Khoảng trống chính trị cực lớn trên chính trường Brazil

ANTD.VN - Ngày 12-7, cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva - nhân vật được dự đoán là sẽ dẫn đầu cuộc bầu cử vào năm tới - đã bị tòa án nước này kết tội tham nhũng và phải chịu án phạt tù ít nhất 10 năm. Phán quyết này có thể xem là một cú trượt gây sốc của ông Luiz Inacio Lula da Silva và là một trở ngại vô cùng lớn đối với cơ hội quay trở lại chính trường của một trong những chính trị gia được yêu mến nhất tại Brazil này. 

Khoảng trống chính trị cực lớn trên chính trường Brazil ảnh 1Cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva

Phe cánh tả chao đảo

Thẩm phán Sergio Moro cho biết có các bằng chứng cho thấy ông Lula (71 tuổi) đã nhận 3,7 triệu Real tiền hối lộ từ doanh nghiệp cơ khí OAS SA. Theo các công tố viên, số tiền này được chuyển cho ông Lula để đổi lại việc ông giúp họ giành được hợp đồng với doanh nghiệp dầu khí quốc doanh Petroleo Brasileiro. Các công tố liên bang cũng cáo buộc ông Lula - Tổng thống đầu tiên xuất thân từ tầng lớp bình dân của Brazil tại vị từ năm 2003-2011 - là người đứng đằng sau một âm mưu tham nhũng quy mô và kéo dài, bị phanh phui trong vụ điều tra hối lộ liên quan đến Tập đoàn Petrobras.

Trong khi đó, đội ngũ pháp lý của ông Lula nhấn mạnh trong một tuyên bố rằng, ông hoàn toàn vô tội và họ sẽ kháng cáo. Nội dung tuyên bố có đoạn: “Trong hơn 3 năm, ông Lula liên tục là mục tiêu của các cuộc điều tra có động cơ chính trị. Hoàn toàn không có bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào được đưa ra, trong khi những chứng cứ chứng minh sự vô tội của ông ấy hoàn toàn bị phớt lờ”.

Đội ngũ pháp lý của ông Lula, trong đó có luật sư Cristiano Martins nhấn mạnh: “Phán quyết nhằm vào cựu Tổng thống Lula là một cuộc tấn công nhằm vào dân chủ và Hiến pháp… Cho dù đây là một phán quyết của tòa án, song nó hoàn toàn sai lệch, thiên kiến và phi pháp, được một thẩm phán có tư tưởng bè phái đưa ra. Cùng với đó là những ảnh hưởng tiêu cực của truyền thông và công luận nhằm vào cựu Tổng thống Lula”.

Luật sư Cristiano Martins của ông Lula nhiều lần cáo buộc Thẩm phán Moro thiếu công tâm đối với thân chủ của mình, trong khi ông Moro phản đối điều này. Thẩm phán Moro khẳng định phán quyết của ông được đưa ra hoàn toàn khách quan và rằng dù có quan trọng đến thế nào thì cũng không ai có thể thoát khỏi luật pháp. 

Ông Lula sẽ bị cấm ra tranh cử hoặc đảm nhận các chức vụ trong chính quyền tới 19 năm nếu bản án được giữ nguyên tại tòa phúc thẩm. Việc xem xét đơn kháng cáo của ông Lula có thể diễn ra trong vòng ít nhất là 8 tháng. Nếu ông Lula bị tuyên là có tội, phe cánh tả chắc chắn sẽ gặp những thiệt hại không hề nhỏ và nhanh chóng rơi vào bất ổn, buộc phải tìm cách tái cơ cấu đội ngũ và thậm chí là tìm kiếm một nhà lãnh đạo đủ sức thoát khỏi cái bóng của ông Lula trên chính trường Brazil trong suốt 3 thập kỷ. 

Claudio Couto, nhà nghiên cứu chính trị, hiện đang làm việc tại trường ĐH Fundacao Getulio Vargas, nơi cũng đồng thời là một Viện Nghiên cứu chính sách nhận định: “Sự vắng mặt của ông Lula sẽ để lại một khoảng trống lớn trong nền chính trị Brazil, một khoảng trống lớn đối với phe cánh tả. Chúng ta đang bước vào một giai đoạn căng thẳng chính trị cực độ, thậm chí còn lớn hơn những gì vừa diễn ra trong năm qua”.

Theo ông Claudio Couto, nhiều khả năng tòa phúc thẩm sẽ vẫn giữ nguyên bản án, đồng nghĩa với việc cuộc bầu cử Tổng thống năm 2018 vẫn còn nhiều ẩn số và đây sẽ là cơ hội cho một chính trị gia ngoại đạo, nhất là trong bối cảnh các ứng cử viên hàng đầu đều đang dính cáo buộc tham nhũng. Theo ông Claudio Couto, trước khi phán quyết cuối cùng được đưa ra, ông Lula sẽ tìm cách huy động đồng minh và những người ủng hộ để chống lại phán quyết đang có nhiều tranh cãi này. 

Bất trắc và khó dự đoán

Trong khi đó, đương kim Tổng thống Brazil Michel Temer cũng đang bị buộc tội tham nhũng, khiến tương lai chính trường nước này càng trở nên bất trắc và khó đoán định. Theo nhận định của mạng tin alainet.org, lời buộc tội “tham nhũng thụ động” của Tổng Chưởng lý Brazil Rodrigo Janot đối với Tổng thống Michel Temer là rất nghiêm trọng, đủ sức nặng về pháp lý và chính trị để buộc ông này chấm dứt sớm sự nghiệp chính trị của mình.

