Khoan thử sức doanh nghiệp

ANTĐ - Nhà nước và doanh nghiệp là hai chủ thể quyết định sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó Nhà nước có vai trò quyết định nhất. Bởi vì Nhà nước tạo ra năng lực cạnh tranh từ thể chế cũng như bằng những chính sách nhằm thúc đẩy cơ hội kinh doanh, đảm bảo tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Đương nhiên, hội nhập cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải tự thân vận động để thích ứng với chính sách bảo hộ của Nhà nước ngày càng ít đi. 

Khi nước ta bước sâu vào hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cơ hội mở ra luôn đi kèm thách thức lớn về cạnh tranh.

Cơ hội tự nó không biến thành lợi ích, không biến thành sức mạnh trên thị trường. Cũng vậy, cạnh tranh là sức ép trực tiếp, nhưng ép đến đâu còn tùy thuộc vào đối sách của Nhà nước và doanh nghiệp. Theo Ngân hàng Thế giới, doanh nghiệp Việt Nam phải dành gần 40% lợi nhuận để nộp thuế, chưa kể phí và các khoản chi phí “không tên” khác. 

Trong khi đó, tỷ lệ thuế trên lợi nhuận mà doanh nghiệp phải nộp thuế ở Singapore là 18,4%, Thái Lan là 27,5%, ngay cả Lào, Campuchia cũng chỉ khoảng 21%. Các khoản được xem là thuế phải nộp của doanh nghiệp Việt gồm: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên môi trường, thuế môn bài, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa kể thuế giá trị gia tăng, quỹ công đoàn. Đây cũng là lý do khiến không ít doanh nghiệp tìm mọi cách để trốn thuế, trốn đóng BHXH.

Đại diện Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, nếu tính cả các loại phí, thực tế mức đóng góp của doanh nghiệp không chỉ là gần 40% lợi nhuận mà có thể còn cao hơn. Lợi nhuận làm ra đã bị “ăn mòn” hết thì làm gì còn kinh phí để tái đầu tư, sản xuất, thay đổi trang, thiết bị? Chưa kể, các khoản “ăn theo” cũng bị phình ra mà doanh nghiệp phải đối mặt...

Một câu hỏi hiển hiện là nếu như không khoan thư sức của doanh nghiệp thì lấy đâu ra tiềm lực để cạnh tranh trên sân chơi hội nhập. Ở đây, nhu cầu nuôi dưỡng nguồn thu ở góc độ nhà nước đối với doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Chúng ta có thể hình dung như một cuộc thi chạy marathon đường dài, nếu vận động viên không biết phân phối sức lực cho hợp lý thì chắc chắn không thể giành nổi chiến thắng trước những đối thủ khác được.

Trên sân chơi hội nhập, chúng ta càng cần phải biết khoan thư sức doanh nghiệp, dưỡng sức và tạo sức bật cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đấy mới là một chiến lược bài bản và hợp lý!