Khói tan loãng, hòn than ủ đỏ

ANTĐ - Suốt hơn 550 trang, tiểu thuyết Khói là hành trình đi tìm và giải đáp ý nghĩa hành trình sống của mọi kiếp người. 

Đoàn Bảo Châu đã viết đề từ cho cuốn sách: “Cuộc sống khi thăng hoa hạnh phúc, khi đau khổ ê chề. Tình yêu lúc nâng cánh, ru ta phiêu diêu chốn hoa mộng lộng lẫy, lúc bỏ ta trong cô đơn tuyệt vọng. Có thứ hiển hiện, sờ mó, định lượng được thực ra cũng phù du hư ảo. Vậy ý nghĩa cuộc đời nằm ở đâu? Con người có thể lấy được gì trong kiếp sống của mình? Khói là hành trình giải đáp những câu hỏi muôn thủa ấy.” 

Bìa tiểu thuyết "Khói"

Suốt hơn 550 trang, tiểu thuyết Khói là hành trình đi tìm và giải đáp ý nghĩa hành trình sống của mọi kiếp người. Điều còn lại, cảm nhận trong mỗi người, đó là:

Thời gian, tình yêu, tiền bạc, nỗi buồn, niềm vui, mơ ước… trong cuộc đời này, tưởng như những làn khói mong manh hư ảo, sẽ tan loãng, biến mất một cách phù du… Không! Tất cả vẫn còn, vẫn được lưu giữ, vẫn bùng cháy bởi vẫn còn đó cục than hồng ủ đỏ trong góc tâm hồn. Hòn than ấy là sức mạnh khao khát được sống, được khẳng đinh. Hòn than ấy là sức mạnh của tình yêu, muốn được yêu, được sở hữu. Tình yêu đã nâng cánh cho con người tìm thấy ý nghĩa cuộc đời. Những làn khói lãng đãng mong manh chỉ là bề mặt trên. Sâu tầng khuất lấp bên trong vẫn còn đó một hòn than ủ đỏ, là viên ngọc lấp lánh trong mỗi tâm hồn.

Cuộc sống giống như dòng sông. Có sự so sánh ấy bởi tất cả các dòng sông đều vượt qua thác ghềnh hiểm trở để về biến lớn. Cũng như, tất cả các con đường đều dẫn đến cổng thành velusalem để quỳ phục, ngẩng cao đầu ngưỡng vọng, thành kính dâng Đức Chúa trời trái tim, hơi thở cuối cùng. Đó là ý nghĩa của mỗi cuộc đời. Nghệ thuật là con thuyền, con tàu lớn để chở nhiều cuộc đời về bến đỗ, để mỗi người có được những trải nghiệm sống phong phú.

Với tiểu thuyết Khói, Đoàn Bảo Châu đã xây lên một hành trình lớn, chở hàng nghìn con người đi tận cùng số phận. Trên con tàu ấy, Dũng Khói, nhân vật chính của tác phẩm là người lái tàu vĩ đại vắt qua hai thế kỷ thời gian mấy chục năm ròng, đi qua nhiều miền đất từ Hà Nội đến Cao Bằng, Bắc Cạn, Hòa bình, Thái Nguyên, Nha Trang… với nhiều cảnh đời dan díu. Từ những cậu bé hồn nhiên nghịch ngợm làng Thủ Lệ xưa bình yên thơ mộng đến thời bộ tứ, những chàng trai trí thức sinh viên Hà Nội trí tuệ, hào hoa, lãng mạn. Từ cuộc sống phải đối mặt với những khốc liệt của thế giới vàng và máu, chích choác và mại dâm đến chốn lao tù “cơm cân áo số” giằng xé miếng ăn như một bầy hoang thú....Hạnh phúc đấy, đắng cay đấy, anh hùng đấy, tội đồ đấy, kẻ còn, người mất.… tưởng như đã qua đi, đã xóa nhòa, nhưng ngược lại quá khứ vẫn trở về tươi ròng, vẫn bùng cháy để tiếp sức cho những hành trình mới.

