Khởi động các cuộc đối thoại hạt nhân Iran

ANTĐ - Các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran diễn ra tại Istanbul trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang tại vùng Vịnh.

Các cuộc đối thoại đã được khởi động tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ giữa các nhà khoa học Iran và những nhà đồng cấp của họ từ 6 cường quốc trong một nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng bế tắc xung quanh tham vọng hạt nhân của Iran trong khi cả Tehran và Washington đều dấy lên nguy cơ sử dụng sức mạnh quân sự trong thế giằng co nguy hiểm tại vùng Vịnh.

Thứ ba vừa qua, theo một số nguồn tin, Mỹ đã tăng cường đáng kể sự hiện diện quân sự của mình tại khu vực, tăng gấp đôi số lượng tàu quét thủy lôi trong khi đem tới đây những chiếc phi cơ chiến đấu tàng hình nhằm ngăn chặn bất cứ nỗ lực đóng cửa eo biển Hormuz tại vùng Vịnh nào của Iran, nơi trung chuyển 1/5 lượng cung ứng dầu mỏ của thế giới mỗi ngày.

Iran trong thời gian vừa qua đã cho phóng thử tên lửa tầm trung với khả năng phá hủy các căn cứ quân sự của Mỹ tại khu vực hoặc Israel. Trong khi đó, quốc hội Iran đã kêu gọi một cuộc tranh luận khẩn cấp về dự luật nhằm ngăn cản ít nhất một số tàu chở dầu qua lại tại vùng Vịnh, cũng như cân nhắc việc tuyên bố kế hoạch mới về làm giàu uranium tại mức độ cao hơn.

Vệ binh cách mạng Iran ăn mừng thành công của vụ phóng thử tên lửa

Các cuộc đối thoại tại Istanbul được dàn xếp nhằm duy trì các kênh ngoại giao sau khi các cuộc đàm phán cấp cao đã bị trì hoãn lại tại Moscow, Nga vào tháng trước. Anh và các thành viên khác của nhóm 6 cường quốc cũng đã cử những nhà ngoại giao kỳ cựu nhằm xem xét những thay đổi trong lập trường của Iran kể từ khi lệnh cấm vận dầu mỏ của EU được đưa vào hiệu lực vào chủ nhật vừa qua.

Tuy nhiên, những dấu hiệu từ Tehran vẫn cho thấy quan điểm cứng rắn của quốc gia Hồi giáo này. Quốc hội Iran đã kêu gọi một cuộc tranh luận về dự luật đóng cửa eo biển Hormuz không cho tàu thuyền từ các quốc gia ủng hộ những biện pháp trừng phạt Iran qua lại.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Iran, Ramin Mehmanparast cho biết nếu quốc hội thông qua biện pháp này thì chính phủ sẽ buộc phải tuân theo những chỉ thị nêu trên. Tuy nhiên, mục tiêu của biện pháp đóng cửa eo biển là gì thì vẫn chưa rõ ràng bởi rất nhiều các quốc gia thân phương Tây đã ngưng việc mua dầu của Iran.

Bên cạnh đó cũng có dấu hiệu cho thấy lãnh đạo Iran có thể đang chuẩn bị tuyên bố gia tăng cấp độ làm giàu uranium. Quốc hội Iran đã yêu cầu chính phủ bắt đầu cho đóng những chiếc thuyền “không phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch” – một sự ám chỉ rõ ràng tới tuyên bố đưa ra bởi hải quân Iran tháng trước rằng họ đang có kế hoạch xây dựng những chiếc tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân.

Động thái này của Iran sẽ có thể được phần đông cộng đồng quốc tế nhìn nhận như những hành động khiêu khích bởi nó sẽ đưa Iran tiến gần đến khả năng chế tạo lõi phân hạch cho vũ khí hạt nhân. Tehran từ trước tới nay vẫn luôn một mực khẳng định mong muốn hạt nhân vì mục đích hòa bình của họ nhưng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã yêu cầu Iran dừng chương trình làm giàu uranium cho tới khi ý định hòa bình này được chứng minh.

Trong khi đó, Israel đã đe dọa tiến hành các hành động quân sự chống lại các căn cứ hạt nhân của Iran, cho rằng việc sản xuất uranium 20% của Tehran thể hiện một mối đe dọa không thể khoan nhượng tới an ninh nước này. Hiện Israel là quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân duy nhất tại Trung Đông.

Các cuộc đối thoại ngoại giao cấp cao về chương trình hạt nhân của Iran đã bị trì hoãn vào tháng trước sau một cuộc gặp gỡ giữa 6 siêu cường và Iran tại Moscow. Nhóm 6 quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc, đã đưa ra một loạt các khuyến khích nếu Iran ngưng sản xuất uranium 20%. Đáp trả lại, Iran đã kêu gọi việc dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh cấm vận và công nhận quốc tế về quyền làm giàu uranium trước khi thảo luận về việc hạn chế làm giàu ở mức 20%.