Khó trước mắt, lợi lâu dài

ANTĐ - Dự thảo nghị định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu vừa đưa ra đã vấp phải ý kiến phản đối của một số doanh nghiệp lớn. Lý do mà các doanh nghiệp này đưa ra là một số khoản đầu tư đang có hiệu quả hay đầu tư để phục vụ cơ chế…

Đầu tư ngoài ngành vào bất động sản, doanh nghiệp Nhà nước dễ gặp rủi ro về vốn

 (ảnh minh họa)

Mục tiêu dài hạn của nghị định là nhằm lành mạnh hóa thị trường tài chính và nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước. Có thể coi việc soạn thảo nghị định là một trong những bước đi đầu tiên tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện các chủ trương lớn BCH TƯ về 3 lĩnh vực trọng điểm: tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.

Thực tế là đã có nhiều DNNN kêu ca là thiếu vốn để đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính trong khi vẫn tham gia đầu tư vào nhiều lĩnh vực nhạy cảm, có độ rủi ro cao. Tuy nhiên về lâu dài việc đầu tư ngày càng nhiều vào những ngành không thuộc chuyên môn và nhạy cảm như bất động sản, tài chính-ngân hàng… như hiện nay tích tụ nhiều nguy cơ rủi ro lớn hơn đối với an toàn vốn Nhà nước, làm nghiêm trọng hơn những nguy cơ gây bất ổn định vĩ mô. Hạn chế đầu tư ra ngoài ngành còn định hướng cho các DNNN tập trung nâng cao hiệu quả quản trị và năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực chính của mình.

Nhìn từ góc độ tổng thể, vốn “rót” vào các DNNN là vốn Nhà nước, tức là từ ngân sách nhà nước. Về chủ trương, Nhà nước sẽ giảm bớt tỷ lệ đầu tư từ vốn ngân sách vào doanh nghiệp nhằm huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân. Nếu bản thân DNNN sử dụng vốn Nhà nước để đầu tư ngoài ngành mà theo lập luận là có lãi thì tại sao Nhà nước lại không tập trung nguồn lực để đầu tư nhiều hơn cho các DN hoạt động trong chính những lĩnh vực này để mang lại hiệu quả lớn hơn, quản lý vốn lại tập trung chuyên môn hơn? Do vậy, lợi ích của DNNN từ đầu tư ngoài ngành mới chỉ là lợi ích cục bộ. Nâng cao hiệu quả quản lý và hiệu quả sử dụng đồng vốn của Nhà nước mới là lợi ích chung.

Trong những lần tham vấn với các chuyên gia kinh tế thuộc các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các tổ chức LHQ, Chính phủ và các Ủy ban chuyên môn của QH cũng đã được khuyến nghị góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững tăng trưởng trong đó đẩy mạnh hơn nữa cải cách và nâng cao hiệu quả của các DNNN như là một phần quan trọng của tái cấu trúc nền kinh tế.

Hiện thực hóa các chủ trương của Đảng là nhiệm vụ to lớn và phức tạp. Vì lợi ích chung và vì mục tiêu phát triển kinh tế bền vững không thể không có những bước đi cụ thể, những quyết định mang tính đột phá. Hạn chế đầu tư ngoài ngành không thể không có những “va chạm” với những lợi ích cục bộ. Tuy nhiên, cũng cần có lộ trình hợp lý thực hiện chủ trương hạn chế đầu tư ngoài ngành để không gây xáo trộn lớn trên thị trường nói chung và tránh những cú “sốc” đối với DNNN nói riêng.