Khoán xe công, dễ hay khó?

ANTD.VN - Dự kiến cuối năm 2016, Hà Nội sẽ là một trong những địa phương đi đầu trên cả nước thực hiện khoán xe công, giảm lãng phí ở một số sở, ban ngành. Chủ trương này của Hà Nội đang nhận được sự ủng hộ từ dư luận.

Chi phí sử dụng 1 xe công trung bình khoảng 320 triệu đồng/năm

Nhiều cán bộ muốn được khoán xe công

Phát biểu tại phiên thảo luận kỳ họp HĐND TP Hà Nội ngày 1-8, ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội cho biết: “Thực ra rất nhiều đồng chí đang được hưởng xe công cũng muốn được khoán chứ không chỉ là mong muốn của Chính phủ, của thành phố. Họ muốn chủ động hơn vì có lúc cao điểm mà cần xe họ cũng bị ảnh hưởng”.

Ông Nguyễn Hoài Nam đề nghị, “ngay từ cơ quan HĐND TP, chúng tôi xin gương mẫu thực hiện trước. Ngoài các xe phục vụ các đồng chí lãnh đạo chuyên trách, còn lại chúng tôi sẵn sàng chỉ sử dụng xe to để phục vụ đoàn giám sát. Các đồng chí từ trưởng ban, phó ban... sẵn sàng dùng xe cá nhân và trả bằng tiền định mức”.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, giảm bớt được xe công sẽ dễ hơn trong công tác quản lý và tránh thất thoát. Định mức khoán xe công sẽ thấp hơn rất nhiều so với việc mua và “nuôi” một chiếc xe công thường xuyên. Đây là giải pháp có thể đưa ngay vào 6 tháng cuối năm trong thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách.

Vấn đề đặt ra là nếu việc khoán xe công được thực hiện thì những ai được sử dụng xe công? Ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, những lãnh đạo có tiêu chuẩn xe chuyên trách thì được đi xe công, còn các cấp trưởng, phó ban, lãnh đạo văn phòng thì nên khoán.

Trong trường hợp cán bộ HĐND đi giám sát đông, cơ quan chỉ cần bố trí xe 16 chỗ. “Nếu chúng tôi xuống quận, huyện kiểm tra đột xuất, tiếp xúc cử tri thì không nên dùng xe công. Chúng tôi tự túc phương tiện, tiền khoán trả cho chúng tôi thì mới giảm được xe công” - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội phân tích. 

Trao đổi với báo chí về lợi ích của việc khoán xe công, ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay, cơ quan chuyên môn đã tính toán mức chi phí một ôtô hiện nay gồm lương lái xe, xăng dầu, sửa chữa, thay thế phụ tùng, khấu hao xe... là 32 triệu đồng/tháng, nghĩa là hơn 300 triệu đồng/năm.

Nếu khoán mức 10 triệu đồng/tháng thì mỗi năm cũng chỉ mất khoảng 120 triệu đồng. Điều này đồng nghĩa với việc nếu khoán 10 xe thì mỗi năm, ngân sách Nhà nước sẽ tiết kiệm được một khoản tiền lớn lên tới hơn 2 tỷ đồng. 

Thấy được lợi ích từ việc khoán xe công, Hà Nội cho biết sẽ là địa phương đi đầu cả nước trong việc thực hiện chủ trương này. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho hay, thành phố đang nghiên cứu phương án thay vì trang bị xe công sẽ thực hiện khoán xe công, việc này đã được thử nghiệm trước đây.

“Thành phố chỉ đạo nghiên cứu phương án, tuy nhiên quá trình nghiên cứu phương án phải rất thận trọng vì đưa ra phương án khoán phải đáp ứng một số yêu cầu là phù hợp tình hình thực tế,  không ảnh hưởng tới việc giữa phương án khoán và không khoán có sự chênh lệch. Chúng tôi đang cho rà soát tiêu hao chi phí cho xe công để từ đó đưa ra mức khoán phù hợp với từng đơn vị cũng như từng đối tượng” - lãnh đạo UBND TP Hà Nội nói.

Khoán thế nào?

Khoán xe công không còn là chuyện mới! Nhiều đại biểu cho rằng, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện khoán xe công từ lâu và chủ trương này mang lại hiệu quả đáng kể. Tại Việt Nam, cách đây vài chục năm, việc khoán xe công đã có người xung phong thực hiện. Tuy nhiên đến nay, một số người từng đăng ký khoán xe công lại quay trở lại sử dụng xe công. Vì sao lại có tình trạng này? 

