Khó lường cam kết của Mỹ tại Syria

ANTD.VN - Chính sách khó lường của nước Mỹ dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump một lần nữa được thấy qua quyết định “sớm nắng chiều mưa” rút quân khỏi Syria.

Khó lường cam kết của Mỹ tại Syria ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania Trump tới thăm các binh sĩ Mỹ tại Iraq ngày 26-12-2018

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton ngày 6-1 đã gây bất ngờ khi tuyên bố Washington sẽ chưa rút quân khỏi Syria. Tuyên bố mới này chắc chắn không phải là một phát ngôn ngẫu hứng bởi nó được đưa ra trong cuộc gặp của ông Bolton - người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách an ninh quốc gia của Mỹ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong chuyến công du tới quốc gia đồng minh chiến lược và thân cận nhất của Washington tại khu vực Trung Đông.

Tuyên bố mới nhất của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ hoàn toàn khác với tuyên bố chỉ hơn 2 tuần trước đó của Tổng thống Donald Trump. Ông chủ Nhà Trắng vào ngày 19-12 vừa qua đã bất ngờ “lên” mạng xã hội Twitter tuyên bố rút toàn bộ binh sĩ Mỹ khỏi Syria ngay lập tức, khép lại 4 năm can dự của Washington tại quốc gia Trung Đông này.

Tuyên bố rút quân của Tổng thống Donald Trump không chỉ khiến chính giới Mỹ, nhất là giới quân sự Mỹ, cùng các đồng minh thân cận của Mỹ bất ngờ mà còn báo hiệu một thay đổi lớn trong chính sách Trung Đông của Nhà Trắng. Các đồng minh của Mỹ trước đây đã đưa quân tới Syria theo lời kêu gọi của Washington, nay “trơ trọi” ở Syria khi mà quân Mỹ “rút ngay lập tức” theo lệnh của Tổng thống Donald Trump.

Giải thích về quyết định đường đột khiến các đồng minh ngỡ ngàng, Tổng thống Donald Trump cho rằng Mỹ đã đánh bại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria - điều mà ông cho rằng là lý do duy nhất cho sự hiện diện của quân Mỹ tại Syria. Tuy nhiên, giới quân sự Mỹ cùng các đồng minh đang tham chiến tại Syria lại không đồng quan điểm, cách nhìn nhận như vậy và câu trả lời rõ nhất là trên thực tế chiến trường Syria.

Đúng là IS đã bị đánh bật khỏi các thành phố và thị trấn lớn tại Syria, song tổ chức khủng bố khét tiếng này vẫn còn có tới 15.000 tay súng và kiểm soát khoảng 50.000km2 các khu vực hẻo lánh ở quốc gia này. Trước đó, vào năm 2012, cũng do nhìn nhận và đánh giá không đúng về mối đe dọa khủng bố mà chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định rút quân khỏi Iraq, nhân tố được cho là rất quan trọng giúp IS trỗi dậy và hoành hành không chỉ tại quốc gia này mà cả khu vực rộng lớn.

Chính vì thế, quyết định rút quân đơn phương của Tổng thống Donald Trump đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ nội bộ nước Mỹ và các đồng minh. Quyết định này được cho là “giọt nước tràn ly” khiến Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ James Mattis đệ đơn từ chức vào ngày 21-12 do có những bất đồng “không thể hàn gắn” với ông chủ Nhà Trắng. Còn Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt khi chỉ trích quyết định của Mỹ rút quân khỏi Syria cũng cảnh báo IS vẫn chiếm giữ một số vùng lãnh thổ tại Syria, vẫn là một nguy cơ thực sự và vì thế cần phải tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác.

Quyết định rút quân được cho là chưa cân nhắc đầy đủ của Tổng thống Donald Trump để lại những hệ lụy khôn lường. Trong đó, nguy hại nhất là niềm tin của đồng minh vào cam kết và trách nhiệm của Washington trong cuộc chiến chống khủng bố hiện vẫn là một ưu tiên hàng đầu trên toàn cầu. 

Chính quyền Mỹ đương nhiên không công khai nhận sai trong quyết định rút quân khỏi Syria, song trên thực tế đang có những điều chỉnh nhằm thay đổi quyết định này và việc Tổng thống Donald Trump bất ngờ tới thăm binh sĩ Mỹ tại Iraq ngày 26-12 là để khẳng định cam kết của Washington. Tuyên bố ngày 6-1 của ông Bolton cho thấy rõ ràng điều này, song có điều là sự khó lường dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín, vai trò của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu.