Khó kiểm soát thực phẩm nhiễm chất cấm

ANTĐ - Dù kết quả kiểm tra chất cấm tạo nạc gốc Beta Agonits tại các tỉnh miền Bắc chỉ chiếm 4,8%, song theo nhận định, tỷ lệ này vẫn ở mức báo động. Đó là chưa kể, tình trạng sử dụng chất cấm luôn tiềm ẩn phức tạp, có thể bùng lên bất kỳ khi nào, bởi lợi nhuận cao.
Khó kiểm soát thực phẩm nhiễm chất cấm ảnh 1
Người tiêu dùng rất khó biết được thịt bày bán ở các chợ có nhiễm chất cấm hay không?


Tràn lan sản phẩm nhiễm chất cấm
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm, thủy sản cho biết, kết quả kiểm tra chất cấm trong thức ăn chăn nuôi  từ các phòng kiểm nghiệm cho thấy, có 13/168 mẫu dương tính với nhóm chất cấm Beta Agonits, chiếm 7,8%; có 8/119 mẫu thịt, gan lợn phát hiện dương tính, tỷ lệ 6,7% ; 7/58 mẫu nước tiểu, chiếm tỷ lệ 12%.  Còn, kết quả kiểm tra của các đoàn công tác tại 15 tỉnh, thành ở miền Bắc và duyên hải Nam Trung bộ cho thấy, có 3/150 mẫu dương tính (1 mẫu thịt, 2 mẫu thức ăn chăn nuôi). Cũng trong tháng 3, thanh tra Bộ NN&PTNTđã ra 550 quyết định xử phạt với số tiền 760 triệu đồng, liên quan đến vi phạm về VSATTP. Đối với  các cơ sở vi phạm ở Bình Dương, tỉnh này đã thông qua mức xử phạt cao nhất, 25 triệu đồng/trường hợp vi phạm. Còn tại Đồng Nai, 11 cơ sở vi phạm cũng đang được tỉnh hoàn tất hồ sơ xử lý. So sánh về mặt tỷ lệ số mẫu thịt, thức ăn chăn nuôi nhiễm chất cấm hồi cuối tháng 2 và trong tháng 3, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, đã giảm nhiều. Như vậy, có thể nói đã kiểm soát được tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát không đồng tình với quan điểm này: “Chưa thể nói chúng ta đã kiểm soát được tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Kết quả kiểm tra có giảm, cũng bởi thời gian gần đây, cơ quan chức năng, các địa phương cũng như dư luận lên án mạnh mẽ nên các đối tượng buôn bán cũng như người chăn nuôi “chờn”, tỷ lệ mới giảm”. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Như  Tiệp cho rằng, tình trạng sử dụng loại chất cấm này vẫn rất phức tạp, khó kiểm soát, có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào vì liên quan đến sinh nhai của người chăn nuôi, lợi nhuận của người buôn bán. “Tỷ lệ thịt và thức ăn chăn nuôi kiểm tra trong tháng 3 dù chỉ còn 4,8% nhưng theo tôi vẫn là đáng báo động. Vì chúng ta đã cấm các loại chất này từ năm 2002 trong chăn nuôi”, ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y cho biết. Theo đó, kết quả kiểm tra tại các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y cũng đã phát hiện 11% số mẫu kiểm tra dương tính với chất cấm. Ông Hoàng Văn Năm khẳng định, Cục Thú  y không cho phép  lưu hành bất kỳ loại thuốc nào có chứa các chất cấm gốc Beta Agonits. Tất cả các loại thuốc thú y kiểm tra phát hiện có dương tính là thuốc nhập lậu, ngoài luồng.Đùn đẩy trách nhiệm Một vấn đề nữa liên quan đến VSATTP là giết mổ gia súc, gia cầm. Cục trưởng Cục Thú y cho biết, quy hoạch cơ sở giết mổ tại các địa phương đã kéo dài nhiều năm nay. Sự quan tâm chỉ đạo của các tỉnh, thành chưa đủ tầm, thành thử cứ tồn tại năm này qua năm khác: “Bộ chỉ đạo ráo riết, nhưng chính quyền địa phương không tập trung làm thì không thực hiện được. Không những vậy, qua kiểm tra cho thấy, nhiều tỉnh ở đồng bằng Bắc bộ không kiểm soát giết mổ, thịt bày bán trên thị trường gần như 100% không qua kiểm tra thú y như Nam Định, Thái Bình, Hà Nam....”. Trước thực trạng này, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu, Cục Thú y trong tháng 4 sẽ kiểm tra các cơ sở giết mổ, sản xuất thực phẩm, nếu vẫn chưa tiến triển thì đình chỉ hoạt động. “Những cơ sở vi phạm VSATTP sản xuất ra thực phẩm bẩn, tại sao chúng ta vẫn cứ để tồn tại. Trách nhiệm xử phạt cứ đùn đẩy từ Bộ xuống địa phương, mãi không có thay đổi”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói. Thực phẩm mất an toàn đang là nỗi lo thường trực của hàng chục triệu người tiêu dùng Việt Nam. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, người đứng đầu ngành nông nghiệp, nơi sản xuất ra thực phẩm hàng ngày cũng tỏ ra lo ngại: “Bữa cơm ngon của người tiêu dùng thì có gạo nghi giả, thịt nhiễm chất tạo nạc xào với rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật”. Do đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo các cục, vụ liên quan trong tháng 4 tiếp tục lấy các mẫu thịt, thức ăn chăn nuôi để kiểm tra,  xử lý: “Tỷ lệ thịt, thức ăn chăn nuôi nhiễm chất cấm 4,8% vẫn là cao, nếu chúng ta không nỗ lực kiểm soát thì nó lại bùng lên nghiêm trọng. Tuy nhiên, kiểm tra rồi phải thay đổi thực tế, kiểm tra chất cấm mà kiểu “trống giong cờ mở” thì cũng khó mang lại kết quả như mong muốn”.