Con Tàu hành trình “Khói” đi mãi trong lòng người đọc, mở ra một bức tranh hiện thực rộng lớn, đa chiều, phong phú, phồn tạp song đẹp đẽ lãng mạn. Cuộc sống ở nhiều miền đất hoang sơ rợn ngập nỗi buồn nhưng bên trong vẫn có những vẻ đẹp huyền bí. Hàng nghìn con người trong những mối quan hệ phức tạp đến khốc liệt song vẫn đầy tình người, thấm đẫm chất nhân văn của tình mẫu tử, tình phụ tử, tình bằng hữu, tình yêu đích thực. “Khói” thực sự là bức tranh sơn mài nhiều màu sắc, vững vàng, chắc mạch.  

Tác giả Đoàn Bảo Châu

Khao khát được sống, khao khát được yêu. Sống để yêu. Yêu để sống. Đó là chân lý cuộc sống đã được khẳng định trong tác phẩm. Cái này vực đỡ đỡ cái kia trên hành trình sống của mỗi người. Trải qua thời gian mấy chục năm của một đời người, nhân vật Dũng Khói đã chứng minh điều này. Tình yêu của Dũng Khói và Hạnh là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm làm nên một tình yêu đẹp đẽ, lý tưởng của lớp thanh niên thời đại. Với thân phận đứa con “ghẻ”, sinh ra trong một ngẫu hứng buồn của số phận, Dũng Khói từ bé đã phải chống chọi với số phận để khẳng định mình.

Để có được tình yêu với Hạnh, Dũng đã dám thách đấu võ với Quang để dành bằng được tình yêu. Có được tình yêu, Dũng lại tu chỉnh, sống đàng hoàng hơn để vượt lên những mặc cảm về thân phận, về hoàn cảnh sao cho xứng đáng với Hạnh. Khi tình yêu bị cản phá, tan vỡ thì với bản tính can trường đầy nghĩa khí, Dũng đã nỗ lực sống, làm tất cả để dành lại tình yêu. Tình yêu luôn đi cùng với những khát khao sống ấy. Những lúc bất trắc, bi thảm nhất của cuộc đời, tiếng gọi tình yêu trở về,  như những tia sáng cuối cùng, là chất nhựa giữ bản thể hắn không bị khô cằn chết mục. Tình yêu đã nâng đỡ trái tim kiêu hãnh đứng lên làm lại từ đầu.

Nguồn cảm hứng khao khát sống, khao khát yêu còn được Đoàn Bảo Châu truyền cho tất cả nhân vật của mình bầu nhiệt huyết ấy. Ngay cả cuộc sống kinh hoàng khủng khiếp như đi vào cuối đường hầm trong tù ngục, vậy mà mỗi người vẫn le lói một ánh sáng tình yêu của người thân, khao khát trở về, làm lại cuộc đời. Đó là Tèo hen, phần người nhỏ nhoi đã chết, chỉ còn chút hơi thở mỏng manh song vẫn ấp ủ tình yêu và hy vọng. Tình yêu là căn cốt, là hòn than khi ủ đỏ, khi bùng cháy thành bó đuốc soi đường dẫn lối cho mỗi người trong hành trình sống của mình. 

Có được bầu nhiệt huyết sống và yêu, mỗi cuộc đời đều có một dòng chảy ngầm bên trong đầy ý nghĩa tích cực. Mỗi nhân vật dù cuộc đời hạnh phúc hay ngang trái, bất hạnh đều toát lên vẻ đẹp của con người. Như một lý tưởng, các nhân vật đẹp từ hình thức bên ngoài tới nội dung bên trong. Nhất là bộ tứ thời sinh viên bốn chàng trai Dũng, Quang, Thành, Tuấn là những chàng lãng tử đầy cuốn hút si mê. Các nhân vật nữ từ Hạnh hoa khôi đến người đẹp Vân, đến những người tình của lão Hổ Mang dù chỉ thấp thoáng đường nét, người đọc đều cảm nhận được vẻ đẹp của họ. Là Hổ Mang bạo chúa song lão Hổ Mang đã thuyết phục được người khác ở sự tử tế và tình cảm trong việc Lão đã huấn luyện các con thành những kẻ giang hồ thứ thiệt nhưng sống trật tự, tình cảm. Lão đã quyết tâm cai nghiện bằng được cho thằng con trai.

