Khoảng lặng trong chiến hào Điện Biên Phủ

ANTD.VN - “Những ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, mặc dù hơn 60 năm đã qua, chưa bao giờ cảm xúc, tình cảm của tôi với đồng đội phai mờ. Tất cả mọi chuyện như vừa mới xảy ra!…”.

Cuốn sách “Người lính Điện Biên kể chuyện” của ông Đỗ Ca Sơn

Đó là tâm sự của Nhà giáo Ưu tú Đỗ Ca Sơn, nguyên giảng viên khoa Tiếng Nga trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội khi chúng tôi chạm đến miền ký ức của ông về chiến thắng Điện Biên Phủ. 

Đêm 24-1-1954, chỉ còn vài giờ nữa là sang ngày Tết ông Công ông Táo, Trung đoàn 174 đã bí mật chiếm lĩnh trận địa, triển khai đội hình để đợi giờ nổ súng. Phương châm chiến dịch: “Đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Ý định của Bộ tổng Tư lệnh: Ngày 25-1-1954 nổ súng và thời gian chiến dịch sẽ diễn ra trong 3 đêm 2 ngày. Không lâu nữa, bộ đội sẽ vào Điện Biên ăn Tết với đồng bào Tây Bắc. Chỉ cần nghĩ đến đó, mọi giá rét mùa đông cắt da cắt thịt như tan biến hết. Ai cũng háo hức đợi lệnh tiến công.

Nhưng từ đầu dây bên kia, Đại đoàn trưởng Lê Quảng Ba hạ lệnh cho Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An rút quân ra khỏi vị trí tập kết ngay lập tức. Sau đó, một cuộc họp tại đại bản doanh Mường Phăng, gồm các cán bộ chỉ huy từ Trung đoàn trưởng trở lên, do Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp triệu tập, để thảo luận phương án tác chiến mới: Chuyển từ “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc”. Trung đoàn 174 được giao nhiệm vụ mới, trước mắt là làm đường, đào chiến hào và đào giao thông hào suốt ngày đêm. 

Lệnh xây dựng trận địa vừa được ban ra, anh em sau những giờ phút hẫng hụt đã bắt đầu bàn tán xôn xao. Ngày Tết đang tới gần, cứ cho anh em xung phong đánh một trận cho ra trò, chết thì chết, chứ giờ phải xếp súng lại để cầm cuốc, cầm xẻng đào đất, thật vô lý, biết đến bao giờ mới đào xong?

Những dũng sỹ trên đồi A1

Tiểu đoàn 251 chuyển đến một khu rừng phía Đông Nam lòng chảo Điện Biên. Bước ra khỏi lán, tạm gác súng lại, họ chuẩn bị cầm cuốc xẻng để bắt đầu đào giao thông hào. Con hào trục trong rừng, khởi đầu từ Khe Chít, hướng ra giữa cánh đồng, rồi tới sát các cứ điểm ngoại vi dưới chân đồi A1 dài khoảng 1.000m.

“Sau khi các đơn vị báo cáo quân số chiến đấu lên ban chỉ huy, họ được giao khoán mỗi đêm mỗi chiến sĩ đào 2 mét giao thông hào”, ông Đỗ Ca Sơn kể tiếp. Đại đội có 100 quân thì được khoán 200m. Tiểu đoàn có 400 quân thì được khoán 800m. Buổi tối, cán bộ chỉ huy dẫn quân ra theo đội hình hàng dọc, mỗi người cách nhau 2 mét, đến mốc khoán thì dừng lại. Suốt đêm là thời gian đào trận địa. Xây dựng trận địa cũng chính là chiến đấu thực sự.

Đầu tiên, họ đào một hầm cá nhân để tránh pháo của địch. Đào xong hầm cá nhân để bảo vệ mình thì bắt đầu đào nối hầm cá nhân này với hầm cá nhân khác tạo thành những chữ chi (Z) liên tiếp nối dài.

Với cuốc và xẻng cán ngắn đeo sau lưng vào trận thay súng tiểu liên, đường giao thông hào từ Khe Chít đến chân đồi A1 qua những thửa ruộng bắt đầu hình thành với mỗi cạnh chữ chi dài 2m, sâu 1,5m, rộng xấp xỉ 1m. Họ mải miết làm với cả niềm vui và nỗi buồn. Những đêm giá rét, khi sương muối xuống buốt lưng, mồ hôi người lính đào chiến hào vẫn nhỏ từng giọt. 

Đào một đêm, từ chập tối cho đến gần sáng, mức khoán ấy là nặng nề với chiến sĩ. Một người đào giao thông hào dài 2m, sâu 1,5m, rộng hơn 1mét thật vất vả. Phải đào kiểu con dúi, hoặc chờ tối nhảy lên đào kiểu sâu đo, mỗi người đào một hố cá nhân rồi từ hố cá nhân đó phát triển nối với nhau thành chiến hào. Mức khoán ấy thực tế là thường thường phải 2-3 đêm mới xong. 

