Khó mà dễ

ANTĐ - Để truy bắt thành công một đối tượng truy nã, lực lượng công an phải dày công nghiên cứu, tìm ra những mối quan hệ và “điểm yếu” của đối tượng, rồi lập kế hoạch truy bắt. Nhiều đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm, khi bị dồn đến đường cùng đã chống trả quyết liệt lực lượng truy bắt, gây ra những hy sinh, mất mát, tổn thất rất lớn.

Nhìn từ Công an Hà Nội, đơn vị truy bắt được nhiều đối tượng truy nã cho thấy, họ phải liên tục vào Nam, ra Bắc, lặn lội tới những miền biên giới, hải đảo xa xôi của Tổ quốc để truy bắt tội phạm. Nhiều chuyến công tác truy bắt đối tượng truy nã, lực lượng công an phải mất hàng tháng ròng “ăn chực, nằm chờ” tại các vùng nông thôn hẻo lánh, trong rừng sâu… để phát hiện dấu vết tội phạm. Có những lúc, chiến sỹ Công an Hà Nội phải đối mặt với những tên tội phạm truy nã đặc biệt nguy hiểm, dùng vũ khí chống trả điên cuồng những người truy bắt chúng.

Công tác truy nã tội phạm mất nhiều thời gian, đầy khó khăn, gian khổ và nguy hiểm nhưng một số địa phương vẫn để tội phạm bị truy nã lẩn trốn trên địa bàn, mà không phát hiện được. Nhiều đối tượng sau khi phạm tội ở một nơi, bị truy nã đã tìm đến nơi khác ẩn náu và thay tên, đổi họ, lập gia đình sống “đàng hoàng” trước mặt thiên hạ. Khi tung tích đối tượng truy nã bị phát giác, các lực lượng chức năng mới “ngã ngửa”, bởi đã lầm tưởng tên tội phạm là một công dân bình thường.

Trên toàn quốc hiện có hàng nghìn đối tượng truy nã đang lẩn trốn, với nhiều tính chất nguy hiểm, phức tạp khác nhau. Do vậy, các đơn vị nghiệp vụ và công an cấp cơ sở cần tăng cường công tác kiểm tra tạm trú, quản lý các loại đối tượng, nhất là những đối tượng có dấu hiệu nghi vấn, ở nơi khác đến cư trú trên địa bàn. Mặt khác, nâng cao trách nhiệm trong công tác phối hợp bắt truy nã với công an các địa phương và phát động toàn dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm. Đây là một trong những vấn đề mang tính chất quyết định cho thành công của công tác bắt truy nã.