Khổ sở vì Giấy khai sinh viết sai chính tả

ANTD.VN - Chỉ một việc cỏn con là đi xin cấp lại Giấy khai sinh bị viết sai chính tả, nhưng một cư dân ở nội thành Hà Nội phải mất đến gần 8 tháng trời.

Đó là trường hợp ông Nghiêm Chí Thành, trú tại 283 Đội Cấn, phường Liễu Giai, quận Ba Đình. Ông Thành bắt đầu hành trình của mình từ tháng 6-2016 và đến tháng 3-2017, khi buộc phải viết đơn kêu cứu gửi Văn phòng Chính phủ và UBND thành phố thì sự việc mới được giải quyết.

Chuyện của người trong cuộc

Câu chuyện của ông Thành thoạt mới nghe thì quá đơn giản, nhưng để được giải quyết thì như ông nói: “Đã phải đi lại từ nhà đến UBND quận hàng chục lần”. Dĩ nhiên, trong hàng chục lần ấy thì chẳng có lần nào ông quay trở về với tâm trạng thoải mái mà ngược lại, luôn bị bức xúc vì cách hành xử thiếu trách nhiệm của cán bộ.

Ông Thành bức xúc vì hành trình 8 tháng trời đi xin đính chính Giấy khai sinh cho con

Năm 2013, khi tiến hành xây lại ngôi nhà của mình thì ông Thành vô ý làm mất chiếc cặp đựng các loại giấy tờ quan trọng trong đó có Giấy khai sinh (bản chính) của con trai là cháu Nghiêm Đức Lân (SN 2005). Ngay sau đó, ông đã đến UBND quận Ba Đình để trình bày và được cán bộ Phòng Tư pháp cấp lại một Giấy khai sinh (bản chính) mới.

Tuy nhiên đến tháng 6-2016, khi làm hồ sơ, thủ tục cho cháu Lân chuyển lên học cấp 2, ông Thành được nhà trường yêu cầu nộp kèm Giấy khai sinh (bản chính) để đối chiếu học bạ. Sự việc bắt đầu phức tạp khi nhà trường phát hiện Giấy khai sinh này đã viết sai phần họ của cháu Lân. Cụ thể là chữ “NGHIÊM” bị viết thành “NGIHIÊM”.

Giấy khai sinh của cháu Lân bị viết sai chính tả

“Thú thực khi được UBND quận Ba Đình cấp lại cho Giấy khai sinh của cháu tôi mắt kém nên cũng không đọc lại và không phát hiện ra sai sót này. Chính vì vậy, khi nhà trường không nhận hồ sơ của con tôi do không khớp tên thì tôi đã phải viết cam kết đảm bảo sẽ nộp hồ sơ bổ sung sau. Tất nhiên, sau đó nhà trường cũng đồng ý cho cháu nhập học nhưng bộ phận văn phòng yêu cầu gia đình phải đi đính chính hoặc cấp lại Giấy khai sinh mới cho đúng thủ tục” - ông Thành nói.

Đoạn trường của ông Thành bắt đầu khi ông đến bộ phận một cửa của UBND quận Ba Đình trình bày lý do và xin cấp lại Giấy khai sinh lần 3. Ông Thành cho biết: “Tôi vẫn nhớ lúc đó là cuối tháng 6-2016, cô cán bộ có nhận tờ Giấy khai sinh viết sai chính tả và hẹn hôm sau quay lại lấy. Khi tôi quay lại thì cô ấy giải thích là chưa cấp được vì tờ Giấy khai sinh này đã bị tôi ép plastic.

Họ trả lại kèm theo yêu cầu tôi phải tự bóc plastic ra (cán bộ không dám tự tiện bóc vì sợ làm hỏng của người dân). Khi đã tách lớp ép xong, tôi quay lại nộp thì được hẹn vài hôm sau sẽ có kết quả. Đúng hẹn, tôi lại lên UBND quận thì cán bộ một cửa cho biết hiện Luật Hộ tịch mới quy định sẽ không cấp lại Giấy khai sinh (bản chính) nữa mà chỉ cấp Trích lục khai sinh (bản sao).

Lúc này, tôi yêu cầu nếu không cấp lại bản chính thì làm thủ tục đính chính vào phía sau Giấy khai sinh cho con tôi cũng được. Tuy nhiên, không hiểu sao việc này lại không được chấp nhận cho dù mặt sau tờ Giấy khai sinh có dành hẳn 1 mục chỉ để phục vụ cho việc “ghi chú thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung các nội dung trong Giấy khai sinh”.

Quá bức xúc vì không được giải quyết, ông Thành ra về và sau đó còn quay lại nhiều lần khác với hy vọng gặp được vị cán bộ nào đó “dễ chịu hơn” để giúp mình. Nhưng đổi lại, hy vọng ấy của ông còn khó hơn cả lên trời hái sao. Thậm chí khi quá bức xúc vì không được giải quyết, ông còn sang bộ phận tiếp dân để trình bày khiếu nại, nhưng sau 2 lần được cán bộ tiếp thì ông vẫn phải ra về tay không.

Cần thay đổi cung cách phục vụ người dân

Sau khi mọi nỗ lực đi xin cấp lại Giấy khai sinh đã trở nên mệt mỏi, ông Thành chỉ còn nước cuối cùng là kêu cứu đến UBND thành phố Hà Nội. Và sau khi có chỉ đạo từ các cơ quan cấp trên, mọi việc của ông mới được tháo gỡ.

Trao đổi về câu chuyện này, ông Đỗ Gia Khương - Trưởng phòng Tư pháp quận Ba Đình thừa nhận: “Việc sai sót lỗi chính tả trên Giấy khai sinh cấp cho cháu Lân như ông Thành phản ánh là đúng. Có lẽ trong lúc đánh máy, do vội nên cán bộ của phòng đã đánh nhầm. Đây là lỗi của chúng tôi, nhưng đáng tiếc hơn là việc khiếu nại và xin đính chính của ông Thành đã không đến được đúng bộ phận chuyên môn. Sau khi có chỉ đạo từ cấp trên, Phòng Tư pháp đã gửi giấy mời ông Thành lên UBND quận và chính thức xin lỗi về sự việc này, đồng thời đính chính ngay những nội dung sai sót”.

Văn bản chỉ đạo của UBND thành phố từ 18-2 nhưng cũng phải 1 tháng sau (21-3) sự việc của ông Thành mới được giải quyết

Lý giải về việc ông Thành phải rất vất vả trong nhiều tháng trời đi xin đính chính mà không được ai giải quyết, ông Khương nói: “Tôi không rõ các bộ phận khác đã tiếp nhận khiếu nại của ông Thành như thế nào, nhưng nếu những gì ông Thành phản ánh là đúng thì tới đây chúng tôi sẽ báo cáo UBND quận để rà soát lại quy trình làm việc ở bộ phận một cửa và bộ phận tiếp dân. Để người dân bức xúc và đi lại quá nhiều chỉ vì một việc nhỏ như vậy rõ ràng là không chấp nhận được”.

Dù sao thì bây giờ ông Thành cũng đã giải quyết được nhu cầu chính đáng của mình, nhưng nếu như cán bộ UBND quận Ba Đình thực hiện hết trách nhiệm của mình thì người dân đã không mệt mỏi đến thế. Một việc tưởng chừng chỉ bằng móng tay mà phải cần đến sự chỉ đạo giải quyết từ Sở Tư pháp, UBND thành phố và thậm chí cả Văn phòng Chính phủ thì chắc chắn UBND quận Ba Đình phải xem lại chính mình.