Khốc liệt kỳ thi đại học ở Trung Quốc

ANTĐ - Trong hai ngày 7 và 8-6, tổng cộng 9,42 triệu học sinh Trung Quốc đã bước vào kỳ thi “cao khảo”, kỳ thi đại học được đánh giá là căng thẳng và khốc liệt nhất thế giới. Với quan niệm đại học là cánh cửa duy nhất vào đời, học sinh Trung Quốc phải học tập rất vất vả và chịu áp lực lớn từ phụ huynh và nhà trường. 

Khốc liệt kỳ thi đại học ở Trung Quốc ảnh 1Cảnh học sinh miệt mài ôn thi tại một trường trung học ở tỉnh Giang Tây


Sôi sục chuẩn bị 

Theo thống kê của Bộ Giáo dục Trung Quốc, số lượng thí sinh dự thi năm nay tăng cao hơn so với năm ngoái  là 300.000 thí sinh. Do tính chất quan trọng của kỳ thi, nên cả đất nước Trung Quốc sôi sục chuẩn bị nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh và đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn. Cảnh sát được triển khai khắp các tuyến đường và những điểm dự thi để đảm bảo an ninh cho học sinh. Những người lái xe cũng được yêu cầu không bấm còi khi đi qua các trường học.

Tại thành phố Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, chính quyền thành phố chuẩn bị các tuyến vận tải công cộng đặc biệt dành riêng cho thí sinh. Theo đó, các tuyến xe buýt, taxi và tàu điện đều được bố trí sẵn các “luồng xanh” để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh đến trường thi. “Vì ngày thi đại học thứ hai trùng với ngày đầu tuần, mật độ giao thông sẽ rất lớn, nên chúng tôi đã mở các chuyến tàu điện đặc biệt dành riêng cho thí sinh. Các vật tư y tế cũng được chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp”, một nhân viên tàu điện ngầm cho biết. 

Trong khi đó, tại thành phố Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông, nhà chức trách đã yêu cầu tất cả các công trình xây dựng gần địa điểm thi tạm dừng thi công trong 2 ngày diễn ra kỳ thi đại học để học sinh tập trung làm bài.

Với quan niệm đại học là cánh cửa duy nhất vào đời, nhiều học sinh suốt ngày chỉ biết cắm đầu vào học, không quan tâm đến những hoạt động ngoại khóa khác như thể thao hay nghệ thuật. Tại nhiều trường trung học phổ thông, cả 3 năm học sinh sẽ chỉ tập trung vào việc luyện thi vào đại học. “Em chỉ có khoảng 5 phút để ăn tối”, một cựu học sinh cho biết. Trong khi đó, ở thành phố Hành Thủy, tỉnh Hà Bắc, các sĩ tử phải học từ 5h30 sáng đến 21h50 đêm và không được sử dụng điện thoại di động. Các em chỉ được nghỉ một ngày trong tháng.

Nhiều trường còn gắn camera theo dõi trong những phòng tự học, ngăn chặn tình trạng học sinh lười học. Trước mùa thi, các trường đại học cũng phổ biến hai khẩu hiệu: “Cuộc đời không phải cuộc diễn tập, vì các em không có cơ hội làm lại” và “Nếu các em vẫn chưa chết vì học quá vất vả thì hãy học tập chăm chỉ hơn”. 

Khốc liệt kỳ thi đại học ở Trung Quốc ảnh 2Hai học sinh tranh thủ ôn tập khi đang điều trị tại bệnh viện ở tỉnh Tứ Xuyên, 
do suy nhược cơ thể vì học tập căng thẳng

Tự tử vì áp lực thi cử

Do áp lực phải đỗ đại học nên kỳ thi “cao khảo” trở thành ác mộng đối với nhiều học sinh. Mới đây, đoạn video có nhan đề “Thảm kịch học sinh tự tử trong lớp” được đăng tải trên mạng internet đã gây xôn xao dư luận Trung Quốc. Hình ảnh trong đoạn video cho thấy, trong lớp học rất đông học sinh, hầu hết mọi người đang chuẩn bị tài liệu để bắt đầu bài học thì cậu học sinh Tiểu Trấn vẫn ngồi bất động. Đột nhiên, nam sinh này đứng bật dậy, lao ra khỏi cửa sổ. Cả lớp học sững sờ trong vài giây, trước khi hoảng hốt, nhốn nháo chạy ra phía cửa sổ.

