Khói hương có thể dẫn đến ung thư

ANTĐ - Vào những ngày rằm, mùng 1, ngày lễ, Tết, hầu như trong gia đình người Việt nào cũng phải có nén hương trên ban thờ. Thậm chí nhiều người còn cắm luôn hương lên các đồ lễ thờ như hoa quả, xôi, gà… Khói hương có mùi thơm khá dễ chịu và được coi như một biểu tượng của sự liên kết, tưởng nhớ giữa cõi dương và cõi âm, giữa cõi trần và cõi phật, thánh. Nhưng ít ai biết, các nghiên cứu mới đây đều chỉ ra rằng hương chứa nhiều chất độc hại, còn độc hơn khói thuốc lá, có thể gây ra nhiều bệnh tật, thậm chí gây ra những đột biến di truyền và thay đổi ADN trong tế bào, dẫn đến ung thư.
Khói hương có thể dẫn đến ung thư ảnh 1

Một nghiên cứu ở Đan Mạch hồi đầu năm đã chỉ ra rằng trong nhiều năm, những người tiếp xúc với khói hương một cách thường xuyên (như sống trong các đền chùa) khi hít phải khói hàng nghìn nén hương sẽ tăng rất rõ rệt nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi và đường hô hấp. Sở dĩ khói hương độc hại là vì khi hương cháy, thành phần tạo mùi thơm - những hợp chất hữu cơ như benzen, những hợp chất cacbonyl và những hợp chất hydrocacbon sẽ kích thích tác động liên kết bề mặt của đường hô hấp dẫn đến viêm hô hấp mãn tính, phá hủy các tổ chức cơ thể dẫn đến biến đổi tế bào, biến đổi gen gây ra các hiện tượng dị sản, loạn sản. Khi là tế bào ác tính chúng sẽ biến thành tế bào ung thư.

Hơn nữa, trên thị trường ngày nay, khi các nguyên liệu thiên nhiên khan hiếm và đắt đỏ, nhiều nhà sản xuất vì muốn kiếm lời cao nên đã sử dụng nhiều tạp chất tẩm ướp tạo mùi thơm hơn nhưng chất lượng lại kém đi và độc hại. Khi nén hương càng cong và đẹp, khói hương càng thơm thì nồng độ hóa chất và thời gian ngâm tẩm càng nhiều, vì thế, mức độ nguy hiểm sức khỏe con người ngày càng gia tăng.

Tại Trung Quốc, một nghiên cứu vừa công bố cũng cho thấy khói hương có nhiều chất độc hơn cả khói thuốc lá. Theo đó, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm 2 loại hương thông dụng nhất là loại chứa trầm hương và đàn hương, sau đó so sánh tác động của khói hương với khói thuốc lá trên tế bào buồng trứng của chuột lang Trung Quốc và trên vi khuẩn Salmonella.

Kết quả cho thấy khói hương có những đặc tính hóa học có thể làm thay đổi chất liệu di truyền, như ADN trong tế vào, và do đó có thể gây đột biến dẫn đến sự phát triển của ung thư. Ngoài ra, khi đốt hương nó sẽ giải phóng ra những tiểu phân rất nhỏ vào không khí. Nếu hít phải những tiểu phân này, chúng có thể mắc lại ở phổi và gây phản ứng viêm.

Vì vậy, để tránh tác hại của khói hương đến sức khỏe, các chuyên gia khuyên khi thắp hương trong gia đình cần mở các cửa thông thoáng, khi có dấu hiệu ho, sặc, khó thở thì nên ra khỏi vùng có khói hương. Đặc biệt cần tránh cho người già, trẻ em, những người bị bệnh hô hấp tiếp xúc với khói hương. Những dịp lễ, Tết, các gia đình chỉ nên thắp hương tượng trưng, không nên thắp quá nhiều hương, nhiều nơi, thời gian liên tục.