Khổ vì đánh số nhà tùy tiện

ANTĐ - Nhà hai bên đường đều là số lẻ, 2 nhà sát nhau nhưng cách nhau hàng chục số, hàng chục nhà có chung một số nhà… - tình trạng này đã diễn ra tại nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội khiến không ít người dân rơi vào cảnh dở khóc, dở cười…

Khổ vì đánh số nhà tùy tiện ảnh 1Việc đánh số nhà không theo quy định nào trên đường Lê Văn Lương

Thích số nào đánh số đó

Gọi điện đến Đường dây nóng Báo ANTĐ, anh Lương Mạnh Hà ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội phản ánh, cách đây 2 ngày, anh đến một cửa hàng trên đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân để giao dịch làm ăn. Tự tin vì đã có địa chỉ nên anh không ghi số điện thoại của chủ nhà mà phóng thẳng đến nơi cần tới. Tuy vậy, khi đến đây, mọi chuyện không đơn giản như anh tưởng. Các ngôi nhà trên tuyến đường này được đánh số rất lộn xộn, có đoạn đang từ số 83 nhảy lên 89 rồi lại xuống 81, 71, thậm chí nhà sát tường nhưng nhà thì số 11, nhà kia lại số 15 khiến anh Hà phải vòng đi vòng lại mất hàng giờ đồng hồ.

“Đường Lê Văn Lương đã được đưa vào sử dụng khá lâu, lại là một trong những tuyến đường có lưu lượng người qua lại rất đông, vậy mà việc đánh số nhà theo kiểu tùy tiện, thích số nào đánh số đó chẳng khác nào đánh đố người dân. Nó gây phiền toái cho các hộ gia đình sống tại khu vực và khách nơi khác đến, ảnh hưởng đến việc kinh doanh, buôn bán trên con phố này, làm mất thời gian đi lại, tìm kiếm, tăng nguy cơ  xảy ra tai nạn giao thông” - anh Hà bức xúc.

Khảo sát tại tuyến đường trên sáng 9-6, chúng tôi thấy đúng như phản ánh của anh Hà, việc đánh số nhà ở đây không theo một quy chuẩn nào. Thông thường, một bên đường sẽ đánh số chẵn, bên còn lại đánh số lẻ, những ngôi nhà nằm cạnh nhau phải có số thứ tự sát nhau. Tuy vậy, tại đường Lê Văn Lương, có đoạn cả hai bên đường đều mang số nhà lẻ. Không những thế, chúng lại được đánh nhảy cóc, không theo thứ tự, thậm chí còn lặp lại.

Ông Hoàng Đình Thắng - người sống tại khu vực cho biết, hầu như ngày nào ông cũng gặp khách hỏi đường do không tìm được địa chỉ cần đến. Với những trường hợp này ông đều khuyên họ gọi điện cho chủ nhà hẹn chỗ ra đón chứ nếu hướng dẫn hoặc để họ tự tìm sẽ rất mất thời gian. “Khổ nhất là những người ở nơi xa đến, họ mướt mải, ngơ ngác vừa lái xe vừa tìm nhà giữa trời nắng nóng rất vất vả. Thậm chí có người do mải nhìn số nhà đã bị ngã, hay va quệt với các phương tiện giao thông khác” - ông Thắng chia sẻ.

Ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đường phố

Điều đáng nói là không chỉ đường Lê Văn Lương mà tại một số tuyến đường khác trên địa bàn Hà Nội như Vũ Phạm Hàm, Hoàng Quốc Việt, Trần Thái Tông… cũng diễn ra tình trạng tương tự. Tại phố Vũ Phạm Hàm, việc đánh số nhà khá đặc biệt, những ngôi nhà cùng một dãy lại đánh theo số thứ tự, không phân biệt chẵn lẻ, hết dãy này chuyển sang dãy khác lại đánh lại từ đầu.

Do đó, trên đường có hàng loạt số nhà bị trùng lặp khiến khách muốn tìm nhà chẳng khác nào lạc vào ma trận, dẫn đến tình trạng người dân sống tại khu vực thường xuyên phải tiếp những vị khách không mời đến bấm chuông, gọi cửa. Đây cũng chính là nguyên nhân của tình huống bi hài diễn ra cách đây không lâu tại tuyến đường này. Do phải liên tục trả lời người đi đường hỏi địa chỉ, để tránh bị làm phiền, một người dân sống tại đây đã treo biển “hỏi đường 10k”!

Có thể nói, “loạn” số nhà không phải là chuyện mới tại Hà Nội. Nó không chỉ làm mất tính quy chuẩn, mỹ quan đường phố mà còn gây ra nhiều phiền toái cho người dân và các cơ quan quản lý. Trong khi tình trạng này chưa được khắc phục triệt để ở các tuyến phố cũ thì tiếp tục diễn ra tại các tuyến đường mới với mức độ phức tạp hơn.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trên nhiều tuyến đường có các khu tập thể được gắn số từ trước, số đó được ghi trên hộ khẩu, sổ đỏ của người dân. Nếu đánh lại số nhà thì toàn bộ giấy tờ cũng phải thay đổi theo nên người dân không mấy mặn mà với việc này. Bên cạnh đó, việc chưa phân cấp rõ trách nhiệm quản lý của các cơ quan trong việc đặt tên, đánh số, gắn biển số nhà cũng là nguyên nhân.

Liên quan đến vấn đề trên, được biết Chính phủ đã có Nghị định  91/2005/NĐ-CP về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng. Tiếp theo đó, Bộ Xây dựng đã ra Quyết định về Quy chế đánh số và gắn biển số nhà. UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định 04/2014/QĐ-UBND TP Hà Nội trong đó quy định rõ nguyên tắc đánh số nhà mặt đường, mặt phố; tên ngõ, ngách, hẻm và đánh số nhà trong ngõ, ngách, hẻm.

UBND cấp huyện có trách nhiệm xây dựng, triển khai kế hoạch đánh số và gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng trên địa bàn. Mặc dù vậy, chính sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng cộng với ý thức kém của một số người dân đã khiến tình trạng đánh số nhà theo kiểu tùy hứng vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết.