Khoảng tối sau các bản hợp đồng tiền tỷ

ANTĐ - Kể từ ngày mô hình bóng đá chuyên nghiệp ra đời, giá trị các bản hợp đồng của cầu thủ Việt Nam tăng lên một cách chóng mặt. Những thông tin được các phương tiện truyền thông loan tải về nhiều thương vụ tiền tỷ khiến người hâm mộ không khỏi ngỡ ngàng…

Đổi đời nhờ bóng đá chuyên nghiệp

Một cầu thủ tâm sự: “Lúc nhỏ, khi dấn thân theo nghiệp cầu thủ, tôi chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ kiếm được nhiều tiền như lúc này!”. Đúng là bóng đá chuyên nghiệp đã mang đến cho giới cầu thủ một cuộc đời mới, với mức sống cao hơn hẳn sau khi nhận được những khoản tiền lót tay hậu hĩnh mà trước đây, có trong mơ họ cũng không dám nghĩ tới.

Mức lương vài chục triệu đồng/tháng cùng khoản lót tay “cứng” lên tới vài tỷ đồng và chưa kể những nguồn thu nhập “mềm” đến từ các lần bung két thưởng lớn của các ông “bầu” biến cầu thủ trở thành những đại gia. Chính vì thế họ hàm ơn bóng đá chuyên nghiệp bởi nó đã khiến những năm tháng khổ luyện thời thơ ấu của họ không trở nên vô nghĩa và lãng phí.

“Chúng tôi có tiền để tạo cho bản thân một cuộc sống thoải mái cũng như phụ giúp gia đình và những người thân thiết” - Tâm sự này là của chung mọi cầu thủ đang có chỗ đứng ổn định ở V-League.

Rõ ràng, nếu không có bóng đá chuyên nghiệp và sự bùng nổ như vũ bão của thị trường chuyển nhượng thì giới cầu thủ gần như chắc chắn sẽ “theo bước” nhiều đàn anh, tức là phải vật lộn kiếm kế sinh nhai sau khi giã từ sự nghiệp.

Cái giá phải trả

Thoạt nghe thì thấy cầu thủ thời nay quá hạnh phúc nhưng không phải ai cũng biết, để có được những bản hợp đồng tiền tỷ thì họ phải “trả giá” rất nhiều. Một trong số những cái giá phải trả là khoản tiền “phế” dành cho các nhà môi giới, thậm chí là lãnh đạo các CLB. “Chúng tôi ít học, cũng ít va chạm với giới kinh doanh nên nhiều khi, chẳng thể tự quyết định được tương lai của mình” - một cầu thủ thuộc dạng sao số ở V-League cho biết.

Thật vậy, mỗi vụ chuyển nhượng cầu thủ đều tồn tại rất nhiều khoảng tối. Cầu thủ không bao giờ nhận được số tiền đúng như những gì báo giới loan tải. Họ phải chịu chia trác một phần không nhỏ để “bôi trơn”, nhằm giúp thương vụ diễn ra thuận lợi.

Tiền chuyển nhượng được trích ra từ ngân quỹ của CLB, muốn tiền giải ngân thì buộc phải có chữ kí của lãnh đạo. Mà lãnh đạo thì mỗi chữ kí “đáng giá ngàn vàng” nên chẳng bao giờ kí… bừa. Nhiều cầu thủ phải chịu “chia sẻ” bởi muốn mình nhanh chóng ổn định tương lai, đồng thời cũng mong “lấy lòng” cấp trên trước khi về bến đỗ mới.

Biết là lãnh đạo đóng vai trò quyết định trong các vụ chuyển nhượng nhưng cầu thủ vốn “thấp cổ bé họng”, lại thuộc hàng “con cháu” nên chẳng mấy khi có thể làm việc trực tiếp với “bề trên” nên họ lại phải thông qua sự trợ giúp của các “tay cò”. Mà “chẳng ai cho không ai cái gì” nên lực lượng môi giới cũng kiếm kha khá sau mỗi thương vụ chuyển nhượng. 

Có cầu thủ được đồn là nhận hơn chục tỷ đồng khi chuyển CLB nhưng cuối cùng, số tiền thực nhận chẳng đáng là bao. 5 tỷ được để dành “nịnh” lãnh đạo CLB hai bên và khoản cũng cao không kém là của các “tay cò”.

Thế nên, bảo cầu thủ bây giờ sướng cũng đúng mà nói họ khổ với đủ thể loại “làm khó” cũng chẳng sai…