Khơi thông dòng vốn

ANTĐ - Đánh giá về tình hình tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm, Giám đốc Học viện Ngân hàng cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại có xu hướng giảm nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn ì ạch. 

Đâu là nút thắt khiến dòng vốn tín dụng bị tắc nghẽn? Có 3 nút thắt lớn không dễ tháo gỡ là hàng tồn kho cao, doanh nghiệp nợ lớn và thiếu dự án đầu tư hiệu quả. Dự báo trong năm nay, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục xu hướng giảm, song nếu không gỡ được các nút thắt này thì một bộ phận doanh nghiệp vẫn… “đói khát” vốn đầu tư, sản xuất. 

Trong 3 nút thắt trên, tồn kho hàng hóa cao là căng thẳng nhất, đặc biệt là tồn kho bất động sản. Đây là nguyên nhân dẫn tới sự ế ẩm của các ngành “ăn theo” như sắt thép, xi măng, thiết bị điện, nội thất. Bên cạnh đó, khó khăn về đầu ra và giá cả nông sản như mía đường, cà phê, tôm, cá tra… cũng đẩy lượng hàng hóa tồn kho cao lên. Thực trạng này tất yếu dẫn đến các doanh nghiệp nợ nần lẫn nhau, không thể thanh toán, không thể trả nợ ngân hàng đúng hạn và nhiều khoản vay đã thành nợ xấu. Trước năm 2011, phần lớn các hợp đồng kinh tế giữa các doanh nghiệp đều khá dễ dãi về điều khoản thanh toán, nhưng từ năm 2014 đến nay, khâu này chủ yếu thực hiện theo kiểu “tiền trao cháo múc”. Bởi thế, lòng tin giữa ngân hàng – doanh nghiệp giảm sút. Nợ xấu tăng cao là nguyên nhân ngân hàng phải thắt chặt tiêu chí cho vay. Mặc dù nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay nhưng rất khó tìm được những dự án đầu tư hiệu quả để đẩy vốn ra. 

3 nút thắt lớn khiến dòng vốn tín dụng chảy chậm cũng chính là điểm nghẽn của nền kinh tế. Cùng với việc phá vỡ “cục máu đông” nợ xấu, đại diện cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng cũng như giới chuyên gia đều nhất trí rằng, thay vì khoanh tay ngồi chờ doanh nghiệp “gõ cửa”, các ngân hàng cần chủ động đẩy mạnh cho vay ở các lĩnh vực ngành nghề ưu tiên, có tác dụng khơi thông dòng tín dụng vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Không chỉ đồng hành cùng doanh nghiệp, ngân hàng cần phải chia sẻ và có các giải pháp kiểm soát rủi ro trong mối quan hệ cộng sinh với cộng đồng doanh nghiệp.