Khoảng cách mênh mông giữa bệnh viện tư và bệnh viện công

ANTĐ - Đến thời điểm này Hà Nội mới chỉ đạt 14 giường bệnh/ vạn dân, thấp hơn rất nhiều tỷ lệ bình quân cả nước (21,1 giường/ vạn dân). Để cải thiện, Hà Nội đang xúc tiến và đưa vào hoạt động hàng chục bệnh viện (BV) tư nhân mới đồng thời đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa y tế. 

“Con đẻ” - “con nuôi”

Bệnh viện công lập quá tải trầm trọng

Nằm sát khuôn viên một loạt BV công lập lớn như Bạch Mai, Lão khoa Trung ương… thế nhưng tuần trước, ngay đợt nắng nóng đầu tiên, BV Việt Pháp đã rơi vào tình cảnh thiếu nước phục vụ sinh hoạt và điều trị, trong khi các BV công lập xung quanh ít xảy ra tình trạng này. Lãnh đạo BV Việt Pháp phải đề ra biện pháp khắc phục bằng cách mua thêm téc nước để chứa. Bức xúc, lãnh đạo BV này đã phàn nàn với cơ quan chức năng trong một cuộc họp tại Sở Y tế Hà Nội mới đây: “BV ngoài công lập chúng tôi thực sự vẫn chưa được đối xử công bằng với BV công lập. Nếu tiếp tục cung cấp thiếu nước như mấy ngày qua thì BV Việt Pháp chỉ còn nước đóng cửa ngồi nhìn các BV công lập hoạt động”. 

Chưa hết, lãnh đạo BV này tỏ ra tế nhị khi đề cập với đoàn giám sát của Thường trực HĐND thành phố và Sở Y tế Hà Nội vấn đề: “Chúng tôi đã có đề án nâng cấp, mở rộng BV từ 80 giường lên 200 giường bệnh. Trong thời gian sớm nhất, chúng tôi sẽ đề xuất xin được chồng tầng tòa nhà điều trị lên 10 tầng. Tôi biết BV Bạch Mai ngay bên cạnh đang đề xuất xin xây dựng tòa nhà 21 tầng, phía chúng tôi chỉ dám xin xây 10 tầng, hy vọng không bị cơ quan chức năng từ chối”.

Cũng phản ánh về tình trạng “con nuôi” - “con đẻ”, lãnh đạo BV Tim Đông Đô chia sẻ đến nay BV chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng giống như các BV công lập vẫn được hưởng. Chẳng hạn, khoản tiền thuê mặt bằng của BV là rất lớn, đầu tư trang thiết bị rất hiện đại, thế nhưng cũng chỉ dám thu viện phí “nhỉnh” hơn “chút ít” so với các BV công lập. Cái khó là nếu thu cao thì bệnh nhân không đến mà thu thấp thì không đủ sức để duy trì hoạt động. Bà Đỗ Thị Thúy Kiều, Chủ tịch HĐQT của BV này phân tích, rất khó để các BV tư nhân tạo được mối liên hệ, hỗ trợ điều trị tốt với các BV công lập. “Chẳng hạn như tại BV Thanh Nhàn có rất nhiều bệnh nhân bị bệnh tim nặng, khả năng của BV Thanh Nhàn không điều trị được nhưng BV này luôn chỉ định chuyển bệnh nhân lên BV Tim Hà Nội hay Tim mạch Trung ương chứ không chỉ định chuyển đến các BV tư nhân như Tim Đông Đô. Trong khi đó, bản thân các BV công lập như Tim Hà Nội hay Tim mạch Trung ương vốn đã quá tải, còn BV của chúng tôi được đầu tư rất hiện đại thì lại không có bệnh nhân…” - bà Thúy Kiều cho biết.

Khó xã hội hóa toàn diện

Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngành y tế Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 sẽ đạt chỉ tiêu 20 giường bệnh/vạn dân, đưa vào sử dụng 16 BV ngoài công lập với 3.350 giường bệnh đồng thời huy động vốn đầu tư xã hội hóa lên đến 734 tỷ đồng để hiện đại hóa trang thiết bị y tế… Tuy nhiên, chất lượng của việc xã hội hóa y tế đến đâu, khai thác như thế nào thì không dễ đánh giá. Đơn cử như trong đợt khảo sát mới đây, nhiều trạm y tế của Hà Nội được đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị bằng cả nguồn ngân sách cũng như vốn xã hội hóa rất lớn, lên đến hàng chục tỷ đồng, tuy nhiên đối nghịch với sự đầu tư đó là lượng bệnh nhân đến chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều trạm y tế vô cùng khang trang, máy móc hết sức hiện đại, thế nhưng bác sĩ của trạm lại… không đọc nổi phim X-quang.

Một thực trạng nữa, việc xã hội hóa y tế hiện hầu như chỉ tập trung vào một số lĩnh vực mũi nhọn như chẩn đoán hình ảnh, hồi sức cấp cứu, can thiệp bằng công nghệ chất lượng cao. Chẳng hạn năm 2010, nguồn huy động vốn xã hội hóa tại các cơ sở y tế công lập của thành phố lên đến 70 tỷ đồng, hầu hết tập trung vào các kỹ thuật: nâng cấp trang thiết bị mổ phaco (BV Mắt Hà Đông), hợp tác liên doanh khám chữa bệnh chuyên khoa mắt chất lượng cao (BV Vân Đình), đầu tư phòng khám (Trung tâm Cấp cứu 115), dự án CT-scaner, siêu âm, tán sỏi (BV Bắc Thăng Long)… Điều này dễ hiểu bởi các nhà đầu tư góp vốn vào xã hội hóa y tế thực chất cũng vì mục đích thu lại lợi nhuận, càng nhanh, càng nhiều càng tốt. Ở chiều ngược lại, những lĩnh vực quan trọng không kém như y tế dự phòng, y tế cơ sở… lại rất khó hút được vốn xã hội hóa, bởi các lĩnh vực này khó thu được nhiều lợi nhuận. 

Không ít đại biểu cho rằng, với cách xã hội hóa hiện nay, dù có xây dựng thêm hàng chục BV tư nhân mới, có đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại thì ngành y tế vẫn khó đạt được sự phát triển cân bằng. Nơi quá tải sẽ vẫn quá tải, nhiều BV tư nhân vẫn trong cảnh vắng khách còn y tế tuyến cơ sở chỉ là trạm trung chuyển bệnh nhân.