Khơi dậy nguồn lực kiều bào đóng góp vào sự phát triển của đất nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Phát huy nguồn lực của kiều bào trong quá trình phát triển đất nước và nâng cao hiệu quả công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Chủ trương này đang được triển khai tích cực trong thực tế, đem lại nhiều kết quả tích cực.

Thành công của công cuộc Đổi mới có đóng góp của kiều bào

Hội nghị kiều bào đóng góp ý kiến về kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị 45/CT-TW và phát triển đất nước trong tình hình mới vừa diễn ra tại Hà Nội một lần nữa khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng phát triển, gia tăng về số lượng và mở rộng về địa bàn, có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Ra đi trong những thời điểm lịch sử, hoàn cảnh và điều kiện khác nhau, mặc dù còn có những vấn đề phức tạp, nhưng nhìn chung cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã cố gắng vượt qua khó khăn, ngày càng phát triển. Theo con số thống kê, từ 4,5 triệu người ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2015, đến nay đã có khoảng 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong xã hội sở tại ngày càng được nâng cao. Ngày càng có nhiều kiều bào tham gia chính trường sở tại ở các cấp độ khác nhau. Theo ước tính, có khoảng 500 nghìn chuyên gia, trí thức, chiếm tỷ lệ 10% trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Một thế hệ trí thức mới người gốc Việt trẻ và tài năng đang hình thành và phát triển, tập trung ở nhiều lĩnh vực mũi nhọn như tin học, viễn thông, điện tử, vật liệu mới, chế tạo máy, sinh học...

Dù đang sinh sống và làm việc ở đâu, trong sâu thẳm trái tim mình, đông đảo kiều bào vẫn luôn đau đáu nhớ về cội nguồn và mong muốn góp sức nhỏ bé cho sự phát triển của đất nước. Trong thành công của công cuộc Đổi mới có đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, những “con Lạc cháu Hồng” mang trong mình phẩm chất tốt đẹp, cần cù, chăm chỉ, khéo léo, ham học hỏi, không ngại khó khăn, luôn hướng về quê hương, đất nước.

Chỉ xin nêu một ví dụ: Từ khi đất nước mở cửa, đổi mới cho đến hết năm 2019, chúng ta thu hút hơn 211 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cùng trong thời gian đó, kiều bào đóng góp về Việt Nam 153 tỷ USD kiều hối. Để có được dòng tiền đầu tư FDI, chúng ta phải có các chính sách ưu đãi, thu hút nhà đầu tư. Trong khi đó, kiều hối là tiền tự kiều bào gửi về, không đòi hỏi điều gì, số lượng thì năm sau luôn cao hơn năm trước, đưa Việt Nam trở thành một trong 10 quốc gia nhận kiều hối cao nhất thế giới.

Không chỉ đóng góp về tài chính, kiều bào còn góp trí lực, tâm sức cho quê nhà. Kiều bào là cầu nối hiệu quả gắn Việt Nam với thế giới và ngược lại. Nhiều doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài đã liên kết, thúc đẩy thương mại, đưa hàng hóa trong nước ra thị trường quốc tế, quảng bá văn hóa và hình ảnh đất nước tới bạn bè thế giới. Các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được củng cố và phát triển, góp phần tăng cường đoàn kết trong cộng đồng, gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc.

Trong bài phát biểu tại chương trình Xuân Quê hương 2019, khi nói về thành công của đất nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định đó là do ý Đảng hợp với lòng dân, là sức mạnh đoàn kết, thống nhất cao, là sự nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó có sự đóng góp quý báu và quan trọng của cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập ở nước ngoài.

Để mỗi người Việt Nam ở nước ngoài là “một đại sứ” của đất nước

Đảng và Nhà nước ta luôn chủ trương phát huy Đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm khơi dậy nguồn lực của toàn dân tộc, tạo động lực mạnh mẽ và vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển đất nước. Trong sự nghiệp đó, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn được coi là một bộ phận không thể tách rời, một nguồn lực của công đồng các dân tộc Việt Nam.

Để khơi dậy nguồn lực kiều bào, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quyết sách, từ Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX ngày 26-3-2004 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đến Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 19-5-2015 về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36. Mới đây nhất là Quyết định 1797/QĐ-TTg ngày 12-12-2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài”. Đây là cơ sở để huy động nguồn lực kiều bào phục vụ cho công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.

Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển mới, chuẩn bị triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghệ theo hướng hiện đại, vượt qua thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại với thu nhập trung bình cao và năm 2045 trở thành nước phát triển thu nhập cao.

Để đạt được những mục tiêu đó, đòi hỏi huy động mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài. Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nhấn mạnh cần hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hội nhập xã hội nước sở tại. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, quản lý lao động, du học sinh; tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hoá dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc; làm tốt công tác thông tin tình hình trong nước, giúp đồng bào hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc…

Điều quan trọng là cần tuyên truyền, vận động để mỗi người Việt Nam ở nước ngoài là “một đại sứ”. Qua đó, mỗi người Việt Nam xa quê hương có tinh thần, trách nhiệm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thành tựu phát triển của đất nước, từ đó, lan tỏa, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, gắn bó, hướng về quê hương, chung tay xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn thịnh.

Từ những định hướng cơ bản trên, có thể được cụ thể hóa bằng rất nhiều những hoạt động cụ thể. Đó là tạo điều kiện cho kiều bào tham gia các hoạt động chính trị, xã hội lớn của đất nước như hàng năm tổ chức gặp mặt kiều bào nhân dịp Tết Nguyên đán, mời kiều bào có công, tiêu biểu về thăm đất nước, dự Giỗ tổ Hùng Vương, Quốc khánh 2-9. Đó là triển khai nhiều hoạt động thu hút đóng góp của các thành phần trong cộng đồng vào sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước như tổ chức “Hội nghị trí thức kiều bào với sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước”, Hội nghị “Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp xây dựng, phát triển và hội nhập của Việt Nam”, cuộc gặp gỡ với các trí thức trẻ kiều bào mang tên “Nối vòng tay lớn”, thành lập câu lạc bộ trí thức kiều bào…