Khổ vì "bôi trơn"

ANTĐ - Mặc dù đã có nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, “cởi trói” cho doanh nghiệp, nhưng các cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa cơ quan quản lý với cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa dứt những tiếng kêu than. Bức xúc này kéo dài mãi bởi một bộ phận cán bộ, công chức vì lợi ích cá nhân đã “bóp méo” chính sách và pháp luật.

Cách đây không lâu, Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam đã công bố khảo sát cho thấy “ngành hải quan là một trong 4 ngành tham nhũng phổ biến nhất”. Bằng chứng không thiếu, hồi tháng 1-2016, một cán bộ Đội kiểm soát, Cục Hải quan TP.HCM bị bắt khẩn cấp với hàng chục phong bì có tổng giá trị gần 1 tỷ đồng. Mới đây, Cục trưởng Hải quan An Giang đã bị cho thôi chức vì để hơn 40 cán bộ “nhúng chàm” trong vụ hoàn thuế VAT.

Con số khảo sát phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp về tệ nạn “bôi trơn”, “lót tay” của cán bộ, nhân viên hải quan vừa được Ban Pháp chế Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam công bố cũng cho thấy, từ 60-80% số doanh nghiệp chỉ còn biết kêu trời, “ngậm bồ hòn làm ngọt”, trả phí “đi đêm” cho cán bộ hải quan để giải quyết công việc nhanh chóng hoặc bỏ qua các thủ tục thông quan trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Phải thừa nhận một thực tế là còn quá nhiều tiêu cực, nhũng nhiễu.

Ngay cả thanh lý hàng xuất khẩu tại cảng, khâu ghi phiếu lệ phí... tất tật đều phải chi để làm thủ tục. Nhiều doanh nghiệp thừa nhận, họ không dám hé răng vì “miếng cơm manh áo”, vì muốn được yên thân để làm ăn. Rõ ràng, trong con mắt doanh nghiệp và người dân, hình ảnh cán bộ, nhân viên hải quan, dù đã có những nỗ lực, chuyển biến song chưa thể xóa được suy nghĩ, ấn tượng không mấy thiện cảm. Làm việc ở vị trí đáng ra phải là hình ảnh đại diện của đất nước, vậy mà không ít người có thể thản nhiên “ăn chặn”.

Những mặt trái của cán bộ hải quan được doanh nghiệp phản ảnh là một thực trạng đáng lo ngại. Song dù sao cũng chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh” và ngành hải quan phải mạnh tay loại bỏ để không làm giảm sút hiệu quả những đổi mới, cải cách của ngành này. Giới doanh nghiệp, người dân rất công tâm và sòng phẳng đánh giá những cải thiện trong quy trình làm việc, trang thiết bị, thông quan điện tử cũng như thái độ phục vụ của ngành hải quan trong thời gian qua.

Tuy nhiên, chỉ chừng ấy vẫn chưa đủ, bởi nếu coi doanh nghiệp là đối tượng được phục vụ tận tình, chu đáo thì chắc chắn họ chẳng có cớ gì phải kêu khổ nữa. Ở đây, chưa nói đến chuyện cảm thông, chia sẻ với doanh nghiệp mà phải khẳng định rằng, ngành hải quan, ngành thuế cần có trách nhiệm phục vụ doanh nghiệp, người dân, những người đóng thuế nuôi bộ máy cán bộ, nhân viên Nhà nước.