- Huyện Đan Phượng còn 9 chỉ tiêu chưa đạt điều kiện lên quận
- Bí thư Thành ủy Hà Nội thị sát tiến độ đường Vành đai 4 tại Đan Phượng và Hoài Đức
Buổi làm việc do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì; tham dự còn có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong..
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận buổi làm việc |
Kinh tế tăng trưởng bình quân 10,12%
Tại buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, nửa đầu nhiệm kỳ qua, huyện thực hiện các nhiệm vụ trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức. Song, bám sát chỉ đạo của thành phố, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ để đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Cụ thể, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được huyện chú trọng và tăng cường. Đảng bộ huyện tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đối với hoạt động của hệ thống chính trị, bảo đảm toàn diện, sát thực tiễn; phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo 7 chương trình công tác toàn khóa và chương trình công tác năm.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại buổi làm việc |
Về phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ huyện chỉ đạo thực hiện các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19. Theo đó, kinh tế phục hồi, có bước tăng trưởng khá và tỷ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,12%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng đô thị, tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Đến nay, 23/28 chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đề ra được thực hiện đạt tiến độ, một số chỉ tiêu đạt mức cao. Riêng năm 2022, tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất của huyện đạt 10,12%; tổng giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu đạt 17.063 tỷ đồng. Huyện tiếp tục dẫn đầu toàn thành phố về xây dựng nông thôn mới, với 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đã có 12/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người đạt 73 triệu đồng/người/năm. Đáng chú ý, đối với công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, tổng số diện tích đất thu hồi thực hiện dự án trên địa bàn huyện là 74,8ha. Đến nay, huyện đã ban hành 802 quyết định thu hồi đất nông nghiệp của 802 hộ với diện tích 25,35/39,84ha (đạt tỷ lệ 63,62%). Tổng số mộ phải di chuyển thực hiện dự án là 1.678 ngôi, đến nay đã di chuyển 468/1.678 ngôi (đạt tỷ lệ 28,96%).
Tại buổi làm việc, huyện Đan Phượng nêu hơn 10 kiến nghị với thành phố liên quan đến công tác quy hoạch, môi trường, tạo nguồn đầu tư phát triển huyện lên quận. Đáng chú ý, huyện kiến nghị thành phố cập nhật quy hoạch Cảng thủy nội địa kết hợp với Cảng du lịch xã Trung Châu với diện tích 50ha. Bổ sung toàn bộ diện tích đất bãi khu vực phía Tây cầu Hồng Hà để phát triển thương mại, dịch vụ, đô thị sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao…
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi làm việc |
Khắc phục những hạn chế để phát huy lợi thế, tiềm năng
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành thành phố đã giải đáp một số kiến nghị, đề xuất của huyện. Các đồng chí Thường trực Thành ủy cũng đã phát biểu, ghi nhận những kết quả mà huyện Đan Phượng đạt được, đồng thời chỉ đạo những nhiệm vụ trọng tâm mà huyện cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Thường trực Thành ủy đề nghị Đan Phượng phân tích rõ những tiềm năng, lợi thế phát triển của huyện, những vấn đề còn hạn chế, tồn tại, những điểm nghẽn cần phải khơi thông. Trước tiên, cần rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ để chuẩn bị cho quá trình phát triển từ xã lên phường, huyện lên quận, với yêu cầu phát triển đô thị sinh thái, mang bản sắc riêng. Huyện cũng cần bám sát các sở, ngành thành phố, tham mưu phương án xử lý dứt điểm đối với các dự án sử dụng đất chậm triển khai. Cùng với đó, tập trung giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đảm bảo tiến độ được giao.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đánh giá, Đan Phượng là huyện anh hùng, có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời và vinh dự 5 lần được đón Bác Hồ về thăm. Ghi nhận nỗ lực vượt khó của huyện trong những năm qua, Bí thư Thành ủy cho rằng huyện Đan Phượng đã triển khai khá toàn diện, đạt kết quả tích cực trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng nông thôn mới… Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho rằng, thu ngân sách 3 tháng đầu năm 2023 của huyện đạt thấp; còn 9 chỉ tiêu xây dựng huyện lên quận chưa đạt; hạ tầng thương mại - dịch vụ, mật độ đường giao thông cũng còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; thu nhập bình quân đầu người còn thấp; cải cách hành chính của huyện chưa đáp ứng yêu cầu… Đây là những khó khăn, thách thức, đòi hỏi huyện phải tư duy, nhận thức thêm. Trên cơ sở đó phải chỉ rõ tiềm năng, lợi thế của huyện, cách thức để khai thác, phát huy nhằm đưa huyện có những bước phát triển đột phá và bền vững. Trong đó, mục tiêu hướng tới là nâng cao thu nhập và đời sống người dân.
Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải báo cáo tại buổi làm việc |
Chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Bí thư Thành ủy yêu cầu huyện Đan Phượng tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cùng với đó, tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Huyện Đan Phượng tập trung lãnh đạo, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo Đề án 11 của Thành ủy, gắn với nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 15 của Ban Thường vụ Thành ủy; nắm chắc tình hình nhân dân, quan tâm giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh điểm nóng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư, khơi thông nguồn lực cho huyện phát triển. Cùng với tập trung nguồn lực đầu tư cho 3 lĩnh vực trọng điểm là y tế, văn hóa, giáo dục, cần tăng cường công tác quản lý đất đai, quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng; quan tâm, chăm lo đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Liên quan đến việc triển khai dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị tập thể lãnh đạo huyện Đan Phượng phải thường xuyên đôn đốc, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tập trung cao độ nguồn lực nhằm phục vụ công tác đo đạc, kiểm đếm, di chuyển mồ mả, xây dựng khu tái định cư…, kiên quyết bảo đảm theo tiến độ chung của thành phố.
Trực tiếp giải đáp một số kiến nghị, đề xuất của huyện, đồng thời chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Ban Cán sự đảng UBND TP, HĐND TP, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu các sở, ngành thành phố tăng cường hỗ trợ, giúp đỡ huyện Đan Phượng trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện các kiến nghị, đề xuất, với kế hoạch và lộ trình cụ thể. Nhấn mạnh nhiệm vụ thời gian tới đòi hỏi rất cao về tiến độ, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng tin tưởng huyện Đan Phượng sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XXIV Đảng bộ huyện, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.