Nếu Brazil theo hệ thống Nhà nước dân chủ đại nghị thì gần như chắc chắn ông Temer đã bị bãi nhiệm, nhưng do quốc gia rộng lớn nhất Mỹ La tinh này theo hệ thống Nhà nước dân chủ Tổng thống nên việc bãi nhiệm người đứng đầu quốc gia cần phải trải qua một số bước cần thiết khác. Trước hết, để Tòa án liên bang tối cao có được quyền mở cuộc điều tra hình sự đối với Tổng thống đương nhiệm, đề xuất này phải được sự ủng hộ của 2/3 trong số 513 Nghị sĩ của Hạ viện.

“Sự vắng mặt của ông Luiz Inacio Lula da Silva sẽ để lại một khoảng trống lớn trong nền chính trị Brazil, một khoảng trống lớn đối với phe cánh tả. Chúng ta đang bước vào một giai đoạn căng thẳng chính trị cực độ, thậm chí còn lớn hơn những gì vừa diễn ra trong năm qua”.

Nhà nghiên cứu chính trị Claudio Couto (Trường ĐH Fundacao Getulio Vargas)

Cho dù Ủy ban Hiến pháp và Pháp lý (CCJ) vừa phủ quyết đề xuất đưa ông Michel Temer ra xét xử, báo cáo này vẫn phải được trình bày tại phiên toàn thể của Hạ viện. Sau khi tiến hành bỏ phiếu, nếu báo cáo nhận được sự ủng hộ của 2/3 số Nghị sĩ, quá trình tố tụng sẽ tiếp tục. Cho tới thời điểm hiện tại, có rất ít Nghị sĩ hé lộ quan điểm của mình, mặc dù đa phần các nhà bình luận cho rằng lời cáo buộc sẽ không nhận đủ số phiếu nên sẽ được lưu hồ sơ chờ tới khi có chứng cứ mới.

Trong trường hợp báo cáo trên được Hạ viện thông qua và cơ quan tư pháp tối cao kết luận có đủ yếu tố để Tổng thống trở thành bị cáo thì ông Temer sẽ tự động bị miễn nhiệm trong 180 ngày - giai đoạn các cuộc điều tra được tiến hành một cách chi tiết hơn. Trong bối cảnh đó, theo quy định của Hiến pháp Brazil, người nắm quyền điều hành đất nước tạm thời (theo thứ tự) sẽ là Chủ tịch Hạ viện Rodrigo Maia, một nhân vật cũng đang đối mặt với những cáo buộc tham nhũng.  

Trong tương quan hiện tại, khó có khả năng ông Michel Temer phải đón nhận một phiên tòa chính trị như người tiền nhiệm Rousseff, cho dù vẫn chưa rõ về thái độ của các Nghị sĩ một khi được tường trình sâu thêm các chi tiết buộc tội của phía công tố hay sẽ có thêm các cáo buộc mới trong những ngày tới. Trong trường hợp này, những chính đảng trong liên minh cầm quyền có thể lựa chọn rời bỏ hẳn Chính phủ và Tổng thống.

Với kịch bản này thì gần như chắc chắn ông Temer phải ra đi. Ngược lại, nếu liên minh cầm quyền được củng cố và ủng hộ Tổng thống vô điều kiện, Brazil sẽ tiến tới năm 2018 mà không có nhiều xáo trộn ở bộ máy cầm quyền, đặc biệt khi giờ đây quốc gia Nam Mỹ này sẽ bước vào không khí tranh cử, nói cách khác là các ưu tiên sẽ chuyển sang hướng khác và các chính đảng sẽ dành sức để tổ chức các chiến dịch tranh cử hoặc vận động thành lập các liên minh theo tình hình mới. Ngay trong tuần này, các đồng minh của Tổng thống đã lao vào cuộc đua tranh quyết liệt để giành giật những cử tri đang lưỡng lự (ước tính khoảng 20%) cho cuộc bầu cử sơ bộ. 

“Mây đen” tham nhũng vẫn phủ kín bầu trời Brazil và chính ngạch tư pháp cũng đang bị nghi ngờ vì những phán quyết gần đây có lợi cho những người từng bị kết án ở giai đoạn sơ thẩm, điển hình là cựu Nghị sĩ Rodrigo Rocha Loures, người từng là cố vấn và cộng sự thân cận của Tổng thống Temer. Chính trường Brazil tiếp tục bất trắc và khó dự đoán trong trung hạn đồng thời không loại trừ việc sẽ tiếp tục xuất hiện những sự kiện mới làm thay đổi tương quan giữa các lực lượng.

“Phán quyết nhằm vào cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva là một cuộc tấn công nhằm vào dân chủ và Hiến pháp… Cho dù đây là một phán quyết của tòa án, song nó hoàn toàn sai lệch, thiên kiến và phi pháp, được một thẩm phán có tư tưởng bè phái đưa ra. Cùng với đó là những ảnh hưởng tiêu cực của truyền thông và công luận nhằm vào cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva”.

Luật sư Cristiano Martins