Khổ vì thiếu trường quay

(ANTĐ) - Chuyện trường quay luôn là chủ đề “nóng” trong các diễn đàn về phát triển điện ảnh Việt. Không có trường quay, khiến những nhà làm phim luôn rơi vào thế bị động. Bối cảnh phải đi mượn, đi nhờ nhà dân. Tìm được cảnh ưng ý thì vướng di tích, còn có tiền ra nước ngoài chọn bối cảnh thì lại lo không… thuần Việt.

Bối cảnh được dựng cho bộ phim Huyền sử Thiên đô...

Mướt mồ hôi tìm bối cảnh

Rất nhiều ý tưởng, khi nằm trong kịch bản rất hay, nhưng thành phim thì cụt đầu, cụt đuôi, bởi bối cảnh không cho phép. Đạo diễn Hồng Sơn - người từng thành công với loạt phim “Chạy án” kể rằng, chỉ vì không có trường quay, trong khi kinh phí làm phim hạn hẹp, nên phòng làm việc của Hãng phim Truyền hình Việt Nam được trưng dụng thành… casino cho một số cảnh của “Chạy án”. Rồi ông cũng phải cắt bớt những cảnh rượt đuổi và nổ súng trong kịch bản, vì đơn giản, không có khách sạn nào dám cho dựng cảnh ở đó, sợ hiểu lầm, mang tiếng…

Chuyện thiếu trường quay còn là nguyên nhân khiến nhiều dự án phim ấp ủ mãi mà không thực hiện được, như trường hợp của phim truyện nhựa “Thái tổ Lý Công Uẩn”. Ban đầu, dự trù kinh phí sản xuất phim chỉ xấp xỉ 50 tỷ đồng. Nhưng khi khảo giá thuê trường quay nước ngoài thì kinh phí bỗng đội lên tới 200 tỷ đồng. Đây cũng là một nguyên nhân khiến bộ phim này không ra mắt đúng vào dịp Hà Nội kỷ niệm 1000 năm. Và cho đến giờ, đó vẫn là một “dự án treo”, chưa biết bao giờ thành hiện thực. Hay như nếu có trường quay, không phải thuê bối cảnh, đạo cụ, phục trang… của nước ngoài, thì phim “Đường tới thành Thăng Long” không đến nỗi khổ sở vì phải loay hoay, cắt gọt chỉnh sửa những yếu tố ngoại lai…

Một lần thì tốn, bốn lần không xong

Không có trường quay, nhiều đoàn làm phim đã phải bỏ bộn tiền thuê địa điểm để dựng bối cảnh. Như trường hợp của phim “Đẻ mướn”. Khi quay “cảnh nóng” giữa Chi Bảo cùng Hà Kiều Anh, để có được một khung cảnh lãng mạn thích hợp cho cảnh quay nhạy cảm này, nhà sản xuất đã phải thuê 2 phòng ở khách sạn Novotel trong 2 ngày với tổng chi phí 1.500 USD. Với “39 độ yêu”, Hãng phim Việt phải thuê nhà kho của một xí nghiệp trong suốt nửa năm, với mức giá hơn 30 triệu đồng/tháng. Cùng với đó là khoản chi phí không nhỏ để cải tạo 800m2 nhà kho này thành phim trường cho 22 bối cảnh, chiếm hơn 60% thời lượng phim…

Hoặc như 2 bộ phim lịch sử “Trần Thủ Độ” và “Huyền sử thiên đô” đã phải dựng bối cảnh giả cũng rất tốn kém. Và khi bộ phim kết thúc, cũng là lúc những cổng thành, nhà cửa… kết thúc sứ mệnh của mình. Toàn bộ bối cảnh của 2 bộ phim này giờ chỉ còn là đống đổ nát hoang tàn, cỏ dại ngút đầu người. Không ít người cho rằng, dựng bối cảnh lên, dùng một lần rồi bỏ là điều cực kỳ lãng phí, trong khi Việt Nam chưa giàu, kinh phí đầu tư cho điện ảnh còn chừng mực. Tuy nhiên nếu dựng bối cảnh kiên cố, thì cần rất nhiều tiền mà điều này thì năng lực của một đoàn làm phim không thể kham nổi.

 

...và hoang tàn đổ nát khi không còn được sử dụng

Đầu tư 5.000 tỷ đồng, lấy ở đâu?

Những năm 1960, dưới sự tài trợ của CHDC Đức và Liên Xô, trường quay đầu tiên và duy nhất tại miền Bắc, được xây dựng. Những bộ phim như: “Chung một dòng sông”, “Chị Tư Hậu”… đều đã ra đời từ đây. Nhưng sau 30 năm tồn tại, trường quay trở nên hoang tàn theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Đến năm 2001, sau rất nhiều tranh cãi và bàn thảo về địa điểm. Rốt cuộc Trường quay Cổ Loa cũng được “hồi sinh” ở giai đoạn 1, tổng số tiền đầu tư tròn 100 tỷ đồng. Đến nay, cơ sở hạ tầng, chỗ ăn chỗ nghỉ cho đoàn làm phim đã hoàn thành. Khu vực trường quay nội với hệ thống trang thiết bị hiện đại, đang được gấp rút thi công và hoàn thành trong năm 2011.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Nhiêm (Giám đốc Trường quay Cổ Loa) từ nay đến năm 2015, một dự án đầu tư dài hơi khác sẽ tiếp tục được triển khai trên toàn bộ quỹ đất 50ha, với số vốn đầu tư từ 3.000-5.000 tỷ đồng. Cổ Loa sẽ có những trường quay vệ tinh với nhiều bối cảnh biển, núi, nông thôn, hệ thống trường quay nội, trường quay dưới nước và 2 trường quay ngoại với bối cảnh Thành cổ Thăng Long, phố cổ Hà Nội.

Bên cạnh đó là trang thiết bị, khu kỹ thuật sản xuất hậu kỳ cũng được khép kín và quy chuẩn. Cũng theo ông Nguyễn Văn Nhiêm, vấn đề trường quay đã trở nên cấp thiết không thể trì hoãn, chìa khóa để dự án giai đoạn 2 nêu trên được triển khai vẫn nằm ở khâu kinh phí. Cần phải có sự đầu tư trước mắt của Nhà nước, từ đó tạo tiền đề kêu gọi xã hội hóa.

Đã có một vài doanh nghiệp vào Cổ Loa khảo sát, trong đó có cả một hãng phim lớn của Mỹ là 20th Century Fox, họ cũng đã đặt vấn đề đầu tư, nhưng chưa đâu vào đâu… vì chưa có tiền lệ, hơn nữa “đồng tiền đi liền khúc ruột”, phải thấy tương lai thì mới đầu tư, chứ không ai dại gì đem tiền ra đầu tư.