Khó làm du lịch kiểu "tư duy ngược"

ANTĐ - Làm du lịch nhờ bão lụt, rác hay đưa du khách nghỉ trong ngôi nhà làm bằng… ngô là những ý tưởng táo bạo mà một nhóm các nhà khoa học xây dựng lên. Tuy nhiên, ý tưởng là một chuyện, đưa vào ứng dụng trên thực tế lại là chuyện khác.  

Khó làm du lịch kiểu "tư duy ngược" ảnh 1

Dự án “Con đường hạnh phúc - Trái tim của đá” do STDe thực hiện

Đá có thành vàng?

Mới đây, Liên hiệp phát triển khoa học bền vững (STDe) công bố ý tưởng phát triển du lịch Hà Giang mang tên “Con đường hạnh phúc - Trái tim của đá”. Đúng với tên gọi, trọng tâm của dự án này là thay đổi quan niệm, biến vùng đất sỏi đá, hiểm trở Cao nguyên đá Đồng Văn thành “miền đất hứa” cho du khách. Theo đó, các nhà khoa học STDe sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù mang tên “Tâm hồn của đá”, “Vàng trong đá” và “Hoa trong đá”.

Không chỉ là một tour du lịch thông thường, dự án “Con đường hạnh phúc” đưa ra nhiều ý tưởng táo bạo như xây dựng các vườn đá theo chủ đề: tình yêu, nỗi buồn, khát vọng, mê cung đá…; ngủ và trải nghiệm trong các ngôi nhà đá, biệt thự, khách sạn bằng đá… Thậm chí, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật trên cánh đồng ngô, mê cung ngô hay ở trong ngôi nhà đặc biệt làm từ ngô… 

Theo TS. Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch STDe, người thường xuyên có những ý tưởng du lịch táo bạo, cách đây hơn 1 năm, chị cùng UBND tỉnh Hà Giang đã bàn về việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù cho cao nguyên đá. Tuy nhiên điều băn khoăn với chị là một sa mạc đá mênh mông như vậy thì không có điểm nhấn, nên chị muốn bằng những sản phẩm cụ thể giúp du khách cảm nhận được giá trị cốt lõi của Cao nguyên đá Đồng Văn. Thậm chí, nhà khoa học này còn bày tỏ mong muốn có một tác phẩm điêu khắc đá tại Hà Giang giống như kỳ quan 4 vị tổng thống tại núi Rushmore, Mỹ. 

Khó làm du lịch kiểu "tư duy ngược" ảnh 2

Không nhiều doanh nghiệp du lịch mạo hiểm kinh doanh từ những sự “bất trắc”

Cần nhiều “cái bắt tay”

Đây không phải lần đầu tiên những ý tưởng đột phá về du lịch được STDe đưa ra giới thiệu tới công chúng. Trước đó, nhóm các nhà khoa học ở đây đã xây dựng những tour du lịch “biến họa thành phúc”. Trước “Con đường hạnh phúc”, đơn vị này cũng đã giới thiệu nhiều tour du lịch nghe qua là thấy lạ như “mưa Huế”, “lụt Hội An”, “bão Đà Nẵng”… hay thậm chí là du lịch cùng rác và muối nhằm biến những bất lợi về thời tiết, điều kiện tự nhiên thành sản phẩm du lịch.

Tuy nhiên, những ý tưởng này đưa ra đều gặp sự hoài nghi của những người làm du lịch về tính khả thi của nó. Khi tiếp cận với dự án biến bão lũ tại Hội An trở thành “tài nguyên” du lịch, bà Đinh Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Thương mại - du lịch Hội An nhận định, mặc dù ý tưởng rất hay và độc đáo tuy nhiên để ứng dụng vào thực tế sẽ còn nhiều vấn đề.

Trong đó có việc đầu tư cơ sở vật chất, thuyền bè, điện nước, phương tiện cứu hộ, thực phẩm, nhân lực phục vụ cho các hoạt động du lịch trong mưa, bão. Còn theo ông Dương Xuân Tráng, Giám đốc sản phẩm Công ty Du lịch Mai Việt, đứng ở góc độ doanh nghiệp thì công ty nào cũng muốn chuyến đi của du khách gặp thuận lợi, suôn sẻ. Bởi vậy nên việc kinh doanh du lịch từ điều kiện thời tiết bất lợi, thậm chí có thể gây mất an toàn với du khách là không mấy khả thi. 

Đánh giá về dự án “Con đường hạnh phúc”, ông Tráng cũng cho hay, mặc dù dự án đã đưa ra những ý tưởng có thể thực hiện được như đưa khách ở trong những ngôi nhà ngô hay tạo những sản phẩm “ăn cùng đá”, “ngủ cùng đá”..., nhưng nếu để chạm khắc những bức tượng đá khổng lồ “e là không ổn” vì nó gắn với việc bảo tồn, nhất là Cao nguyên đá Đồng Văn là công viên địa chất toàn cầu đã được UNESCO công nhận.

Đại diện một số công ty du lịch khi tiếp nhận sản phẩm này thì cho rằng, để phát triển du lịch bền vững thì không thể “mạnh ai người nấy chạy” mà phải có sự bắt tay của các doanh nghiệp du lịch và trên hết đó là sự phối hợp, ủng hộ, tạo điều kiện từ cơ quan quản lý, chính quyền.