Khởi hành bằng xe buýt

ANTD.VN - Nhà tôi xa các trung tâm văn hóa giải trí, bù lại khá gần sân bay Nội Bài. Sự gần này trước đây chưa phát huy tác dụng, khi các hãng taxi hoàn toàn “lũng đoạn” hành trình tới sân bay. Thời ấy, dù bạn xuất phát từ bất cứ đâu ở Hà Nội thì giá vẫn “đổ đồng” 250.000 đồng/chuyến. 

Người dân mong muốn được hưởng các tiện ích từ những dịch vụ công cộng

1. Mãi sau này xuất hiện kiểu “đi chung”, có nghĩa là bạn có thêm lựa chọn “kẹp đôi” với một khách khác và thường sẽ phải rời nhà sớm hơn để phù hợp với thời gian làm thủ tục bay của cả hai. Nói chung đêm trước khi bay vẫn là cứ phải thấp thỏm tìm xem hãng taxi nào giá mềm hơn, uy tín hơn để gọi điện đặt trước. 

Đôi khi đến phút chót gặp trục trặc thì thật là oan gia, sẽ phải gọi đại một xe nào đó và thường chấp nhận bị “chém” đẹp. Giá cao nhất tôi từng phải trả cho một chuyến taxi từ nhà tới sân bay đâu vào khoảng 400.000 đồng.

Cho đến khi tôi phát hiện ra tuyến bus 07 Cầu Giấy - Nội Bài. Thoạt đầu tôi còn nghi ngại, xe bus chắc là rề rà hơi tí dừng lại đón khách có thể làm lỡ chuyến bay. Và liệu có chuyện chi phí giảm tới 50 lần (vé xe buýt hiện nay là 8.000 đồng/lượt) mà mình vẫn đạt được hiệu quả dịch vụ như mong muốn?

Nhưng rồi những phản ánh tích cực từ người quen khiến tôi quyết định thử. Và kết quả là cảm thấy hài lòng. Chuyến đi đấy, tôi cứ thích thú mãi. Vậy là mình tiết kiệm được tiền cho một bữa ăn ngon, thậm chí chi phí một đêm khách sạn cho chuyến phượt. Và quan trọng là cảm giác yên tâm khi chỉ cần đi bộ ra trạm xe buýt gần nhà rồi chờ mươi phút là có xe đưa thẳng tới sân bay, không phải đặt trước, lại gần như miễn phí. Trước đây khi sắp xuống sân bay là phải lo đến chuyện đi gì để về nhà. Nay thì đáp xuống Nội Bài, coi như đã tới nhà. Tôi cho rằng chính từ việc được hưởng những tiện ích như thế, người dân mới thực sự thấy gắn bó và yêu nơi mình đang sống.

Chính từ việc được hưởng những tiện ích, người dân mới thực sự thấy gắn bó và yêu nơi mình đang sống. Và tôi ước ao một ngày gần đây, người dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung cũng được dịch chuyển khắp đất nước trên những chuyến xe thoải mái.

Có một lần hú vía khi tôi bay quốc tế nhưng chuyến xe buýt 07 chỉ đưa khách tới sảnh nội địa và phải mất 50.000 đồng bao trọn một chuyến xe điện sang khu vực T2. Sau đó được sự trợ giúp kịp thời của một nữ tiếp viên (không hề quen biết), chúng tôi mới không bị lỡ chuyến bay.

Nói chung tình hình đi lại trong nước và đặc biệt ở Hà Nội đã có cải thiện đáng kể. Dân “phượt” bắt đầu đi trong nước nhiều hơn thay vì chăm chăm sang các nước lân cận như trước đây. 

2. Trong những ấn tượng tốt về du lịch Thái Lan, tôi nhớ mãi chuyến xe Bangkok - Chiang Mai. Bến xe của bạn rộng lớn, sạch sẽ hơn ta nhưng cũng đông đúc. Hành khách la liệt khắp nơi, nhiều người ngồi bệt. Xứ Thái chùa cũng rất rộng và có cả tiệm massage ở trong thì tất nhiên bến xe cũng không ngoại lệ.

Tôi chỉ bắt đầu ngạc nhiên khi bước đến cửa xe thấy tiếp viên mặc đồng phục trang trọng như tiếp viên hàng không tươi cười chào khách. Ghế ngồi thậm chí còn rộng rãi ngả ngớn hơn máy bay (hạng phổ thông). Ổ điện cắm sạc thoải mái trong tầm tay. 

Ghế ngồi kiểu này tất nhiên văn minh hơn giường nằm vì có đai an toàn. Một hạn chế khó nói nữa của xe giường nằm là khách phải cởi giày khi lên xe. Và không lấy gì làm đảm bảo rằng tất ai cũng… sạch. Chưa kể, phụ xe vẫn có quyền nhồi nhét khách đến khi nào các lối đi kín người thì thôi. Khung cảnh quả là bệ rạc. Người  được phát chai nước, người không. Đằng này, ở Thái, khách vừa yên vị, bánh ngọt, chai nước, khăn ướt được phục vụ ngay lập tức. Kèm theo cả gối lẫn chăn đựng trong bao nilon gắn kín.

Nhưng mà tận tình vừa thôi, tận tình quá là cũng mệt đấy. Vì đang nửa đêm, khi đại đa số hành khách đang say giấc nồng thì xe bật điện và tiếng tiếp viên thông báo sang sảng qua loa mời khách xuống ăn đêm. Ai mua vé hạng sang sẽ được một bữa buffet, còn hạng thường sẽ được bát mì.

Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà

Ăn vừa miệng chứ không phải kiểu cơm đường cháo chợ. Nhưng ngoại trừ chút tò mò về ẩm thực địa phương thì vào lúc đó, tôi thà ngủ tiếp còn hơn đưa cả đống đồ ăn vào bụng. Ăn uống thỏa thuê rồi, lên xe lại bánh, lại nước. Điều làm tôi phấn khích vào thời điểm đó là được phục vụ một cốc trà nóng. 

Đến đích, bước xuống xe, tiếp viên đã đón sẵn, tươi cười chắp tay cảm ơn. Tôi để ý thì tiếp viên vẫn tích cực làm động tác đó với du khách nước ngoài hơn. Nhưng điều quan trọng là toàn dân Thái Lan đều được phục vụ trên những chuyến xe hạng sang như vậy. Đó hoàn toàn không chỉ là xe dành cho khách du lịch.

Và tôi ước ao một ngày gần đây, người dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung cũng được thoải mái dịch chuyển khắp đất nước trên những chuyến xe như thế. Một nền du lịch phát triển cỡ nào, trước tiên cứ nhìn vào những chuyến xe buýt là rõ, tôi nghĩ thế. Mới đây tôi đi Campuchia, xe buýt đường dài tiện nghi cũng đã gần bằng Thái, nhưng trà nóng thì vẫn chưa có.