Trong thế giới tù ngục, dân anh chị như Vương Chột, Vinh Vẩu là những con thú, con sói đấy nhưng vẫn được tôn vinh làm bá đạo. Bởi trong hoàn cảnh một là sống hai là chết ấy, phải có máu lạnh, trái tim sói mới sống tồn tại. Nếu những kẻ số má, hạ tiện, bẩn thỉu như Vương Chột, Vinh Vẩu là lý tưởng của tù ngục cơm cân áo số, thì lão Hổ Mang là lý tưởng của những chủ bưởng vàng đỉnh cao giàu có, lẫm liệt, oai phong, bạo tàn như những con mãnh thú. Đặc biệt, Dũng Khói là nhân vật lý tưởng cho lớp thanh niên trưởng thành những năm thập kỷ tám, chín mươi của thế kỷ trước sống mạnh mẽ, quyết liệt, tài hoa thông minh, cao thượng, nhân hậu, chung thủy, trong sáng, dám yêu đến cùng.

Phản ánh chân thực với hiện thực đời sống, gây dựng một hiện thực mới trong tác phẩm để người đọc có thể trải nghiệm sống với hiện thực ấy, đó là đích của văn chương mà Khói đã thành công. Từ cảm hứng sống để yêu, yêu để sống, Đoàn Bảo Châu không chỉ truyền nhiệt huyết cho cả bạn đọc. Mỗi người đều cảm nhận được một cuộc sống lấp lánh tình yêu thương, tấm lòng  nhân hậu sẻ chia trong tác phẩm. Và đặc biệt, họ cảm thấy mình đã và đang được sống trong hiện thực ấy, có một phần mình trong đó. Mỗi trang viết, người đọc đều cảm thấy gần gũi ấm áp, muốn đi tận cùng số phận của nhân vật. Sự cuốn hút ấy cứ dần dần, lật dần từng trang đến trang cuối cùng của tác phẩm.

Lạc vào tiểu thuyết “Khói”, người đọc như được say sưa xem những thước phim đời sống quay rất nhanh, chuyển cảnh liên tục bởi đầy ắp dư lượng những chi tiết sống động. Những chi tiết, sự kiện cứ ào đến, hết bất ngờ này sang bất ngờ khác, khi hả hê, khi hồi hộp kịch tính song rất tự nhiên, ngẫu hứng. Đặc biệt là lớp cảnh tuổi thơ với những cuộc chiến, những trận bỏ học đi bơi bị phạt đòn, đi ăn trộm bánh đa, đi bơm xe kiếm tiền mua bộ cờ tướng, bài học làm người lớn… đến thời sinh viên với những sôi động trong những buổi biểu diễn văn nghệ, những cuộc đi thực tế, cuộc tỉ thí võ nghệ để dành quyền theo đuổi người đẹp, lời tỏ tình đầu tiên…Những cảnh ma quái rợn lạnh như cuộc rượt đuổi cướp vàng, những sát phạt đẫm máu ở những bưởng vàng Na Rì, Kim Hỉ, Sa Âu, cái chết thảm thương của hai trăm mạng người trong một trận sập bưởng?...Rồi những cuộc chiến máu thanh trừng, hạ bảng máu loang khắp nhà tù của để đạt tới số má thượng thặng…

Mỗi chi tiết là một lát cắt cuộc sống mà Đoàn Bảo Châu như một người kể chuyện trung thành với đời sống ấy. Cả cuốn tiểu thuyết được kể với văn phong giản dị, rõ ràng, trong sáng, nhuần nhị của tiếng việt, gọi được hồn cốt của sự miêu tả. Đặc biệt là những trang viết về tình yêu của của Tuấn với chị Hằng, của Dũng với Hạnh thực sự là những trang viết đẹp, đầy thơ mộng của Đoàn Bảo Châu. Phải là người đã sống, đã trải nhiều mới có vốn tích lũy tiếng Việt như vậy và anh đã được thỏa sức vùng vẫy trong khu rừng rộng lớn của Khói.  

 

Nhà văn Đoàn Bảo Châu luyện võ cùng con trai

Sự cuốn hút của tác phẩm còn ở nghệ thuật phân tích tâm lý nhân vật rất tinh tế, nhạy cảm, phù
 hợp với logic của cuộc sống. Người đọc hoàn toàn thỏa mãn với sự phát triển tâm lý, những tình huống tấm lý phức tạp, những đấu tranh dằn vặt quyết liệt, cách giải quyết vấn đề của các nhân vật. Dũng Khói bao nhiêu năm quăng quật giang hồ, mong muốn tìm được người cha. Nhưng khi gặp được người cha trong sự sắp đặt bất ngờ, Dũng đã quay đi là hoàn toàn phù hợp với bản chất kiêu hãnh, trung thực, không chấp nhận dối trá, lừa lọc của nhân vật.

Cuối tác phẩm. Hạnh đã cư xử như một người phụ nữ đoan trang, tiết hạnh, thủy chung, biết phân định rạch ròi tình cảm. Cô đã trao lá thư cuối cùng cho Dũng để nói lời từ biệt tình yêu. Mặc dù trong lòng đầy thất vọng đau khổ, Dũng vẫn đốt lá thư ấy bởi anh biết được cuộc sống không phải bao giờ cũng cho ta thỏa mãn những mong muốn. Mọi thứ đều có giới hạn của nó. “Khói bốc lên thành những vệt xám mảnh mai rồi tan biến như chưa hề có. Song vẫn còn hằn rõ dòng chữ “Mãi yêu anh”. Kết thúc của một tình yêu đẹp. Một sự hoàn hảo trọn vẹn của tác phẩm.

Quả thực, với một tiểu thuyết tới hơn năm trăm trang, với một hiện thực đời sống hết sức sôi động, phong phú, hấp dẫn người đọc đến trang cuối, thể hiện sự dày công kỹ lưỡng cho đứa con tinh thần của mình của Đoàn Bảo Châu thì những nhận xét về tác phẩm cũng chỉ như làn khói mỏng manh trên bề mặt mà chưa đi hết ý nghĩa tận cùng của nó. “Khói” thực sự là thành công lớn của tác giả. Có thể là một dấu ấn văn chương năm 2013 như đã có nhận xét. Tuy nhiên, trong một dòng sông lớn thể nào cũng tìm ra đôi chút bọt gợn ở một đoạn khúc nào đó. Cũng có thể đó là góc nhìn của từng người đọc. Một điều đáng tiếc là chi tiết hình ảnh con chim sáo bị giết chết một cách thảm thương mở đầu tác phẩm là chi tiết đắt song vẫn chưa được tác giả khai thác thêm, mới mang biểu tượng một mặt về thân phận người tù.

Về kết cấu, có sự đan xen hiện tại, quá khứ, tạo nên sự thống nhất, chặt chẽ song chưa đều giữa các phần, các chương. Có thể thấy rõ những trang cảnh miêu tả cuộc sống của Dũng Khói ở bưởng vàng tuy hấp dẫn nhưng hơi sa đà. Ngược lại, những chương cuối dành cho những người bạn trong bộ tứ chỉ lướt như điểm lại cho sự đầy đủ trọn vẹn. Hoặc chi tiết Dũng khói dựng máng để dẫn mấy cây số như một huyền thoại đập đá vá trời...Tuy nhiên, trong một mạch chảy cuồn cuộn những gợn này sẽ vỡ hòa vào dòng chảy ấy.

Với độc giả, dù một đề tài mới hay cũ, truyền thống hay hiện đại, cách tân hay không cách tân, dài hay ngắn…đều không quan trọng bằng việc cảm được tác phẩm, dễ đọc, dễ hiểu, hấp dẫn lôi cuốn đến trang cuối và gọi tên được tác phẩm với nhiều ấn tượng sâu sắc. Đó chính là sức nặng của tác phẩm mà không phải nhà văn nào cũng làm được. Với tiểu thuyết Khói, Đoàn Bảo châu đã thành công. Chắc chắn tên của tác phẩm cùng các nhân vật, sự kiện sẽ còn mãi trong lòng người đọc.  

Khói với ý nghĩa của nó, mỏng manh, hư ảo song chỉ là bề mặt của tảng băng trôi. Chiều sâu, sức nặng của những trang tiểu thuyết Khói là phần chìm của tảng băng, là hòn than ủ đỏ bên trong mà người đọc sẽ khám phá, thưởng thức và chiêm nghiệm.