Khoảng lặng giữa tâm bão trong quan hệ Mỹ - Trung

ANTD.VN - Quan hệ căng thẳng Mỹ-Trung có dấu hiệu tạm lắng, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) diễn ra tại Argentine. 

Khoảng lặng giữa tâm bão trong quan hệ Mỹ - Trung ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20)

Trái với hình ảnh ông Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin cố tình phớt lờ nhau tại Hội nghị G-20, ông Trump và ông Tập đã có một bữa tối làm việc khá suôn sẻ, nhằm giải quyết những bất đồng trong cuộc chiến tranh thương mại có nguy cơ gây tổn hại đến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cuộc gặp đã kéo dài hơn dự kiến gần một tiếng và kết thúc trong tiếng vỗ tay vang khắp phòng ăn.

Mối quan hệ Mỹ-Trung đã xấu đi nhanh chóng trên mọi lĩnh vực, từ kinh tế, ngoại giao đến quân sự. Con số thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ với Trung Quốc trong năm 2017 đã lên tới 566 tỷ USD, mức cao nhất kể từ năm 2008, khiến Mỹ đứng ngồi không yên. Việc áp thuế bổ sung từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có hiệu lực vào tháng 1 năm sau là diễn biến mới nhất trong các biện pháp trừng phạt của Mỹ, biến quan hệ Mỹ-Trung thành cuộc chiến thương mại thực sự, thay vì chỉ là những “xích mích”. 

Chắc phải một thời gian nữa người ta mới đánh giá hết hậu quả của cuộc đụng độ giữa hai siêu cường này, nhưng tác động của nó thì cả hai bên đều đã có thể cảm nhận. Với Trung Quốc, chỉ số tăng trưởng sản xuất của nước này đã chậm lại và ở mức thấp nhất trong hơn 2 năm, xuất khẩu giảm sâu, đồng Nhân dân tệ mất giá mạnh nhất trong một thập kỷ và chứng khoán lao dốc mạnh.

Về phía Mỹ, dù nắm trong tay nhiều “vũ khí” uy lực nhưng quay lại chủ nghĩa bảo hộ chưa chắc đã là chiến lược khôn ngoan. Lâu nay, Washington luôn than phiền rằng nước này là nạn nhân của toàn cầu hóa, tuy nhiên các số liệu lại cho thấy một câu chuyện khác. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) của Mỹ đã tăng từ 5,98 nghìn tỷ USD năm 1990 lên 19,39 nghìn tỷ USD vào năm 2017, GDP bình quân trên đầu người tăng lên 35.577 USD. Trong cùng thời gian đó, GDP bình quân trên đầu người của Trung Quốc chỉ tăng lên mức 8.509 USD, thấp hơn rất nhiều so với Mỹ.

Thực tế trên cho thấy, chính Mỹ mới là bên được hưởng lợi lâu dài từ chính sách toàn cầu hóa. Các công ty đa quốc gia của Mỹ đã thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ. Và cũng không nghi ngờ gì khi sự thịnh vượng và tiêu chuẩn sống cao ở “xứ cờ hoa” được tạo ra nhờ việc đặt các nhà máy sản xuất ở nước ngoài với chi phí thấp, nhập khẩu các sản phẩm giá rẻ và sự lưu thông đồng USD trên toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, dù đối đầu căng thẳng nhưng cả Mỹ và Trung Quốc đều ngóng tìm giải pháp thỏa hiệp. Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung bên lề Hội nghị G-20 vừa rồi là cơ hội tuyệt vời để hai bên đối thoại trực tiếp ở cấp cao nhất. Thực tế cuộc gặp cũng đã giúp giảm nhiệt cuộc đối đầu, khi Bắc Kinh và Washington thống nhất không đưa ra thêm lệnh áp thuế nhập khẩu mới kể từ ngày 1-1-2019.

Tuy nhiên, với những mâu thuẫn tiềm ẩn, căng thẳng Mỹ-Trung mới chỉ tạm lắng, chẳng khác nào trạng thái bình lặng ngắn ngủi giữa tâm bão trước khi những cơn gió giật tràn tới. Giải tỏa mâu thuẫn này không dễ bởi quan hệ Mỹ-Trung đang rơi vào cái gọi là “bẫy Thucydides” -  thuật ngữ được dùng để diễn tả những mối nguy hiểm trong thời kỳ mà một cường quốc lâu năm bị thách thức bởi một quyền lực mới đang lên.