Khó nhất là khả thi

ANTĐ - Luật Đất đai sửa đổi, sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân đã được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội có khá nhiều thay đổi. Chủ tịch Quốc hội nhận định, Luật được làm thận trọng, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra nên tính khả thi tốt hơn. Dẫu vậy, tại một số vấn đề “nóng” nhất như quy định về thu hồi đất, giá đất vẫn tiếp tục bị “mắc kẹt” vì chưa thật rõ ràng và chưa khả thi. Loại đất nào Nhà nước thu hồi, loại đất nào trưng thu, trưng mua và loại đất nào thì doanh nghiệp thỏa thuận đền bù với người có quyền sử dụng đất?

Thẩm tra dự Luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến tán thành việc tiếp tục quy định chế độ sở hữu toàn dân với đất đai. Phân tích bất cập trong thu hồi đất, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, đối với những dự án phát triển kinh tế phải quan tâm tới lợi ích của người dân. Ngoài giá trị đền bù đất phải có giá trị khác nữa bởi dân là người “góp” đất vào dự án. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh: “Nếu có lợi ích thỏa đáng thì người dân… xung phong giao đất ngay. Đằng này, góp một trăm mét đất mà không mua nổi một mét nhà thì ai mà chấp nhận được”. Mặc dù phải thực hiện các dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế, nhưng rất cần đặt mục tiêu vì lợi ích quốc gia, cộng đồng lên trên chứ không phải thu hồi để phục vụ cho lợi ích nhóm hay cá nhân nào đó. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội phân tích một góc độ thiếu khả thi của dự Luật Đất đai sửa đổi. Đất đai là sở hữu toàn dân, nhưng chưa làm rõ vấn đề quyền của Nhà nước, quyền của người dân.

Bởi vậy, Chính phủ cần làm rõ, minh bạch hơn quyền của Nhà nước và quyền của người sử dụng gắn với đất đai, tài chính như thế nào. Chủ tịch Quốc hội nhận xét, nếu không rõ các dự án phát triển kinh tế, xã hội có lợi ích quốc gia, cộng đồng như thế nào để đưa vào nhóm các dự án được Nhà nước thu hồi vì lợi ích đó, thì việc giải quyết thu hồi đất vẫn rất phức tạp và luật không thể khả thi. Đặc biệt, quy định cần phải rành mạch hơn trong việc phân loại 3 loại đất để thu hồi. Loại đất nào để làm gì mà Nhà nước cần thu hồi? Loại đất nào Nhà nước không trưng thu, trưng mua? Loại đất nào không thu hồi, không trưng thu, trưng mua thì giải quyết ra sao? Một vấn đề gay cấn khác cũng được ủy viên các ủy ban của Quốc hội chỉ ra là thực trạng các doanh nghiệp lợi dụng tình trạng quản lý đất đai lỏng lẻo để trục lợi đang diễn ra phổ biến trên cả nước. Đất của Nhà nước, doanh nghiệp mang cho thuê, sử dụng sai mục đích, song Nhà nước không thu được đồng nào mà lại chảy vào túi cá nhân, tổ chức. Trong khi đó, giá đền bù không thỏa đáng. Tại điều 72 dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định không có gì mới so với quy định hiện hành. Giá đền bù vẫn là giá do Nhà nước quy định tại thời điểm thu hồi. “Với cơ chế đó, giá đất nông nghiệp rẻ như bèo. Tiếp xúc với cử tri ở Lạng Sơn, ở đó mấy mét đất mới mua được bát phở”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết.

Cũng như trong các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Đất đai sửa đổi, phiên họp lần này cho thấy hai vấn đề “cốt tử” là thu hồi đất, giá đất và giá đền bù vẫn chưa có lối thoát. Đây chính là điều khó khả thi nhất của luật đã tồn tại quá lâu.