Khởi tố 8 “cát tặc” rút ruột sông Hồng

ANTĐ - Ngày 2-3, chỉ huy Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV CATP Hà Nội cho biết, Viện KSND TP đã phê chuẩn quyết định khởi tố 8 bị can trong vụ khai thác cát trái phép trên lòng sông Hồng, thuộc địa bàn huyện Thường Tín (Hà Nội). Đây là động thái quyết liệt, thể hiện quyết tâm của các lực lượng chức năng Hà Nội, trong việc đấu tranh, xử lý các hành vi khai thác cát trái phép trên các tuyến sông thuộc địa bàn thành phố.

Khai thác cát trái phép trên sông Hồng sẽ khó xử lý triệt để,
nếu thiếu sự vào cuộc nghiêm túc của các chính quyền cơ sở

Cấp “vốn” cho “cát tặc”

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Nguyễn Duy Ngọc – Thủ trưởng cơ quan CSĐT, Phó Giám đốc CATP, các tổ công tác Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV đã đồng loạt triển khai lệnh khám xét đối với 8 bị can về tội danh “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên” (điều 172 - BLHS). Số bị can gồm: Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1975), chủ bãi khai thác và tiêu thụ cát Hải Yến, tại khu vực xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín; Nguyễn Thị Thanh Huyền (SN 1977), chủ bãi khai thác và tiêu thụ cát Huyền Hậu, tại khu vực xã Vạn Điểm; và 6 bị can là chủ phương tiện khai thác cát: Hồ Văn Toán (SN 1965), trú tại xã Thống Nhất, huyện Thường Tín; Lê Văn Hưng (SN 1986), quê quán An Lão, Hải Phòng; Đoàn Thị Quyên (SN 1981), Vũ Xuân Sinh (SN 1979), Cao Thị Quỳnh (SN 1993),  và Đoàn Thị Tuyên (SN 1975), cùng trú ở TP Hải Dương.

Cơ quan chức năng xác định, trong các chủ phương tiện đang hút cát trái phép thuộc địa phận xã Thống Nhất và đang neo đậu tại bến, bãi Hải Yến có Lê Văn Hưng, Hồ Văn Toán, Vũ Xuân Sinh. Còn tại bến, bãi Huyền Hậu có Đoàn Thị Quyên, Cao Thị Quỳnh, Đoàn Thị Tuyên… Trong 10 phương tiện, chỉ có 2 phương tiện có Giấy chứng nhận đăng ký, nhưng 1 Giấy đang thế chấp ngân hàng. Đáng chú ý, cả 10 chủ phương tiện đều không có bằng thuyền trưởng.

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng làm rõ từ năm 2012 đến khi bị phát hiện (tháng 1-2014), các chủ tàu trên đều khai thác cát trái phép trên lòng sông Hồng và bán cát cho 2 chủ bến bãi Hải Yến và Huyền Hậu. Lời khai của các đối tượng thể hiện, bình quân giá bán cát là 13.000 đồng/m3. Yến và Huyền ứng tiền ăn, tiền dầu mỡ, tiền sửa chữa máy cho các chủ tàu hút cát. 

Nguyễn Thị Hải Yến được phép kinh doanh vật liệu xây dựng từ tháng 1-2009, do UBND huyện Thường Tín cấp Giấy chứng nhận. Trước tháng 12-2013, Yến thường xuyên thu mua, kinh doanh cát đen của các tàu khai thác cát trái phép trên tuyến sông Hồng. Yến cấp cho mỗi chủ tàu 1 quyển sổ để thống kê, ký nhận các chuyến cát hút lên bến bãi của mình. Để đảm bảo cho các tàu hút cát ở khu vực xã Thống Nhất, Yến thu của mỗi chủ tàu từ 1,5 triệu đến 2,5 triệu đồng/tháng. Số tiền này để chi trả cho người làm thuê ở bến bãi. Từ tháng 3-2012 đến 1-2014, các tài liệu lưu giữ thể hiện Yến đã thu mua của 7 chủ tàu hút cát với tổng khối lượng gần 66.000m3, trị giá trên dưới 2 tỷ đồng.

Tương tự như vậy đối với điểm khai thác, tiêu thụ cát tại bãi Huyền Hậu, CQĐT xác định từ tháng 3-2012 đến 1-2014, Huyền đã thu mua cát của 5 chủ tàu hút cát với tổng khối lượng gần 24.000m3 cát đen.

Câu hỏi về trách nhiệm

Ngày 24-1-2014, cơ quan chức năng đã có kết luận giám định tổng khối lượng cát đen của 2 bãi Hải Yến và Huyền Hậu là gần 110.000m3; với giá trị hơn 4,6 tỷ đồng. Xác minh tại Sở TN-MT, Sở NN&PTNT TP Hà Nội, cùng huyện Thường Tín và xã Thống Nhất, CQĐT được biết, các cơ quan này không cấp phép cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nào khai thác cát trên lòng sông Hồng. Theo đại diện CQĐT CATP Hà Nội, hành vi khai thác cát trái phép của các chủ phương tiện; và hành vi ứng tiền xăng, dầu, mua bán cát trái phép của Nguyễn Thị Hải Yến và Nguyễn Thị Thanh Huyền đã xâm phạm quy định của Nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản. Ngoài các đối tượng đã bị khởi tố, CQĐT đang xem xét, làm rõ trách nhiệm của một số chủ phương tiện có liên quan, để xử lý kiên quyết trước pháp luật. Trong vụ án này, một vấn đề cần đặt ra đối với trách nhiệm của huyện Thường Tín: vì sao những vi phạm diễn ra trong thời gian dài, mà không bị phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời?