu là do khách hàng không được hỗ trợ lãi suất nữa.

Người nghèo chỉ để dành được khoảng 20% giá trị căn nhà, còn lại phải đi vay. Vì vậy, để tăng tính thanh khoản cho nhà giá rẻ thì rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, kinh nghiệm cho thấy, người nghèo chỉ để dành được khoảng 20% giá trị căn nhà, còn lại phải đi vay. Vì vậy, để tăng tính thanh khoản cho nhà giá rẻ thì rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. 

Ông Nguyễn Trần Nam cho rằng, thời gian qua, gói 30.000 tỷ đồng đã hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp lẫn người dân. Khi gói này hết hiệu lực, Nhà nước đã đưa vào luật định có 2 kênh vốn hỗ trợ cho nhà ở xã hội là Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay nhà ở xã hội với lãi suất tối đa bằng 50% lãi suất thị trường; thứ hai là 4 ngân hàng thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối trên 51% sẽ dành 3% tổng dự nợ của mình để cho vay nhà ở xã hội và ngân sách sẽ bù lãi suất. “Tuy nhiên, hiện nay cả hai nguồn vốn này đều chưa triển khai được do Bộ Tài chính chưa cân đối được nguồn ngân sách để bù lãi suất” - ông Nguyễn Trần Nam cho biết. 

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, ông Nguyễn Trần Nam cho rằng, cần tạo lập một kênh tiết kiệm tài chính để người dân tự lập phần tài chính dành cho việc tạo lập nhà ở. “Ở Đức, mô hình tiết kiệm nhà ở được hình thành từ năm 1945, khi một đứa trẻ sinh ra là gia đình đã có một khoản tuy rất nhỏ gửi tiết kiệm để mua nhà. Khoản này rất nhỏ nhưng tích lũy mấy chục năm và khi người con này trưởng thành, có nhu cầu mua nhà sẽ được vay tại ngân hàng này với lãi suất rất thấp” - ông Nguyễn Trần Nam kiến nghị.