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, có 2 vấn đề vướng mắc lớn nếu thực hiện khoán xe công. Một là định mức khoán và hai là làm thế nào để đảm bảo yêu cầu công việc. Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội cho hay: “Bộ Tài chính đang tính toán sơ bộ theo hướng, từ việc mua 1 ô tô cho đến duy tu, bảo trì, “nuôi” nó cộng tiền xăng xe là bao nhiêu, rồi với số tiền ấy, chia ra cho những người có thể sử dụng chung thì bao nhiêu.

Các sở, ngành, quận, huyện của Hà Nội cũng đang tính theo mức đó. Địa bàn thành phố rất lớn, khối lượng công việc nhiều nên nhu cầu về xe công cũng cao hơn để đảm bảo yêu cầu công việc. Thực tế này dẫn đến mâu thuẫn là nhu cầu xe cao trong khi số lượng xe lại cần giảm thì khoán theo cách nào? Hai là xe tư nhân (xe biển trắng) khi xuống đơn vị làm việc sẽ gặp khó khăn hơn”. 

Ông Nguyễn Hoài Nam đề xuất, nên gắn tên biển bằng giấy trên mặt kính xe trong giờ hành chính để đến cơ sở làm việc bằng xe tư nhưng vì việc công. Mặc dù vậy, cách làm này cũng có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng giấy tờ này vào việc riêng để “cậy việc nọ việc kia, gây ảnh hưởng khi bị xử phạt vi phạm an toàn giao thông… nên cần tính toán kỹ” - ông Nguyễn Hoài Nam phân tích. 

Bình luận về chủ trương khoán xe công của Hà Nội, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, khoán xe công là một chủ trương rất đáng hoan nghênh và cần được ủng hộ. Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Minh Phong nhận thấy có 3 điểm tích cực nếu thực hiện khoán xe công.

Một là giảm số lượng xe lưu thông trên đường.Hai là giảm mua sắm công, từ đó thực hiện tiết kiệm cho ngân sách, đồng thời, tăng cường khai thác dịch vụ xe công đã có. “Tuy nhiên, việc khoán xe công cũng có cái khó. Một là đòi hỏi mức độ thanh toán phải chấp nhận được, hài hòa lợi ích để khuyến khích cán bộ sử dụng xe công.

Nếu tiết giảm một cách quá mức sẽ khiến cán bộ lấy tiền khoán bỏ túi riêng hoặc do cách thực hiện không đồng bộ nên khoán chỗ này, nhưng không khoán chỗ khác, chẳng khác nào đánh bùn sang ao. Cuối cùng, việc khoán xe này phải được thực hiện một cách minh bạch, công khai” - vị chuyên gia kinh tế nói. 

Tính toán xây dựng mức khoán hợp lý

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, nếu đưa ra mức khoán cụ thể chung cho toàn thành phố sẽ bất hợp lý bởi các địa bàn, các sở, ngành và đặc biệt giữa các quận với các huyện khác nhau.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần thực hiện thí điểm khoán xe công ở một số sở, ngành. “Phải gắn với dịch vụ xe công. Chính sách cần đồng bộ, cạnh tranh và hợp lý, vì có địa bàn ở xa, có địa bàn ở gần, cán bộ cần đi thị sát tình hình sẽ có nhu cầu khác nhau.

Nếu tính toán mức khoán không hợp lý, lương cán bộ chỉ 200 đồng, nhưng xăng xe khoán bằng 5 lần lương thì người ta sẽ “cấu” phần xăng xe chuyển sang phần lương. Như vậy sẽ không hiệu quả” - ông Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Hà Nội cần thực hiện thí điểm và không cần cầu toàn quá khi mới thực hiện. Mức khoán ban đầu có thể bằng 70-80% chi phí tính toán của Bộ Tài chính để “nuôi” 1 xe công là phù hợp.

Và sau quá trình thí điểm, nếu thấy cần bổ sung hay điều chỉnh thì các sở, ngành sẽ ngồi lại bàn bạc, xem xét. Ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng: “Hà Nội nên mạnh dạn thực hiện khoán xe công vì nếu không làm thì chưa biết bao giờ làm được. Chủ trương này ngay cả người đang được sử dụng xe công cũng đã đồng thuận. Vấn đề là làm thế nào cho hợp lý”.

Theo ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), số lượng xe công ở nước ta hiện nay so với các nước trong khu vực và thế giới ở mức khá cao. Riêng xe ôtô ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, chưa kể xe an ninh - quốc phòng có khoảng 40.000 xe.

Trong số 40.000 xe công có khoảng 26.000 xe phục vụ công tác chung, khoảng 2.000 xe phục vụ chức danh. Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho hay, hiện nay cả nước đang thừa 7.000 xe công; năm 2015 số lượng xe công mua mới tăng 600 chiếc.