Khơi mạch sống cho dân vạn chài

ANTĐ - Dập dềnh trong suốt cả chiều dài hàng chục km sông Hồng chảy qua địa bàn Hà Nội là những làng chài. Dù số “nóc nhà” có khác nhau nhưng người dân tại các làng chài này đều là dân tứ xứ cực nhọc bám con nước vất vả mưu sinh.

Nổi nênh phận người

Người dân làng chài ở bãi giữa sông Hồng vui mừng được các đoàn viên 

CSGT đường thủy đến tặng quà

Thượng tá Nguyễn Văn Cương - Phó phòng CSGT đường thủy CATP Hà Nội cho biết, năm nay mưa ít, nước từ thượng nguồn đổ xuống cũng “nhỏ giọt” nên nhiều khúc sông trơ cả đáy. “Nước cạn không những khiến cho giao thông đường thủy bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà kéo theo đó còn là những con người sống bám vào sông nước bị cái đói bủa vây”-Thượng tá Cương lo lắng.

Cùng với Thiếu úy Nguyễn Tuấn Dương, Đội CSGT đường thủy số 2, chúng tôi men theo con đường mòn để xuống bãi giữa sông Hồng thuộc phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội. Những chiếc thuyền xám xịt, cũ nát mà bà con nơi đây vẫn gọi là “nhà không móng” cắm sào neo đậu dọc bờ sông. Cuộc sống của hàng chục người dân làng chài này gói gọn trong lòng những chiếc thuyền nhỏ xíu ấy. Cả làng chài ban ngày vắng tanh. Từ sáng sớm tinh mơ nếu không dong thuyền buông lưới thả câu thì vợ chồng, con cái dắt díu nhau lên khu vực chợ hoa quả Long Biên để mưu sinh. Thôi thì đủ nghề. Từ khuân vác, gánh gồng, bốc dỡ hoa quả thuê cho những chủ hàng ở chợ Long Biên cho đến nhặt rác, đánh giầy. Từ sáng sớm đến tối khuya họ mới trở về. Những người ở nhà ban ngày chủ yếu là người già và trẻ nhỏ.

Lụi cụi rửa chiếc nồi để chuẩn bị nấu bữa trưa giữa chiếc cầu bắc lên thuyền, bà Trần Thị Hòe năm nay đã gần 70 tuổi ngước ánh mắt đục mờ lên nhìn khi nghe tiếng chào của chúng tôi. Trong chiếc thuyền đánh cá được vợ chồng bà Hòe lấy làm nhà từ gần 30 năm nay giờ đã thủng trên rách dưới. Cả hai vợ chồng ông bà quê gốc ở tận mãi vùng Thái Bình. “Mấy chục năm trước, cuộc sống ở dưới quê nhà cực nhọc, vợ chồng tôi dắt díu nhau ngược dòng nước lên ngụ cư tại bãi giữa sông Hồng này để mưu sinh. Ngoảnh đi ngoảnh lại tóc giờ đã bạc rồi mà vẫn chưa có một mái nhà đúng nghĩa…” bà Hòe bỏ lửng câu nói buông tiếng thở dài.

Không chỉ riêng bà Hòe, rẻo đất ở bãi giữa này có hàng chục phận đời từ khắp nơi đến buông câu, thả lưới. Qua năm tháng, đã có nhiều thế hệ gia đình sinh con đẻ cái, rồi những đứa trẻ lại nối nghiệp chài lưới, làm thuê của bố mẹ chúng. Chị Nguyễn Thị Mây, quê ở Hưng Yên bế đứa con gái 2 tuổi, môi tím tái vì gió sông Hồng thốc vào mặt, buồn bã nói, sông Hồng giờ chẳng còn nhiều cá như trước nữa. Mực nước lên xuống thất thường cộng với ô nhiễm nước ngày càng nặng, để đánh bắt được cá, lo cho cuộc sống là rất khó khăn. “Đứa lớn trông đứa nhỏ, hàng ngày hai vợ chồng tôi đi nhặt rác. Con cái chẳng đứa nào học hành được vì làm gì có tiền” - chị Mây nghẹn ngào.

Những công việc “không tên”

Trong một lần đi cùng Phòng CSGT đường thủy tặng quà cho người dân làng vạn chài ở bãi giữa, Thượng tá Nguyễn Văn Cương tâm sự, những đứa trẻ làng vạn chài lên 5 lên 7 đã làm đủ nghề kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Đối với chúng, những chiếc áo dù đã cũ được các đoàn viên Phòng CSGT đường thủy trao tặng cũng được xem là món quà vô giá vì hiếm khi những đứa trẻ này được nhận. Khi ấy, mấy chục đứa trẻ líu ríu gọi nhau đến nhận. Lần lượt từng chiếc áo, mũ rồi cả bánh kẹo được chuyển đến tận tay các em. Sự háo hức từ những ánh mắt trẻ thơ còn lan sang cả những gương mặt già úa khắc khổ, quanh năm âu lo. 

Thượng tá Nguyễn Văn Cương cho hay, CSGT đường thủy không chỉ đơn thuần làm công việc đảm bảo trật tự ATGT trên sông mà còn phải nắm bắt, thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng của ngư dân để từ đó quản lý, giúp đỡ họ tốt hơn. Theo đại diện Phòng CSGT đường thủy, cách tuyên truyền nhanh, hiệu quả nhất là đến trực tiếp với người dân. Một tháng vài ba lần, ngoài CSGT quản lý địa bàn, các CBCS của Đội Phòng ngừa TNGT đường thủy lại biên soạn, in hàng nghìn tờ rơi với nội dung chấp hành Luật Giao thông đường thủy, giữ vệ sinh môi trường phòng ngừa bệnh tật mang tới tận tay, hướng dẫn những người dân chài thực hiện. CSGT đường thủy còn phối hợp với chính quyền các xã động viên những gia đình này cho con em đi học. “Với sự hướng dẫn, chỉ đạo của CSGT và chính quyền sở tại, ở nhiều vạn chài đã xây dựng những tổ tự quản để cùng nhau giữ ANTT trong khu vực và giúp nhau cùng làm kinh tế bằng các mô hình nuôi cá lồng như làng chài Vạn Vĩ”-Thượng tá Cương thông tin.