Khổ vì thủy điện

ANTĐ - Bão số 10 đã đi qua nhiều ngày nay nhưng các tỉnh miền Trung vẫn chìm ngập trong nước lũ vì hồ thủy điện, thủy lợi đua nhau xả nước. Là mảnh đất thường gặp thiên tai nhưng nhiều năm nay, bà con miền Trung còn thêm nỗi khổ mang tên “thủy điện”.

Vừa thiên tai vừa thủy điện xả lũ, miền Trung ngập lụt kéo dài

6.000 hồ chứa, đập dâng

Cơn bão số 10 được nhận định là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua đổ bộ vào các tỉnh miền Trung. Thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, thiệt hại đã lên tới 5.000 tỷ đồng. Chưa dừng lại ở đó, bão đã đi qua 4 ngày nhưng nhiều nơi vẫn chìm trong nước vì sau mưa bão các nhà máy thủy điện trên địa bàn ồ ạt xả lũ.

Sau hồ Vực Mấu xả lũ với lưu lượng lớn khiến thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) chìm trong biển nước nhiều ngày liền thì từ trưa 2-10, thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) bắt đầu xả lũ. Tất cả 3 cửa van cùng xả tràn với lưu lượng 1.400m3/s. huyện miền núi Hương Khê bị ngập lụt nghiêm trọng. Trạm y tế xã mực nước đến sáng 4-10 là 1,2m. 

Thống kê từ Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam cho thấy, các tỉnh miền Trung có hơn 6.000 công trình hồ chứa, đập dâng lớn nhỏ, 22 nhà máy thuỷ điện có công suất từ 20 - 220MW, chủ yếu trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và sông Ba (riêng lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn có 10 thủy điện bậc thang). Thêm vào đó, địa hình miền Trung có độ dốc cao nên dễ xảy ra ngập lụt khi có mưa lớn. Những năm qua, thủy điện lại phát triển quá mạnh, nhất là thủy điện vừa và nhỏ phân cấp về địa phương cấp phép, quản lý nên đang bộc lộ nhiều bất cập. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, quy hoạch còn nhiều bất cập, địa phương không tính toán hết những tác động đối với đời sống của người dân vùng hạ du. Việc phát triển thủy điện tại đây đã gây nhiều bất cập trong chính sách và thực hiện tái định cư. Công tác vận hành hồ chứa cũng gây nhiều hậu quả đến môi trường sinh thái và đời sống của người dân, nhất là khi thông tin về xả lũ, điều tiết nước chưa kịp thời, chính xác đến người dân.

Còn mang tính hình thức

Ông Đặng Phong, Phó Giám đốc Sở Tài chính Quảng Nam (nguyên Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà Mi) nhận định: “Người dân đã hy sinh quá nhiều vì thủy điện nên đã đến lúc thủy điện phải chia sẻ lợi ích cho người dân nhưng không phải lấy từ thuế mà từ nguồn thu của thủy điện”. Đại diện Sở NN&PTNT Quảng Nam, ông Nguyễn Minh Tuấn cho rằng, bên cạnh những mặt được của thủy điện thì những tác động tiêu cực cũng rất lớn. Hơn nữa, việc đánh giá tác động môi trường của thủy điện còn mang nặng tính hình thức, đặc biệt là các thủy điện vừa và nhỏ. 

Ngoài ra, trên địa bàn miền Trung còn nhiều hồ, đập thủy lợi được xây dựng từ những năm 1975 đã xuống cấp nhưng chưa có kinh phí tu sửa. Bởi vậy trong cơn bão số 10 vừa qua, hàng loạt hồ đập đã bị vỡ. 

Theo ông Đồng Văn Tự - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình Thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi), qua rà soát, khu vực miền Trung còn rất nhiều hồ chứa nhỏ nguy cơ mất an toàn. “Thiết kế của những hồ này chỉ cho phép chịu đựng xả lũ tối đa đối với lượng mưa khoảng 400mm trong vòng 3 ngày. Vì vậy đối với những đợt mưa cục bộ tới 500 – 600mm/ngày như vừa qua, nguy cơ mất khả năng xả lũ, gây tràn đập, vỡ đập là rất cao”, ông Đồng Văn  Tự nhận định. 

Trong khi đó, Bộ NN&PTNT chỉ quản lý trực tiếp đối với hồ thủy lợi Dầu Tiếng, còn lại giao cho các địa phương quản lý. Các địa phương lại phân cấp cho các huyện, hợp tác xã hoặc Công ty quản lý khai thác thủy lợi. Cụ thể, đối với hồ Vực Mấu được giao cho Xí nghiệp Thủy lợi huyện Quỳnh Lưu, thuộc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Bắc Nghệ An. 

Theo lãnh đạo Vụ Quản lý công trình thủy lợi, trước khi xả lũ từ 4 – 6 giờ, đơn vị quản lý vận hành phải có thông báo đến các địa phương bị ảnh hưởng để có phương án chủ động phòng chống. Được giao toàn quyền lên phương án tích nước, xả lũ nhưng đến nay, đại diện Vụ Quản lý công trình thủy lợi cũng thừa nhận, chưa có quy định nào về việc các hồ thủy lợi xả lũ gây thiệt hại cho người dân sẽ phải đền bù.