Khơi thông dòng vốn

ANTĐ - Ngay từ kỳ họp thứ 4 Quốc hội gần cuối năm 2012, những khó khăn mà nền kinh tế năm 2013 phải đối mặt đã được nhắc tới. Nếu đặt lên “cân” để đong đo, cân nhắc xem áp lực nào là nặng nhất, quả thật là khó. Áp lực về nợ xấu, áp lực về doanh nghiệp đình đốn hay áp lực về sự chậm trễ trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế? Để vực dậy nền kinh tế nhanh chóng “thoát đáy”, có ý kiến cho rằng cần ưu tiên giải quyết nợ xấu trước. Lại có ý kiến nên ưu tiên giải cứu doanh nghiệp cùng với thị trường bất động sản. 

Khi ban hành các nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế năm 2013, Chính phủ đều đề ra đầy đủ các giải pháp cho cả ngắn hạn và dài hạn. Nhóm giải pháp ngắn hạn là giải tỏa những điểm nghẽn, những nút thắt trong nền kinh tế, để dòng tiền đến nơi cần vốn sản xuất tái cấu trúc toàn diện nền kinh tế, hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, tăng năng suất lao động, từ đó góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao mức sống và chất lượng sống của người dân. 

Xem xét các vấn đề cần ưu tiên giải quyết, một thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia khuyến nghị cần phải giảm lãi suất ngay trong quý I là vì CPI tháng 3 tiếp tục đà giảm, giúp Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh ngay lãi suất chủ đạo xuống. Các ngân hàng thương mại đã rục rịch giảm lãi suất cho vay. Đó là việc có thể làm ngay và mang lại kết quả tức thì. Chỉ hạ lãi suất mới có thể giải tỏa các điểm nghẽn như hàng tồn kho, nợ xấu, bất động sản.

Theo nhà tư vấn, khi lãi suất điều chỉnh giảm dần xuống mức hợp lý hơn sẽ kích cầu đầu tư sản xuất cũng như kích thích tiêu dùng.Trong tình thế khó khăn hiện nay, lãi suất cho vay cao luôn là rào cản đối với các doanh nghiệp khi quyết định “gõ cửa” ngân hàng để vay vốn. Nếu điều này không được giải quyết thì không “phép màu” nào khiến thị trường ấm lên. Dòng tiền có được khơi thông trở lại mới có cơ may giúp nền kinh tế khởi động trở lại được. Có một thực tế là, doanh nghiệp thì trông chờ Nhà nước giải cứu, nhưng dù có chính sách giải cứu thì họ vẫn dè dặt không dám mạo hiểm dấn bước. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng tuyên bố, nới lỏng tín dụng hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, nhưng những doanh nghiệp có thể tạm tin tưởng cho vay được lại không đến vay.

Nghịch lý này được Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chỉ rõ, tiền thừa nhưng vốn thiếu, thanh khoản của ngân hàng thương mại dồi dào, song doanh nghiệp vẫn thiếu vốn. Chính phủ muốn thúc đẩy sản xuất kinh doanh, muốn quyết tâm tái cấu trúc kinh tế, nhưng muốn làm được những công việc này thì phải tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, giải quyết nợ xấu, song những việc này lại phải tùy thuộc vào độ “ẩm” của thị trường cùng với những chính sách tài khóa và tiền tệ đồng bộ…

Thừa tiền nhưng thiếu vốn là bài toán khó giải, chưa kể là muốn lạm phát giảm thấp nữa thì phải siết chặt tiền tệ, trong khi muốn tăng trưởng nhanh lại cần nhiều vốn hơn. Nếu thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp Chính phủ đã đề ra, thì nền kinh tế có thể vượt qua khó khăn và tiếp đó sẽ là năm hồi phục đi lên.