Khó tránh khỏi hệ lụy

ANTĐ - Đương nhiên khi tăng giá xăng dầu, bao giờ Bộ Tài chính, Công Thương, Kế hoạch-Đầu tư cũng phải cùng làm việc để đánh giá tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Song dù có tính toán kỹ lưỡng, tỉ mỉ thì thực tế còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng thừa nhận rằng, việc tăng giá xăng dầu chắc chắn sẽ làm tăng chỉ số CPI và đẩy giá nhiều mặt hàng tăng theo. Ngay cả khi CPI 2 tháng đầu năm đều thấp, riêng tháng 3 xuống âm có thể làm cho mức độ cộng hưởng không cao. 

Trước thắc mắc có phải vì buôn lậu xăng dầu qua biên giới gia tăng nên liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định phải tăng giá xăng dầu, ông Vụ trưởng cho biết, không có quy định nào nói rằng, khi buôn lậu xăng dầu tăng thì sẽ tăng giá xăng dầu trong nước. Tăng hay giảm là tùy vào tình hình kinh tế - xã hội để liên bộ điều hành. Việc chống buôn lậu xăng dầu chỉ là một trong những căn cứ để quyết định có tăng giá hay không. Thế nhưng, Bộ Công Thương lại cho biết, giá xăng dầu trong nước hiện thấp hơn giá các nước láng giềng từ 2.000-5.000 đồng/lít dẫn đến tình trạng buôn lậu đang diễn ra rất phức tạp. Vì thế, liên Bộ mới quyết định tăng giá xăng dầu vào ngày cuối tháng 3 vừa qua.

Trong khi đó, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ giải thích, lý do chính để tăng giá xăng dầu là vì giá bán lẻ đang thấp hơn giá cơ sở. Nếu duy trì giá cũ thì khi quỹ bình ổn giá sử dụng hết sẽ không còn công cụ nào hỗ trợ, chỉ còn cách lấy ngân sách để bù. Tuy vậy, nước ta đã thống nhất nguyên tắc không bao cấp giá các mặt hàng thiết yếu, mà phải tiến dần tới mục tiêu điều hành giá theo cơ chế thị trường. Điều này đã được Chính phủ khẳng định nhiều lần, song bản thân giới doanh nghiệp cũng như một số chuyên gia cho rằng, giá xăng dầu tăng vọt khi sức cầu trong nước còn yếu là điều đáng lo ngại cho mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vốn đang đình trệ. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội bình luận, việc tăng giá xăng dầu không có tác động lớn tới các “đại gia”, nhưng việc tăng giá đột ngột lần này không nhận được sự đồng thuận của doanh nghiệp và đa số người tiêu dùng. Hai lý do dẫn đến quyết định tăng giá của liên Bộ cũng gây phản ứng trong dư luận.

Liên Bộ cho biết quỹ bình ổn xăng dầu đã “cạn” khiến nhiều người hoài nghi. Quỹ “cạn kiệt” là thông tin của liên Bộ mà chưa được cơ quan độc lập nào kiểm chứng. Thời gian qua, đã có nhiều số liệu kinh tế không chính xác được đưa ra. Do vậy, cách thông báo này khiến nhiều người không tin. Với đợt tăng giá này, quỹ bình ổn đang đẩy người tiêu dùng vào thế thiệt kép. Trước đó, quỹ đã lấy của người tiêu dùng, đẩy giá tiêu thụ mỗi lít xăng tăng lên. Đến nay, người tiêu dùng lại chịu thiệt vì quỹ “cạn”. Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu đã lãi lớn khi giá thế giới giảm, nay giá thế giới vẫn trong xu thế giảm, họ càng được lợi lớn hơn nhờ được tăng giá bán. 

Ở góc độ kinh tế vĩ mô, việc tăng giá xăng dầu sẽ gây ra sức ép lớn lên chỉ số CPI. Bởi vì, mặc dù CPI đã giảm trong 3 tháng qua, song xu hướng giảm này không phải do năng lực sản xuất tăng, mà chủ yếu do sức mua kém, tồn kho cao. Rõ ràng, việc tăng giá xăng dầu khó tránh khỏi hệ lụy là sức mua càng thấp, tồn kho càng cao.