Ông Đỗ Ca Sơn nhớ lại: “Tôi cũng là trong số những người không thông lắm với việc thay đổi chiến thuật chuyển sang đào giao thông hào. Tại sao như vậy? Bởi vì đào hào rất vất vả, mức khoán cao, mà đêm nào cũng có thương vong. Sau mỗi đêm đi đào trận địa, quân số lại giảm dần”. Mỗi tấc đất chiến hào bắt đầu phải trả bằng máu.

Kết thúc chiến dịch, Trung đoàn 174 đã đào được 27km đường giao thông hào trục và đường giao thông hào nhánh nối các đường trục với nhau về sau tôi mới hiểu chính việc đào giao thông hào này đã  hình thành một mạng lưới giao thông hào như mạng nhện bủa vây đồi A1.

Ông Đỗ Ca Sơn (SN 1932), quê làng Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội, nguyên là Trung đội trưởng Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, chiến đấu suốt 38 ngày đêm trên đồi A1.

“Buồn ơi chào nhé”

Đã sang đầu tháng 5 năm 1954, vòng vây dưới chân đồi A1 siết dần. Những đợt thả dù của không quân Pháp không còn chính xác. Nhiều đợt, dù rơi xuống trận địa của các chiến sĩ quân đội Việt Nam. Như mọi lần khác, anh em bộ binh lại tiến đến thu lượm chiến lợi phẩm. Đỗ Ca Sơn đến chiếc dù gần nhất. Khác với mọi lần, không phải dù lương thực hay đồ hộp, cam tươi, thuốc lá thơm “con lạc đà” (Camel), mà toàn thư và báo.

Ông Đỗ Ca Sơn bồi hồi: “Tôi mở ra xem thì toàn báo chí với thư từ. Những lá thư bình thường, tôi chỉ xem lướt qua tên ngoài phong bì. Nhưng có một lá thư đặc biệt, hơi cộm lên ở bên trong. Tôi mở ra xem. Ngoài lá thư, còn có một lọn tóc phụ nữ cắt để trong phong bì. Đọc thư, tôi đoán là thư của vợ hay người yêu gửi từ Pháp sang cho một trung úy là người yêu hay chồng của cô ấy, đang chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Tôi để lại lọn tóc ấy rồi gấp lại lá thư. Tôi báo cáo với Tiểu đoàn trưởng Dũng Chi.

Tiểu đoàn trưởng Dũng Chi liền lấy bộ đàm gọi cho bên kia, đề nghị họ cử một người theo đường hào đi về phía đã định, để nhận lại thư từ. Theo đúng giờ hẹn, phía binh sĩ Pháp cho người lính ngụy cầm cờ trắng đến. Bên ta trao toàn bộ dù đựng thư cho anh ta.

Trong số các chiến lợi phẩm thu được, Đỗ Ca Sơn giữ riêng một cuốn sách với nhan đề mà ông chú ý: “Bonjour Tristesse” (Buồn ơi chào nhé), tác giả Francoise Sagan. Cuốn sách ấy vừa xuất bản ở Paris đầu năm 1954, khi tác giả mới 19 tuổi, được gửi sang cho binh lính Pháp. Sagan viết văn từ năm 17 tuổi. “Buồn ơi chào nhé” được viết trong 7 tuần khi cô mới 18 tuổi. 

Lúc này, bên trong chiến hào Điện Biên Phủ, chỉ cách đối phương 100m, khi tiếng đạn pháo vừa ngưng, Đỗ Ca Sơn lật giở trang đầu tiên, đọc những dòng đầu tiên đầy cảm xúc: “Cảm giác lạ lẫm ấy, mà sự chán chường và dịu ngọt của nó luôn ám ảnh tôi, tôi lưỡng lự mãi không dám đặt cho nó một cái tên đẹp và nghiêm túc: nỗi buồn. Đó là một cảm giác trọn vẹn và ích kỉ đến mức tôi gần như xấu hổ vì nó, trong khi tôi thấy nỗi buồn bao giờ cũng có vẻ đáng kính. Tôi chưa biết nó, nỗi buồn ấy, nhưng sự chán chường, sự luyến tiếc, và hiếm hoi hơn, sự ân hận, thì tôi đã từng biết. Giờ đây, một cái gì đó buông trùm lên tôi như một dải lụa vừa khó chịu lại vừa mềm mại, ngăn cách tôi với những người khác”.

Trong chiến hào, những phút lặng giữa hai trận đánh, tôi lại mang “Buồn ơi chào nhé” ra đọc. Chỉ vài lần như vậy, tôi đã đọc xong cuốn sách bán chạy nhất nước Pháp mà tôi mới được biết”. 

“Tôi chỉ kể những mẩu chuyện những người lính chúng tôi ở Trung đoàn 174 đã chiến đấu như thế nào, đã sống như thế nào trong toàn bộ chiến dịch. Cuộc chiến đấu rất sinh động mà nhiều đồng đội của tôi đã nằm xuống, không thể kể được nữa. Những người còn sống không muốn kể về mình, cũng có khi không biết kể về mình, mặc dù họ thực sự là những dũng sĩ trên đồi A1 và xung quanh đồi A1” 

Nhà giáo Ưu tú Đỗ Ca Sơn