Theo New York Daily News, tuy máy quay không bắt được toàn cảnh vụ việc, thái độ của các học sinh có mặt trong lớp đã khẳng định việc Trấn tự tử. Một số em chạy vòng quanh lớp, bắt đầu la hét thất thanh. Nguyên nhân của sự việc đau lòng trên được cho là vì áp lực khi chuẩn bị cho kỳ thi vào đại học. Sau vụ việc, ngôi trường này đã lắp đặt thêm nhiều hàng rào kim loại kín từ trần xuống sàn ở mỗi tầng của tòa nhà, khiến nó trông như nhà tù.

Theo báo cáo giáo dục Trung Quốc thường niên ban hành năm 2014, khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 6 được cho là “mùa tự tử” khi có tới 63% số vụ tự tử liên quan đến học sinh. Cũng theo thống kê, hồi năm ngoái, 93% trong khoảng 500 vụ học sinh tự tử mỗi năm tại Trung Quốc là do áp lực kết quả học tập.

Với tỉ lệ chọi cực cao, việc giành được một suất vào đại học là mơ ước của rất nhiều học sinh và phụ huynh Trung Quốc. Không chỉ các sĩ tử lo lắng, miệt mài học tập, cha mẹ họ cũng ăn không ngon, ngủ không yên. Ngoài việc đầu tư cho con học ở những trung tâm uy tín nhất, họ tìm đến các ngôi đền, chùa để cầu may. Ngày 1-6 vừa qua, một tuần trước khi kỳ thi đại học diễn ra, hàng trăm phụ huynh học sinh đã chen nhau đến một ngôi đền ở tỉnh An Huy để thắp hương dưới “cây may mắn”, cầu khấn cho con mình đỗ đại học.

Nhưng thật không may, nhiều cây hương sau khi bốc cháy đã lăn trúng vào gốc “cây may mắn”, khiến cây này bốc cháy dữ dội, gây ra cảnh tượng hoảng loạn trong đám đông. Hơn 10 cảnh sát đã hối hả chạy tới hiện trường để dập lửa. Sau khi đám cháy được dập tắt, nhiều phụ huynh đã khóc nức nở vì nghĩ rằng vận may của con mình trong kỳ thi sắp tới đã hết. 

Dùng thiết bị bay không người lái để chống gian lận

Do áp lực thi cử nặng nề, nhiều thí sinh đã không ngần ngại quay cóp với hy vọng đạt điểm cao. Chính vì vậy, trước và trong khi kỳ thi diễn ra, nhà chức trách Trung Quốc đã mở chiến dịch chống gian lận thi cử như triệt phá hoạt động mua bán thiết bị không dây dùng để gian lận, cũng như ngăn chặn tình trạng thi hộ. 

Chính quyền thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) thậm chí còn dùng thiết bị bay không người lái (UAV) bay quanh các địa điểm thi để ngăn chặn và phát hiện học sinh gian lận bằng thiết bị sao chép công nghệ cao. Theo đó, UAV sẽ bay ở độ cao 500m nhằm theo dõi những tín hiệu vô tuyến khả nghi từ các hội đồng thi, sau đó báo cho giám thị tới xử lý thí sinh gian lận. Những thí sinh này sẽ bị cấm thi trong 3 năm, trong khi những người tiếp tay cho hành vi này có thể sẽ phải ngồi tù.

Thuê phòng phong thủy cho con ôn thi

Một bà mẹ họ Lý ở Trung Quốc đã thuê và bố trí lại đồ đạc trong phòng (với sự đồng ý của người quản lý) theo hướng dẫn của một chuyên gia phong thủy, nhằm đem đến “kênh năng lượng cần thiết” giúp con trai mình may mắn trong kỳ thi đại học sắp tới. Một chiếc gương bát quái được đặt ở cửa để ngăn những điều đen đủi. Trên tường treo bức chân dung Khổng Tử và một mô hình chùa được đặt ở bàn học. 

Một số cư dân mạng ngạc nhiên trước sự chuẩn bị kỳ công của bà Lý, một số lại cho rằng phong thủy không giúp cho thí sinh thi cử thuận lợi hơn. 

Đỗ Mai (Theo Shanghaiist)