Khó xử với... người lớn!

ANTĐ - Trong khi tay vợt trẻ số 1 Việt Nam đang phải thi đấu giải quần vợt trẻ 56 Trofeo Bonfiglio (nhóm A) diễn ra tại Milan (Italia) thì ở nhà, đơn vị chủ quản Bình Dương và bộ môn quần vợt Tổng cục TDTT “lời qua tiếng lại” quanh việc có hay không để Hoàng Nam dự SEA Games 28.

Khó xử với... người lớn! ảnh 1Lý Hoàng Nam bị đẩy vào thế khó xử

Theo đó, bộ môn đã đăng ký Hoàng Nam vào danh sách tuyển quần vợt nam dự đại hội tại Singapore nhưng phía Bình Dương lại bất ngờ nộp đơn xin cho Hoàng Nam không dự SEA Games 28 ngay trước giờ đăng ký danh sách với ban tổ chức đại hội. Lý giải động thái này, ông Lê Việt Cường - Giám đốc Công ty CP Kinh doanh và Thể thao Bình Dương, đơn vị quản lý trực tiếp Hoàng Nam, cho biết: “Chúng tôi muốn ưu tiên Hoàng Nam cho các giải Grand Slam trẻ thế giới gồm trẻ Pháp mở rộng (từ 31-5 đến 6-6), trẻ Anh mở rộng (từ 4 đến 10-7), nếu tham dự thêm SEA Games (khởi tranh từ 6-6), Hoàng Nam không có thời gian hồi phục thể lực cũng như gặp khó khăn về điều kiện thi đấu”. 

Ông Lê Việt Cường bày tỏ: “Bình Dương đã xây dựng và thông qua kế hoạch tập luyện cho Hoàng Nam từ rất sớm. Tôi từng bày tỏ quan điểm với bộ môn về việc phải có kế hoạch rõ ràng cho SEA Games ít nhất trước 2 tháng. Nhưng sau giải Davis Cup, ngày 26-4, Bình Dương chỉ nhận được văn bản giải tán đội tuyển chứ không thấy nói đến SEA Games 28. Vì không đợi được nữa nên chúng tôi phải xây dựng kế hoạch tập luyện riêng cho Hoàng Nam. Cũng vì thế, từ cuối tháng 4, Hoàng Nam lẽ ra đã đi tập huấn ở châu Âu, nhưng chúng tôi cứ chờ đợi mãi đến ngày 10-5 mới quyết định lên đường”. Trong khi đó, Trưởng bộ môn quần vợt Tổng cục TDTT Đoàn Quốc Cường, cho biết: “Ban đầu phía Bình Dương đã đồng ý, giờ lại thay đổi không cho Hoàng Nam dự SEA Games. Quan điểm của bộ môn là luôn tạo cơ hội cho Hoàng Nam thăng tiến tốt ở tất cả những giải đấu vừa sức, như SEA Games là hoàn toàn phù hợp”.

Cũng bởi sự thiếu thống nhất của các đơn vị liên quan mà Hoàng Nam đang bị đẩy vào thế khó. Nếu không dự SEA Games thì bị đánh giá không vì màu cờ sắc áo, còn nếu dự SEA Games thì sẽ lỡ các kế hoạch giải quốc tế khác, đặc biệt là Roland Garros trẻ tại Pháp - giải đấu danh giá mà Việt Nam lần đầu có VĐV được dự và xếp hạt giống. Phía bộ môn từng tính phương án mua vé máy bay cho Hoàng Nam bay thẳng từ Paris sang Singapore ngay khi thi đấu xong Roland Garros trẻ. Muộn nhất là nếu Hoàng Nam vào chung kết Roland Garros trẻ, ngày 7-6 anh sẽ có mặt tại Singapore và vẫn có thể “tranh thủ” đánh vài trận cuối của đội tuyển nam. Thế nhưng tính toán này vấp phải sự lo ngại việc phải mất sức di chuyển, cường độ thi đấu quá cao, lại đang đánh sân đất nện phải làm quen ngay với sân cứng sẽ rất khó cho Hoàng Nam đạt phong độ tốt. 

Thực ra không khó để dàn xếp vụ việc nếu bộ môn công bố kế hoạch SEA Games sớm, trong khi phía Bình Dương cũng “chịu” hợp tác, thay vì chờ bộ môn chậm trễ để kiếm cớ cho Hoàng Nam đi theo lịch do mình sắp đặt. Khi người lớn không chịu ngồi lại với nhau thì Hoàng Nam chính là đối tượng chịu thiệt thòi. “Tôi rất háo hức khi lần đầu tiên được làm hạt giống một giải Grand Slam trẻ và hi vọng trở thành tay vợt trẻ đầu tiên trong lịch sử quần vợt Việt Nam được dự 4 giải Grand Slam trẻ trong một năm. Nhưng tôi chưa biết mình có tham dự SEA Games 2015 cùng tuyển Việt Nam được không vì đến ngày 6-6, Roland Garros trẻ mới kết thúc”, tay vợt vừa tăng 190 bậc trên bảng xếp hạng ATP tâm tư.