Khơi thông "điểm nghẽn"

ANTĐ - Trong cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo TP Hà Nội với cộng đồng doanh nghiệp mới đây, các doanh nghiệp, các hiệp hội đều nhất trí cho rằng, cần có cơ chế, chính sách ổn định lâu dài, thông thoáng để doanh nghiệp có điều kiện tốt nhất trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Năm 2016, nước ta bước vào con đường hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế sâu rộng, cơ hội và thách thức đan xen. Muốn tận dụng cơ hội, doanh nghiệp phải nhìn vào nội lực của mình. Trong khi khó khăn, rào cản trong sản xuất kinh doanh, chủ yếu vẫn xoay quanh “điểm nghẽn” nguồn vốn, nhân lực, thuế và năng lực cạnh tranh.

Đây là khó khăn “muôn thuở” của doanh nghiệp, nhất là vấn đề “đói” vốn nhưng việc tiếp cận rất khó khăn. Không có vốn thì không thể nói tới việc mở rộng sản xuất, chứ chưa nghĩ đến chuyện đầu tư công nghệ mới, cho ra sản phẩm mới. Kêu gọi doanh nghiệp phải đổi mới trang thiết bị, nâng cao chất lượng, đặc biệt là nâng cao năng lực cạnh tranh, song chỉ tự thân doanh nghiệp nỗ lực thì chưa đủ. 

Những giải pháp ở tầm vĩ mô, như lập hàng rào kỹ thuật để bảo vệ những ngành nghề trong nước yếu sức trước các đối thủ “nặng ký” trong khu vực và thế giới, xúc tiến thương mại... rất cần sự tiếp sức của các cơ quan quản lý Nhà nước. Như vậy, sự thành bại của doanh nghiệp khi dấn bước vào “đấu trường” hội nhập phụ thuộc không ít vào việc nâng cao năng lực điều hành, chỉ đạo của bộ máy Nhà nước. Vận hội mới của các doanh nghiệp đòi hỏi các cơ quan có liên quan cũng phải đổi mới trong tư duy với tinh thần: Doanh nghiệp phải được phục vụ thay vì quản lý. 

Thực tế cho thấy, kết quả chương trình phối hợp giám sát thuế - hải quan vừa được công bố chỉ rõ, tình trạng “lót tay” cho cán bộ thuế vẫn là nỗi bức xúc của nhiều doanh nghiệp. Theo đó, có tới 55% doanh nghiệp cho biết nếu không chi thêm họ sẽ bị phân biệt đối xử. 85% các hiệp hội doanh nghiệp và liên minh hợp tác xã cho biết, khi không chi các khoản “bôi trơn”, họ sẽ bị yêu cầu bổ sung, giải trình hồ sơ. 68% cho rằng bị kéo dài thời gian làm thủ tục.

Khẩu hiệu “Đồng hành cùng doanh nghiệp” đã được nói nhiều, lặp đi lặp lại. Lắng nghe tiếng nói thẳng thắn, bức xúc của các doanh nghiệp để tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ công, tạo điều kiện thuận lợi nhất, giảm tối thiểu chi phí, nhất là các khoản “đi đêm”, chính là tiếp sức cho cộng đồng doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh. Nếu không làm được đòi hỏi chính đáng này thì “đồng hành” không có ý nghĩa gì.