Khơi thông “cục máu đông”

ANTĐ - Trong báo cáo tình hình giá cả thị trường tháng 9 vừa được Cục Quản lý giá (Bộ Tài Chính) dự báo, giá cả các mặt hàng thiết yếu chịu một số áp lực nhưng không đột biến do nguồn cung dồi dào và nhu cầu của người dân không cao lắm. Giá một số hàng hóa dự báo có xu hướng tăng như thực phẩm tươi sống, gas, xăng dầu, xi măng, sắt thép do tác động độ trễ của giá điện, giá dịch vụ y tế, học phí được điều chỉnh theo lộ trình thị trường nên chỉ tăng nhẹ, không gây sức ép mặt bằng giá hay gây sốt giá. 

Bộ Tài chính đánh giá diễn biến giá cả có chiều hướng ổn định, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trong nước. Bộ đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục triển khai quyết liệt công tác quản lý, bình ổn thị trường. Cùng với diễn biến thị trường, sản xuất kinh doanh cũng có những chuyển động tích cực. 

Tuy nhiên, trong các báo cáo tài chính được các ngân hàng công bố, tình hình nợ xấu vẫn còn khá ảm đạm. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn chưa được công bố đầy đủ, hầu hết không giải thích chi tiết lý do nợ xấu gia tăng. Một số ngân hàng chưa kiểm soát tốt các khoản cho vay khi chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp ban hành hai thông tư tháo gỡ “nút thắt” việc mua bán và xử lý nợ xấu. Ngay sau đó, nhiều ngân hàng muốn chứng tỏ thiện chí trong việc bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Thiện chí là một chuyện, còn bán được hay không, bán được bao nhiêu nợ xấu, dưới góc nhìn của giới chuyên gia, vẫn còn một chặng đường xa. Cơ chế, hành lang pháp lý đã có, song một số luật gia và lãnh đạo ngân hàng cho rằng, đó chỉ là những biện pháp kỹ thuật, chứ không xử lý thực chất nợ xấu.

Nói cách khác là chỉ giải quyết hình thức con số nợ xấu, còn bản chất các khoản nợ xấu đó vẫn nằm trong hệ thống ngân hàng. Bản chất của vấn đề là biện pháp khoanh nợ và hỗ trợ vốn cho cả ngân hàng và doanh nghiệp. Thực tế, có những món nợ đạt được điều kiện của VAMC thì ngân hàng lại không có nhu cầu bán, mà giữ lại tự xử lý. Ngân hàng chỉ muốn bán những món nợ hầu như không có khả năng đòi được. Hơn thế, không phải ngân hàng cứ bán nợ cho VAMC là khoản nợ đó được xóa hoàn toàn. Sau 5 năm, nếu không xử lý được hết nợ xấu thì ngân hàng phải lấy lại món nợ đó. Rõ ràng, rủi ro vẫn là các ngân hàng vì bán nợ đi, không biết được tái cấp vốn với tỷ lệ bao nhiêu, trong khi vẫn phải trích dự phòng rủi ro 20% cho các khoản nợ. 

Hai thông tư của Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng khơi thông “cục máu đông” nợ xấu. Song, cả “làng” ngân hàng vẫn đang ngồi chờ xem ngân hàng nào bán nợ và xem cơ chế mua bán nợ của VAMC như thế nào.