Khó phá “tổ cò”

(ANTĐ) - Gần 20 đối tượng “cò” ở 2 bến xe phía Nam và Nước ngầm bị lực lượng CSHS CATP Hà Nội phối hợp cùng Trạm CS bến xe phía Nam quây quét, bắt giữ trong hai ngày 4 và 5-12. Con số này bằng 1/10 số “cò” mà riêng Trạm CS bến xe phía Nam xử lý từ đầu năm đến nay, và nó đã phản ánh phần nào những phức tạp trong vận tải hành khách ở Hà Nội.

Khó phá “tổ cò”

(ANTĐ) - Gần 20 đối tượng “cò” ở 2 bến xe phía Nam và Nước ngầm bị lực lượng CSHS CATP Hà Nội phối hợp cùng Trạm CS bến xe phía Nam quây quét, bắt giữ trong hai ngày 4 và 5-12. Con số này bằng 1/10 số “cò” mà riêng Trạm CS bến xe phía Nam xử lý từ đầu năm đến nay, và nó đã phản ánh phần nào những phức tạp trong vận tải hành khách ở Hà Nội.

Muôn hình vạn trạng “cò”

Cổng các bến xe ở Hà Nội, thậm chí trong khuôn viên bến, có nhan nhản “cò”. Một cán bộ Đội Thanh tra GTVT quận Hoàng Mai phân tích ra ba loại “cò”. Một là những đối tượng lang thang, có tiền án, tiền sự, kể cả nghiện hút, được nhà xe thuê đứng chào mời hoặc... ép khách lên xe. Hai là lái, phụ xe, tranh thủ trước giờ xuất bến đứng ra chào mời khách. Và ba là mấy bác, mấy anh “xe ôm” quanh bến được nhà xe thuê vẫy khách.

Cổng bến xe phía Nam đã “thoáng” hơn sau khi gần 20 “cò” bị xử lý trong mấy ngày qua

Cổng bến xe phía Nam đã “thoáng” hơn sau khi gần 20 “cò” bị xử lý trong mấy ngày qua

Xung quanh các bến xe lớn ở Hà Nội bao giờ cũng có đủ ba loại “cò” này, và đó chính là những nhân tố hàng ngày gây nên sự lộn xộn, phức tạp. Ý thức được nguy cơ từ hoạt động của “cò”, bến xe nào cũng phối hợp với lực lượng chức năng để quây quét, xử lý. Riêng ở Trạm CS bến xe phía Nam, đến thời điểm này, công an trạm đã xử lý xấp xỉ 100 đối tượng “cò”. Số “cò” này bị áp quy định xử phạt theo Nghị định 73/2010/NĐ-CP của Chính phủ “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội”, với số tiền phạt 150.000 đồng/ trường hợp.

Con số này có thể nói là lớn nhất ở các bến xe của Hà Nội, song cũng đã giảm đáng kể so với một vài năm trước. Cấp thẻ cho lái phụ xe, tăng cường kiểm soát trong bến, tổ chức ứng trực ngoài cổng bến... những giải pháp khá quyết liệt ấy của Trạm CS bến xe phía Nam và đơn vị quản lý bến mới kéo giảm được số “cò” bị xử lý còn ngót nghét 100 qua 11 tháng của năm 2010. Đến nay, “cò” vẫn bị coi là hiện tượng “nóng” ở bến xe này.

“Kéo” trách nhiệm của nhà xe

“Bắt - thả” là điệp khúc lâu nay của lực lượng chức năng khi xử lý “cò” 150.000 đồng nộp phạt và 24 tiếng đồng hồ bị tạm giữ, chế tài ấy chưa khiến các “cò” sợ. Thực tế cho thấy, hoạt động của  “cò” chỉ giảm nếu cơ quan chức năng áp dụng biện pháp mạnh, là đưa đi cơ sở giáo dục đối với những “cò” vi phạm nghiêm trọng, hoặc có biện pháp đình tài dài ngày, thậm chí chấm dứt hoạt động đối với các nhà xe “bật đèn xanh” cho lái, phụ xe ra đường đón khách. Biện pháp thứ nhất, lập hồ sơ đưa “cò” đi cơ sở giáo dục, tưởng dễ mà không đơn giản.

Trung tá Nguyễn Bá Riến - Trưởng trạm CS bến xe phía Nam cho biết, “phải xác định “cò” sống lang thang, và bị xử lý 2 lần trở lên mới có thể lập hồ sơ đi cơ sở giáo dục. Thế nhưng, lập hồ sơ xong rồi phải chờ đợi cấp có thẩm quyền ra quyết định. Trong thời gian ấy, “cò” mà nghe ngóng được thông tin thế nào cũng tìm cách... chuồn mất”. Thế nên ở bến xe phía Nam, đến thời điểm này của năm 2010 mới chỉ có 4 trường hợp “cò” bị lập hồ sơ đưa đi cơ sở giáo dục; con số có lẽ... nhiều nhất trong các bến xe ở Hà Nội.

Biện pháp thứ hai, “kéo” trách nhiệm của nhà xe vào cuộc. Theo tìm hiểu của chúng tôi, lâu nay biện pháp này lại chưa được cơ quan chức năng mặn mà. Đại diện các bến xe khẳng định, “nếu xác định được “cò” là lái phụ xe của nhà xe nào, biện pháp xử lý nhẹ nhất là đình tài. Nặng là chấm dứt hợp đồng”. Tuy vậy, đang có tình trạng là phía bến xe thường không có được hồi âm, thông tin từ phía đơn vị bắt giữ, xử lý “cò”.

Đơn cử như gần 20 trường hợp “cò” bị xử lý trong hai ngày 4 và   5-12, cho đến ngày 7-12, đại diện cả 2 bến xe phía Nam và Nước Ngầm đều cho biết chưa nắm được danh tính “cò” thuộc nhà xe nào. Điều này đồng nghĩa với việc, các nhà xe vẫn ung dung, “vô can” trước hoạt động của “cò”. Và như thế, sự phức tạp của “cò” xe khách khó để giảm, nhất là khi dịp Tết đang đến gần.

Táo tợn hơn “cò”

Khoảng 16h chiều 7-12, trong khi thu thập tài liệu cho bài viết này, PV ANTĐ bắt gặp 1 chiếc xe khách đeo biển kiểm soát của Hà Nội, ghi chạy tuyến Hà Nội - Vinh, ngang nhiên dừng đỗ ở ngã ba Pháp Vân - Giải Phóng (ảnh). Một người hành nghề “xe ôm” ở khu vực này cho biết, đó là chủng loại “xe dù”, không có điểm đỗ ở bến nào, nhưng thường xuyên hoạt động từ 7h30 đến 9h sáng và tối từ 16h trở đi.

Có xe “dù” rất manh động, khi đến địa phận Thanh Hoá thường tìm cách ép chặn xe khách chính tuyến phải sang khách để xe “dù” chở nốt hành trình. Vì sợ bị đe doạ, hành hung, không ít nhà xe đã phải chấp nhận trò kinh doanh thiếu lành mạnh này. Đề nghị lực lượng CSGT, Thanh tra GTVT sớm kiểm tra, chấn chỉnh vi phạm táo tợn trên.

Hoàng Quân